Thành công của triển lãm Green Fashion vào tháng 3/2024 vừa qua đã chứng minh tầm nhìn, trí lực, sự đột phá và đóng góp của Việt Nam với thế giới. Đây là nghiên cứu do giám tuyển người Việt - Trần Mai Khanh (Mika) thực hiện, với sự tham gia của nhà thiết kế Lan Hương.
Trong lần gặp gỡ này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của giám tuyển Trần Mai Khanh về triển lãm, cũng như trăn trở của người nghiên cứu trong marketing bền vững.
Đầu tiên, xin chúc mừng chị với triển lãm Green Fashion rất thành công trên thị trường quốc tế vừa qua. Khi nhìn lại sự kiện đó, chị thấy Green Fashion có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của mình?
- Triển lãm là một bước đi tất yếu trong định hướng nghề nghiệp của tôi, để từ đó tôi càng vững tâm và mạnh dạn hơn nữa trong hướng đi của mình. Với vai trò là nhà nghiên cứu - giảng viên marketing, tôi luôn muốn tìm ra các hướng đi mới trong lĩnh vực này cũng như giải những bài toán mới về xã hội và hành vi người tiêu dùng, xã hội.
Green Fashion không chỉ là một triển lãm về cái đẹp, nó là một phần dự án nghiên cứu của tôi khi đưa ra hướng đi mới về sử dụng nghệ thuật trong marketing bền vững, giúp độc giả tiếp cận gần hơn với chủ đề và các vấn đề của thời trang bền vững. Ngoài giá trị thiết thực trong ngành thời trang cao cấp và thời trang bền vững, đây là một case thành công của phương pháp nghiên cứu mới - có ý nghĩa và đóng góp lớn trong thực hành, giảng dạy.
Ý tưởng cho Green Fashion được bắt đầu như thế nào?
- Khoảng 10 năm trở lại đây, marketing đã chuyển hướng mạnh mẽ sang “Tiếp thị bền vững” (Societal/sustainable marketing) để thích ứng với tình hình thay đổi khí hậu môi trường và các khủng hoảng trong sử dụng, khai thác tài nguyên cũng tiêu dùng quá mức của xã hội. Tôi luôn mong sẽ có dịp được làm việc với một thương hiệu hay NTK ở Việt Nam về chất liệu mới trong thời trang xanh.
Tới năm 2023, tôi được tham dự một sự kiện văn hoá do Đại sứ quán tổ chức, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Anh, đây cũng là dịp NTK Lan Hương giới thiệu bộ sưu tập làm từ sợi gai xanh ra thế giới. Tôi đã rất ấn tượng với bộ sưu tập và ý tưởng, nên đã nhờ các anh chị trong Đại sứ quán kết nối với chị Lan Hương xin phỏng vấn. Chị Lan Hương ngoài những chia sẻ tâm huyết về ứng dụng và tính chất của gai xanh còn có cả trăn trở về cách đưa thông điệp và thông tin với người tiêu dùng.
Khi đó, tôi nghĩ với nội dung và thông điệp cần nhiều thời gian tiếp cận như thời trang bền vững, yếu tố thông tin và cảm xúc nghệ thuật cần được cân đối hơn, ý tưởng về triển lãm cũng được ra đời từ đó. Các chi tiết và kế hoạch cụ thể về triển lãm Green Fashion được phát triển và trau chuốt hơn khi tôi về Việt Nam công tác, theo chân chị Lan Hương tới Studio và không gian làm việc của chị, tận mắt nhìn thấy những cây gai xanh được trồng trong vườn, được chị kết nối với bên sản xuất sợi gai và tìm hiểu thêm về các ứng dụng của gai xanh trong đời sống hàng ngày.
Giám tuyển cho triển lãm là công việc đòi hỏi rất nhiều thực hành nghệ thuật và sáng tạo, trong vai trò là một tiến sĩ, người nghiên cứu, chị tìm thấy giao điểm của hai khía cạnh này ở đâu?
- Thông thường khi nhắc đến nghiên cứu, mọi người thường nhắc tới phương pháp nghiên cứu định lượng hay định tính, còn dữ liệu và số liệu (data) sẽ là các con số hoặc phỏng vấn. Trên thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội, phương pháp nghiên cứu khoa học đa dạng hơn rất nhiều. Trong lĩnh vực marketing, nghiên cứu trên cơ sở Nghệ thuật (Art-based research) là một phương pháp không xa lạ, cả ở trong môi trường học thuật và làm việc thực tế.
Vai trò giám tuyển – nghiên cứu sẽ phức tạp hơn khi triển lãm trở thành một phần của nghiên cứu mang tính chất hành động (action research). Lúc này, người nghiên cứu phải thực sự nắm được mọi công việc của giám tuyển, từ việc lên concept, bố trí không gian và trình tự cho câu chuyện và thông điệp, lựa chọn và chắt lọc hình ảnh, âm thanh, hiệu ứng đồng thời tính toán các điểm cao trào/ không gian nghỉ cũng như tương tác cho khán giả.
Đúng như bạn nói, giám tuyển cho triển lãm là công việc đòi hỏi rất nhiều thực hành và sáng tạo. Người nghiên cứu cũng phải trải qua nhiều tập huấn, lao động và rèn giũa, với tôi là hơn 10 năm mới có được một triển lãm quy mô lớn với tập khán giả đa dạng giữa trung tâm London như vậy.
