Rạng sáng ngày 2/6 vừa qua (theo giờ Việt Nam), Giám đốc vận hành Sheryl Sandberg - "nữ tướng" quyền lực một thời đứng sau thành công của mạng xã hội Facebook, đã tuyên bố sẽ rời khỏi tập đoàn này.
Là người quyền lực thứ 2 mạng xã hội lớn nhất hành tinh, Sheryl Sandberg từng được thế giới ca tụng vì hình ảnh một nữ giám đốc tài năng - biểu tượng thành công của phái đẹp trong kỷ nguyên số.
Tuy vậy, cuộc chia tay sau hành trình gắn bó 14 năm của bà với Facebook hay bây giờ là Meta không phải một kết cục đột ngột và tốt đẹp theo bất cứ nghĩa nào. Sheryl Sandberg rời tập đoàn vào thời điểm nhạy cảm, bất định nhất - khi Meta muốn thoát khỏi cái bóng của chính mình để định hướng lại mô hình kinh doanh tới một nơi không còn chỗ chứa chân cho vị COO.
Sandberg - người đặt nền móng cho dòng lợi nhuận dồi dào của Meta - tuyên bố về sự ra đi bằng một bài đăng Facebook dài. Trong bài viết ấy, bà giải thích rằng mình muốn tập trung hơn vào quỹ riêng và hoạt động từ thiện. Nhưng điều đó không qua mắt được những người thạo tin.
Theo họ, mối quan hệ giữa COO kỳ cựu với "trùm cuối" Mark Zuckerberg đã có rạn nứt suốt nhiều năm. Nhân vật từng là gương mặt "đại sứ thương hiệu" cho công ty dần lùi về hậu trường, bị đẩy sang một bên và mỗi khi xuất hiện hiếm hoi thì đều gây khó xử.
Một di sản gây tranh cãi
Đầu tiên cần phải khẳng định, hiếm ai có công lao to lớn với Meta hơn Sheryl Sandberg trước khi bà rời đi. Nữ tướng là người đứng sau một trong những cỗ máy in tiền "khủng" nhất mọi thời đại. Chuyên môn về quảng cáo của bà là cú hích mạnh mẽ để biến Facebook từ startup ký túc xá đơn sơ thành đế chế tỷ USD kiểm soát lượng gia tài và dữ liệu khổng lồ.
Sheryl Sandberg, như Sheera Frenkel và Cecilia Kang của tờ The New York Times giải thích trong cuốn sách An Ugly Truth năm 2021, là then chốt với việc chuyển Facebook thành một phương tiện quảng cáo mạnh mẽ nhất mà con người từng biết đến.
Năm 2008, khi rời khỏi vị trí Phó Chủ tịch Google, bà đã kịp phát triển mảng quảng cáo trên công cụ tìm kiếm để biến nó trở thành doanh nghiệp trị giá 16,6 tỷ USD. Với khởi đầu đó, Sandberg hạ quyết tâm phù phép Facebook ra một đế chế không kém cạnh.
Dưới thời Sandberg, Facebook đã tìm ra cách lợi nhuận hóa lượng dữ liệu khổng lồ mà hàng tỷ người dùng giao nó mỗi ngày. Mạng xã hội thậm chí nắm rõ từng cá nhân như lòng bàn tay và biến thông tin đó thành sản phẩm số một để cung cấp giải pháp cho các nhà quảng cáo.
Bằng cách làm vậy, các cổ đông cùng nhà điều hành mạng xã hội đã đút túi hàng tỷ USD. Tuy nhiên, như bê bối Cambridge Analytica chỉ ra, lợi nhuận đó phải đánh đổi bởi danh tiếng của bản thân Facebook và những người chịu trách nhiệm chính - bao gồm cả Sheryl Sandberg.
Nói qua về số liệu, từ khi Sandberg gia nhập, doanh thu của Facebook đã bùng nổ ở mức 153 triệu USD vào 2009 lên con số 70 tỷ USD chỉ 10 năm sau. Tới năm ngoái, 97% số tiền Meta thu được vẫn là nhờ quảng cáo.
Doanh thu theo triệu USD của Meta qua các năm.
Với việc thu hoạch tài nguyên dữ liệu, Facebook cùng nhiều gã khổng lồ công nghệ khác đã "tiên phong" tạo ra một mối lo ngại lớn cho người dùng - giờ đây, mọi bước chân điện tử của họ trên internet đều bị ghi dấu lại và chăm sóc kỹ càng bởi các nhà quảng cáo.
