Ngày em trai tôi cưới vợ, kinh tế gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Lúc đó tôi đang ở nhà dưỡng thai, không đi làm, mọi chi tiêu trong gia đình do chồng đảm nhận hết.
Lương chồng thấp, sau khi trừ tiền thuê nhà và các khoản chi tiêu trong tháng, chúng tôi chỉ tiết kiệm được 2 triệu. Để có một chỉ vàng mừng cưới cho em trai, tôi phải để dành trong nhiều tháng.
Khi biết tôi sẽ tặng em ruột một chỉ vàng, chồng giận dỗi trách móc:
“Ngày chúng ta cưới, em ấy đi làm kiếm được tiền rồi, thế mà mừng có 500 nghìn. Bây giờ em ấy cưới mừng một triệu là nể mặt lắm rồi, tại sao em phải nhịn ăn nhịn mặc tặng nhiều tiền thế”.
Tôi bảo là anh chị phải nghĩ thoáng, sao lại tính toán thiệt hơn thế được. Anh nói ai mừng nhiều sẽ trả nhiều, mừng ít đi lại ít, đó là quy luật rồi, nghĩ ngợi nhiều làm gì cho đau đầu nhức óc.
Chồng cản, tôi chẳng muốn cãi làm gì nữa, ngày cưới em tôi vẫn vui vẻ lên tặng em ấy một chỉ vàng. Suốt một tháng sau đó, chồng càu nhàu, chì chiết vợ. Anh trách tôi hoang phí, phá hoại, không biết tiết kiệm. Cứ động vào việc gì là anh lại mang chuyện nhẫn cưới ra mắng.
Suốt một tháng sau đó, chồng càu nhàu, chì chiết vợ. (Ảnh minh họa)
Tức nước vỡ bờ, tôi cãi chồng:
“Anh thôi đi, tặng em vợ có một chỉ vàng mà anh đay nghiến mãi thế. Anh còn cô em gái đấy, để xem sau này sẽ tặng em ấy cái gì. Cứ làu bàu mãi thế này, em nghĩ nhiều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Sau này con sinh ra mà bị sao đừng trách vợ không báo trước”.
Thấy vợ làm căng, cuối cùng chồng cũng biết sợ và không dám phàn nàn nữa. Tuy chuyện cũ đã xảy ra hơn 10 năm nay nhưng tôi nhớ như in trong đầu, không bao giờ quên.
Sau nhiều năm trì hoãn việc lập gia đình, cuối cùng em gái chồng tôi cũng chịu lên xe hoa ở tuổi 38 với một người đồng nghiệp hơn kém vài tuổi. Ngày cưới chúng tôi, em ấy đang còn đi học nên không có tiền mừng. Nhưng ngày em cưới, tôi vẫn xác định tặng em một chỉ vàng, vì tôi luôn coi nội ngoại như nhau không thể đối xử thiên vị được.
Cứ nghĩ ý tưởng tôi đưa ra sẽ được chồng khen ngợi là người vợ tốt, không ngờ anh gạt phắt. Anh bảo:
“Hiện tại kinh tế gia đình khá giả, phải tặng em ấy 5 cây vàng mới hoành tráng”.
Nghe chồng nói mà tôi choáng váng, không hiểu chồng đang nói giả hay thật nữa. Khi bình tĩnh lại, tôi phải hỏi đi hỏi lại cho chắc chắn và lần nào chồng cũng gật đầu khẳng định vợ không nghe sai.
Nghe chồng nói mà tôi choáng váng, không hiểu chồng đang nói giả hay thật nữa. (Ảnh minh họa)
Tôi không chấp nhận đề xuất của chồng nên phản đối kịch liệt. Mỗi đồng tiền vợ chồng đều vất vả lắm mới kiếm được, sao có thể dễ dàng cho người khác được. Đến lúc này chồng mới bắt đầu giải thích:
“Em gái đi lấy chồng bố mẹ không có tài sản gì tặng. Bố định chia đôi mảnh đất ông bà đang sống, một nửa thuộc em gái, một nửa thuộc vợ chồng mình. Nhưng em ấy nói là đi lấy chồng và sẽ không về tranh chấp đất với anh trai. Thế nên mẹ khuyên anh trong ngày cưới tặng em gái 5 cây vàng và sẽ được hưởng trọn suất đất của em ấy”.
Tôi bảo đất của bố mẹ có hơn 200m2, xây nhà gần như hết rồi, có mỗi mảnh đất nhỏ để trồng vài cây rau thơm, ông bà định phá nhà để cắt đất cho em gái sao. Với lại đất ở quê giá trị thấp, nhà ai đất cũng rộng mênh mông, bố mẹ có chút đất mà còn chia cho con gái nữa thì sau này lấy chỗ nào mà thờ cúng.
Chồng nói:
“Thế nên anh sẽ tặng cho em gái 5 cây vàng để bố mẹ sang hết sổ đỏ cho vợ chồng mình. Sau này ông bà mất thì đất sẽ thuộc về chúng ta”.
Những lời chồng nói không có gì đảm bảo chắc chắn cả. Tôi lúng túng quá. Theo mọi người, tôi có nên đồng ý tặng em chồng 5 cây vàng trong ngày cưới không?