Đối với mỗi triển lãm, concept sẽ đóng vai trò như là một lời diễn giải của tác giả về những ý tưởng của mình với đại chúng, vậy thì chị thấy concept “Sketchbook” đóng vai trò thế nào trong triển lãm lần này?
- Trong triển lãm này, tôi đã lựa chọn concept Sketchbook để đảm bảo 4 yếu tố: Tính khác biệt, cân bằng giữa cảm xúc thời trang và thông điệp bền vững, gợi mở góc nhìn, khả năng triển khai bền vững.
Đầu tiên là tính khác biệt, triển lãm được đặt tại London, nơi các show thời trang đã quá phổ biến. Thời trang thú vị và hấp dẫn không chỉ ở sản phẩm cuối cùng mà còn ở quá trình sáng tạo của nhà thiết kế. Vì vậy, Sketchbook mang đến cho khách tham quan trải nghiệm tìm tòi về quá trình sáng tạo, khám phá được những chi tiết không thể thấy trên sàn trình diễn thời trang thông thường.
Tiếp theo là cân bằng cảm xúc. Concept Sketchbook tạo ra tinh thần xem và đọc cho người đến dự. Triển lãm ưu tiên tạo ra kết nối về cảm xúc qua hiệu ứng thị giác, hướng khách tham quan tới các thông điệp thời trang và tiêu dùng bền vững. Như vậy, triển lãm cung cấp thêm thông tin về sự cần thiết của thời trang xanh và nhiều chi tiết kỹ thuật mà không gây cảm giác nặng nề.
Thứ ba là gợi mở góc nhìn. Sketchbook hướng sự tập trung của khách vào quá trình sáng tạo của nhà thiết kế thay vì chỉ nhìn vào từng sản phẩm riêng lẻ. Điều này giúp người xem đón nhận một góc nhìn mới, từ đó mở ra góc nhìn của bản thân họ, phù hợp với tiêu chí của nghiên cứu hành động (action research).
Cuối cùng là khả năng tái chế. Concept Sketchbook cho phép tôi sử dụng giấy tái chế từ các máy in trong thư viện. Sau chương trình, giấy in cũng được tái sử dụng hiệu quả.
Điều gì trong marketing bền vững chị thấy là không thể thỏa hiệp?
- Cá nhân tôi sẽ chọn nền tảng đạo đức và sự chân thật/giá trị cốt lõi (authenticity) là yếu tố cần có trong marketing bền vững. Cái gì không thật thì không thể bền.
Authenticity cũng là chủ đề nóng trong hai năm gần đây ở các hội thảo chuyên đề về phát triển thương hiệu và marketing bền vững, ra đời trong hoàn cảnh các nhãn hàng chạy theo xu hướng truyền thông và hoạt động “bền vững” mà không có sự chuẩn bị về tài nguyên, lộ trình, quy trình hay nguồn lực con người. Nếu chỉ đáp ứng về mặt hình thức bền vững mà ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị cốt lõi, thì điều này có thực sự bền vững và đáng để thoả hiệp không?
Ớ góc nhìn của người tiêu dùng, chúng ta cũng hoàn toàn có quyền được cung cấp thông tin và hiểu bản chất của marketing bền vững để đưa ra lựa chọn sáng suốt, tránh sự mặc định hoặc đón nhận thông tin một chiều, thiếu kiểm chứng.
Chị nghĩ tương lai của thời trang bền vững bắt đầu từ đâu?
- Ý thức, nhận thức và hành động của con người sẽ quyết định tương lai của thời trang bền vững.
Thời trang bền vững bắt đầu từ những điều nhỏ nhất và có thể làm được ngay bây giờ, như kiểm soát mua sắm, ưu tiên các sản phẩm có độ bền hơn là chạy theo trào lưu, hạn chế các sản phẩm giá rẻ nhưng hại môi trường,...Tương lai bắt đầu từ lúc này với những hành động nhỏ nhất.
Dự định tiếp theo của chị kết hợp cùng chị Lan Hương với Green Fashion sau triển lãm tại London là gì?
- Green Fashion đã mang lại nhiều cơ hội mới nên tôi và chị Lan Hương đang gấp rút triển khai các sự kiện tiếp theo trong năm 2024 cũng như lên kế hoạch cho những năm tới. Trong tháng 5/2024, Green Fashion sẽ được trình diễn tại một sự kiện ở London. Tôi cũng đang được Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London (Natural History Museum) mời tái hiện lại Triển lãm Green Fashion trong khuôn viên bảo tàng.
Chị Lan Hương sẽ có tour trình diễn thời trang tại Châu Âu từ tháng 6-7/2024 với bộ sưu tập mới từ chất liệu sợi gai xanh, vậy nên tôi cũng sẽ tiếp tục đồng hành với cuộc “Cách mạng Xanh” của chị Hương với vai trò người nghiên cứu. Rất mong quý độc giả sẽ theo dõi, đồng hành với những dự án kết hợp sắp tới của chúng tôi.
Xin cảm ơn chị vì đã dành thời gian chia sẻ.