Cũng không thể không kể đến công lớn của nữ tướng trong việc gánh vác những trọng trách mà CEO trẻ tuổi Zuckerberg còn thiếu kỹ năng giải quyết hoặc cảm thấy quá "nhàm chán" - như chính sách và vận hành doanh nghiệp. Đó là chưa nói tới các mối quan hệ tầm cỡ tại nhiều công ty thuộc Fortune 500 hay kinh nghiệm với chính quyền.
Dù vậy, tất cả những đóng góp đó không bù đắp được chiến lược tối ưu hóa tăng trưởng và lợi nhuận mà Facebook theo đuổi suốt nhiều năm dưới quyền nữ tướng.
Những người chỉ trích cho rằng mạng xã hội gặp vấn đề về mặt hệ thống đối với tin giả, ngôn từ thù địch, thuyết âm mưu hay tuyên truyền sai lệch trong dịch Covid-19. Mặc dù đây là trách nhiệm của cả ban điều hành, nhiều nhân viên cũ rời Meta đổ lỗi cho Sandberg trong một bài báo rằng bà đã tỏ ra thiếu cân nhắc và coi những vấn đề then chốt đó chỉ đơn giản như rủi ro không cấp thiết về quan hệ công chúng.
Theo Gizmodo, việc cân bằng giữa con đường tối đa hóa tăng trưởng và phân phối nội dung lành mạnh của Facebook đã thất bại hoàn toàn. Là người sở hữu đầu óc kinh doanh với áp lực về lợi nhuận, Sandberg hẳn nhiên phải có trách nhiệm.
Bà Sandberg đang chịu chỉ trích từ nhiều phía.
Từ người hùng với cuốn sách Lean In năm 2013, Sandberg đã dần trở thành đối tượng bị chỉ trích bởi chính các phong trào nữ quyền. Không lâu sau khi bà rời nhiệm sở, nhóm nữ quyền UltraViolet đưa ra một tuyên bố gay gắt về cựu COO:
"Sheryl Sandberg có thể tưởng tượng mình là một nhà nữ quyền, nhưng những quyết định của bà ấy tại Meta đã khiến các nền tảng mạng xã hội trở nên kém an toàn hơn đối với phụ nữ, người da màu và thậm chí đe dọa hệ thống bầu cử Mỹ. Sandberg đã có quyền hành động trong 14 năm, tuy nhiên vẫn nhất quán từ chối".
Không còn chỗ đứng
Sandberg đã mất dần ảnh hưởng và hào quang từ chính đỉnh cao. Sau sự ra đi đột ngột của người chồng vào năm 2015, vị thế bà nắm giữ không bao giờ được như trước.
Số lượng nhân viên báo cáo giảm sút qua từng ngày, trở thành cái bóng của chính mình và bị đẩy ra cánh gà, cảm thấy lạc lõng trong một tổ chức đang thay da đổi thịt - chỉ là vài vấn đề nghiêm trọng bà gặp phải.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Verge, Sandberg cho biết bà tin rằng mình đã "14 năm làm công việc mà tôi nghĩ sẽ kéo dài chỉ 5 năm".
Theo nhiều nguồn tin, mối quan hệ giữa 2 nhà điều hành cũng không còn tốt đẹp như xưa.
Meta đang gặp rắc rối. Công ty liên tục được xếp hạng trong số các thương hiệu kém tin cậy nhất tại lĩnh vực công nghệ và bị người dùng cũng như nhân viên cũ quay lưng. Về mặt kinh tế, doanh số đang bị đe dọa không chỉ bởi các đối thủ mạnh lên như TikTok, mà còn bởi hạn chế từ chính sách bảo mật của Apple.
Trong bối cảnh đó, cộng thêm khao khát đổi mình từ CEO Zuckerberg, công ty đang hướng tới tập trung vào Metaverse và quá trình này có thể tiêu tốn hàng tỷ USD suốt nhiều năm - cơn ác mộng với tư duy tăng trưởng của nữ tướng một thời.
Dẫu sao, cuộc chia tay này có thể coi là sự giải thoát. Về phần Zuckerberg, ông sẽ loại bỏ được một nhân sự đã quá cũ kỹ, không còn phù hợp với chính sách hay hình ảnh công ty. Về phía cựu COO, thật nhẹ nhõm khi không phải tiếp tục chứng kiến tâm sức bao năm xây dựng của mình đang đánh cược cả gia tài vào một công nghệ mà tương lai còn bỏ ngỏ.
Nguồn: Gizmodo