Ăn uống sau sinh là một trong những vấn đề được mẹ bỉm sữa quan tâm nhất. Bởi lẽ chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời điểm này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian hồi phục của bản thân mà còn quyết định chất và lượng sữa dành cho con.
Mới đây trong một hội nhóm nấu ăn nổi tiếng trên mạng xã hội, chị Trương Thu (30 tuổi, sống tại Hà Nội) đã chia sẻ những hình ảnh cơm cữ của mình và nhận được đông đảo sự quan tâm. Thực đơn sau sinh của chị Thu đúng thật khiến chị em phải "trầm trồ" vì không chỉ nhiều món, đa dạng mà còn ngon mắt và đầy đủ dinh dưỡng.
Những mâm cơm cữ toàn món ngon được chị Thu chia sẻ trên mạng xã hội.
Chia sẻ quan điểm ăn uống sau sinh, chị Thu cho biết: "Hãy thay đổi những bữa cơm cữ buồn chán khó ăn thành những bữa tiệc cữ để phục hồi sức khoẻ cho mẹ thật nhanh và cho con 1 nguồn sữa chất lượng nha các mẹ. Một vài bữa cơm cữ những ngày đầu sau sinh của em. Đúc kết kinh nghiệm từ con đầu kiêng lắm thứ quá mà sữa chỉ đủ dùng, lần này kiêng ít hơn ăn mỗi thứ nếm tí, dư sữa nuôi cả thằng anh lẫn con em mà vẫn thừa sữa trữ đông làm sữa chua ăn. Mỗi cữ sữa 3 tiếng vắt 1 lần mỗi bên em thu được 200-300ml".
Cụ thể hơn, những kinh nghiệm ăn uống sau sinh của bà mẹ 2 con này bao gồm:
- Đầu tiên phải uống đủ ít nhất 3 lít nước mỗi ngày (tính cả nước canh,nước lọc, hay nước thuốc).
- Cơm trong ảnh là từ gạo Sén Cù ,đặc sản Tây Bắc, gạo này nguyên cám ăn rất tốt lại dẻo ngọt cực ngon. Bình thường em vẫn ăn gạo trắng nữa.
- Hoa quả ăn tất cả loại quả ngọt, dưa hấu, ổi bỏ lõi, chuối tiêu, bưởi ngọt, na, bơ, sầu riêng,... và có uống thêm sữa nha vì mẹ ăn gì con ti đó nên kiêng lắm lại thiếu chất không nên.
- Ăn móng giò chẳng về sữa gì cả chỉ béo mẹ thêm, ăn chân dê kích sữa nhanh hơn đó, nhất là món chân dê hầm cháo đỗ đen.
- Rau ngót rất tốt nhưng sẽ dễ táo vậy nên xen kẽ các loại củ quả luộc tốt nhất là mướp, bầu, bí,...
- Hải sản ăn rất tốt cá, ghẹ, cua, tôm, ốc hương. Không được ăn hàu, ngao lạnh bụng.
- Thịt lợn kho nghệ em ăn rất ít, chủ yếu ăn thịt bò kho nghệ, vừa bổ máu lại thơm sữa.
- Để phục hồi sức khoẻ nhanh thì ngoài ra em có ăn thêm yến chưng, chim cu ngói, gà hầm thuốc bắc giúp bổ máu mà nhanh lành vết đẻ.
- Sau tầm 15-20 ngày các mẹ cắt giảm cơm, ăn ít cơm hơn nhưng thức ăn vẫn ăn nhiều, lượng đạm trong thức ăn các bữa ổn định sẽ giúp sữa vẫn nhiều như thường mà mẹ không lo tăng cân.
Mỗi bữa ăn đều đa dạng các món và được thay đổi liên tục.
So sánh giữa hai lần sinh con, chị Thu cho biết lần sinh bé đầu chị chưa có kinh nghiệm nên kiêng khem nhiều, cơ thể như bị thiếu chất nên phục hồi chậm hơn, phải 20 ngày sau sinh mới đi lại bình thường.
Sau sinh bé thứ 2 này, chị ăn uống đầy đủ chất hơn nên thấy sữa nhiều, mẹ ăn ngon miệng vui vẻ và cũng nhanh khỏe hơn, chỉ 10 ngày sau sinh đã thấy khỏe khoắn như bình thường.
Chị Thu cho biết cơm cữ của mình do mẹ đẻ nấu cho.
Chị cũng tiết lộ tất cả các mâm cơm cữ này đều do mẹ đẻ tự tay nấu. "Bà ngoại bé có đam mê ăn uống nên các món bà thay đổi liên tục. Bà cũng hiện đại lắm nên mình trình bày quan điểm ăn không kiêng quá thì bà cũng đồng ý ngay và thực hiện giúp mình thay đổi món", chị nói.
Ăn uống toàn "sơn hào hải vị" nhưng chị Thu cũng cho biết từ khi sinh đến nay được 1 tháng 18 ngày chị đã giảm 18kg, không hề lo lắng chuyện vóc dáng sau sinh.
Ăn uống đầy đủ nhưng chị Thu không hề lo lắng chuyện mất dáng sau sinh.
Lượng sữa của chị cũng rất dồi dào, vừa đủ nuôi bé, đi cho và trữ đông.
"Mình nghĩ vì lượng tinh bột vào cơ thể ít mà mẹ ăn rất nhiều đạm chất xơ nhưng tiết sữa mỗi ngày nhiều nên không vào mẹ mà toàn dưỡng chất vào sữa thôi. Mình cũng đang thử tự làm sữa hạt tại nhà để đảm bảo nguồn sữa cho bé và dinh dưỡng cho mình. Hiện tại mình mới uống được 3 ngày nên cũng chưa thấy có kết quả nhưng sẽ kiên trì tiếp tục", chị Thu cho biết.
Những mâm cơm cữ được chị đăng tải trên mạng xã hội hiện nhận được lượng tương tác rất tốt từ cư dân mạng. Ai cũng xuýt xoa khen ngợi những mâm cơm vừa ngon vừa bổ dưỡng, thậm chí nhiều chị em còn đùa vui: "Đẻ xong mà ăn uống thế này thì cho em đẻ mấy lần nữa cũng được".