Trên thị trường, lan hoàng nhạn có giá khá cao, đặc biệt là những cây ra hoa vào dịp tháng 4 và tháng 8. Do đó, thay vì bỏ ra một số tiền lớn để mua cây, tại sao bạn không thử tự tay trồng chúng, vừa có ý nghĩa lại vừa tiết kiệm được chi phí.
1. Đặc điểm của lan hoàng nhạn
Lan hoàng nhạn có tên khoa học là Aerides odorata x houlletiana, là một trong những loại hoa sở hữu sức quyến rũ bậc nhất trong các loại lan. Cây có nguồn gốc từ nhiều nơi trên thế giới và trong đó cũng có Việt Nam. Tại Việt Nam, lan hoàng nhạn thường sống nhiều ở miền Nam Trung Bộ, dọc dãy Trường Sơn.
Về đặc điểm, thân lan hoàng nhạn thuộc dạng đơn thân, có màu xanh chấm tím, cũng có khi là xanh trơn đơn thuần. Có 2 loại thân cây lan hoàng nhạn mà chúng ta có thể bắt gặp là thân thẳng hoặc thân ziczac với đường kính từ 8 – 15mm. Lá lan hoàng nhạn cứng và khá dày, độ dài mỗi lá rơi vào khoảng 10 - 20cm trong khi độ rộng là từ 2- 3cm. Tùy thuộc vào lượng ánh sáng mà cây tiếp nhận mà lá có màu xanh đậm, xanh đơn thuận hoặc thấm chí là xanh vàng.
Hoa lan hoàng nhạn có 2 màu sắc phổ biến hơn cả là vàng trơn và vàng tím. Hoa dài, thường rủ xuống, mọc thành chùm dài 8 – 22cm. Một số chùm hoa hiếm có thể dài tới hơn 22cm. Lan hoàng nhạn cho ra hoa không to, chỉ có 1,5 – 2cm, nhưng bù lại hoa ra khá nhiều, khoảng 7 – 20 bông 1 chùm. Có 2 loại lan hoàng nhạn phù hợp với khí hậu Việt Nam là hoàng nhạn tháng 4 và hoàng nhạn tháng 8 ra hoa vào tháng 4 và tháng 8 hằng năm. Hiện nay do độ hiếm nên hoàng nhạn tháng 8 được ưa chuộng và có giá đắt hơn so với hoàng nhạn tháng 4.
2. Cách trồng lan hoàng nhạn
Bước 1: Xử lý giá thể
Điều tiên quyết để sở hữu được 1 chậu lan hoàng nhạn khỏe mạnh là chọn giá thể phù hợp với kích thước của cây. Nếu mới ươm cây non, bạn có thể sử dụng những loại chậu sứ bán ngoài hàng. Nếu muốn ghép cây trưởng thành thì hãy ưu tiên cho các loại gỗ, rêu giữ ẩm. Giá thể dùng trồng cây phải sạch, không chứa sâu bệnh tiềm ẩn.
Bước 2: Tách cây khỏi mẹ
Trước khi tách, bạn nên tưới thật nhiều nước vào cây mẹ. Điều này giúp rễ cây mềm và dễ tách hơn. Sau đó khoảng 20 – 30 phút, bạn bắt đầu tách từng rễ của lan hoàng nhạn ra và chuyển sang giá thể mới.
Nếu như sở hữu giống lan có nguồn gốc từ rừng về thì cần tiến hành chữa lành những vết dập trên cây bằng keo liền sẹo. Ngoài ra, nên phun thuốc chống nấm bệnh cho giống trước khi tách cấy ghép và đem đi trồng.
Bước 3: Trồng cây
Sau khi đã tách cây, bạn cẩn thận trồng chúng vào chậu hoặc ghép vào thân gỗ theo hướng ánh sáng mặt trời để cây quang hợp. Hãy giữ gốc cây thật chắc tránh trường hợp va chạm làm cây bị lung lay, thối dập. Lưu ý khu vực trồng cây phải khô ráo, thoáng khí nhất.
3. Cách chăm sóc lan hoàng nhạn
- Ánh sáng: Tránh cho cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời quá gay gắt. Tốt nhất là điều chỉnh ánh sáng khoảng 20% khi nhiệt độ trên 30 độ C và 40% khi nhiệt độ dưới 20 độ C.
- Độ ẩm: Vì lan hoàng nhạn là một cây ưa ẩm nên bạn nên đặt cây vào nơi thoáng mát 70-80% để lan hoàng nhạn phát triển tốt nhất.
- Tưới nước: Đối với cây ghép vào gỗ, mỗi ngày tưới 1 lần để cây giữ được độ ẩm, trong thời tiết nắng nóng hơn bạn có thể tưới 2 lần. Đối với cây trồng trong chậu, mỗi ngày tưới 1 lần nhưng lượng nước ít hơn cây ghép vào gỗ.
- Bón phân: Bón phân định kỳ nhất là lúc cây đang phát triển rễ. Có thể dùng phân tan chậm hoặc phân bón qua lá để bón cho cây.
- Phòng sâu bệnh: 1 tháng 1 lần là chu trình phun thuốc phòng bệnh chuyên dụng tốt nhất cho lan hoàng nhạn. Ngoài ra, phun thêm trước mùa mưa sẽ tốt cho cây hơn.