Cốc giữ nhiệt bất ngờ phát nổ làm vỡ nhãn cầu của cô gái 23 tuổi, nguyên nhân xuất phát từ thứ được đựng bên trong cốc

Cách đây mấy ngày, một cô gái ở Phúc Kiến (Trung Quốc) được đưa đến bệnh viện với tình trạng mắt phải nhắm chặt nhưng vẫn không ngừng rỉ máu, nguyên nhân là do nắp cốc giữ nhiệt phát nổ bắn vào mắt.

Ngày 11/8, tại Phúc Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc), vào khoảng 8 giờ tối, Bệnh viện Nhân dân số 2 của tỉnh Phúc Kiến tiếp nhận một bệnh nhân nữ 23 tuổi nhập viện cấp cứu với biểu hiện mắt phải nhắm chặt nhưng không ngừng rỉ máu và liên tục rên rỉ trong đau đớn.

Đây là trường hợp của cô Xiaoxue, gia đình cho biết tối đó, Xiaoxue muốn mở nắp chiếc cốc giữ nhiệt nhưng nó rất chặt. Một lát sau, nó bất ngờ phát nổ, nắp cốc bắn ra xa đập mạnh vào mắt phải của cô.

Bác sĩ Chen Sheng, Trưởng Khoa Mắt của bệnh viện phát hiện mắt phải của Xiaoxue hoàn toàn không nhìn thấy, ông cho rằng nhãn cầu của cô bị hỏng và mống mắt rơi ra, tình hình nghiêm trọng.

Bác sĩ Chen Sheng, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhân dân số 2 của tỉnh Phúc Kiến chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân.

Do đó, Xiaoxue nhanh chóng được cấp cứu, gắp bỏ mảnh vụn còn mắc lại trong mắt và trải qua cuộc phẫu thuật 2 giai đoạn trong vòng 1 tuần sau đó. Tuy nhiên, khả năng phục hồi thị lực thì chưa thể dự đoán trước được.

Được biết, vào hôm xảy ra sự việc Xiaoxue đã pha 1 cốc trà chà là đỏ với nước nóng trong cốc giữ nhiệt rồi đậy kín nắp nhưng lại quên uống nó ngay sau đó. Đến tối khi nhớ ra, cô cố mở nắp cốc nhưng không được thì sự việc bất ngờ ập đến.

Nắp cốc giữ nhiệt bất ngờ phát nổ do thứ đựng bên trong.

Theo giảng viên Huang Jing, Khoa Hóa học và Vật liệu, Đại học Sư phạm Phúc Kiến, nước trái cây, các loại đồ uống nóng trong đó có loại trà chà là đỏ mà Xiaoxue sử dụng, nước nấm, nước canh rong biển... nếu được lưu trữ lâu có thể tạo ra khí. Việc bảo quản các loại nước này trong thời gian dài ở một không gian kín sẽ làm tăng áp suất bên trong, tất yếu gây ra hiện tượng "trào".

Để dễ hiểu hơn, bạn hãy tưởng tượng việc thả viên sủi vào trong chiếc cốc kín, nó sẽ giải tỏa 1 lượng khí cacbonic lớn sau khi tiếp xúc với nước, lượng khí lớn này được nén trong không gian kín và hẹp, thời gian càng lâu thì lượng khí thoát ra càng nhiều. Từ đó sẽ gây áp lực lên thành bên trong của cốc, tạo thành áp suất cao tức thì, điều này cũng sẽ gây ra hiện tượng phát nổ.

Cốc giữ nhiệt bất ngờ phát nổ làm vỡ nhãn cầu của cô gái 23 tuổi, nguyên nhân xuất phát từ thứ được đựng bên trong cốc - Ảnh 3.

Khi sử dụng cốc kín, đặc biệt là cốc giữ nhiệt, tốt nhất nên làm nóng trước bằng nước nóng rồi mới cho nước nóng vào để tránh nhiệt độ thay đổi quá mức.

Do đó, khi lưu trữ các loại nước nêu trên, tốt nhất bạn không nên đặt trong một chiếc cốc kín trong thời gian dài, có thể đậy kín để giữ nhiệt một lúc rồi mở nắp thường xuyên để xả bớt ra lượng khí bên trong.

Cô Huang Jing nhấn mạnh, khi sử dụng cốc kín để đựng đồ nóng, tốt nhất nên làm nóng cốc trước bằng cách tráng qua nước nóng rồi mới cho đồ nóng vào, điều này giúp tránh nhiệt độ thay đổi quá mức có thể làm áp suất không khí đột ngột, gây "trào", nổ.

Nguồn tham khảo: Kknews, Healthline. Ảnh: Kknews