18 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên

Tỉnh Phú Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 10 người chết và mất tích do mưa lũ. Tiếp đó là Bình Định 3 người, Khánh Hòa 2 người, Kon Tum 1 người và Đắk Lắk ghi nhận 2 người thiệt mạng.

CTV Nhã Uyên/VOV-Miền Trung phản ánh, tính đến sáng 2/12, mưa lũ tại tỉnh Phú Yên làm 10 người chết và mất tích. Trong đó, 5 người chết và 5 người mất tích khi di dời tránh lũ bị nước lũ cuốn trôi.

Gần 3.000 ngôi nhà ngập sâu gần 1 mét, 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn. Từ 6h sáng 2/12, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã giảm lượng nước xả về hạ du, nước lũ đã bắt đầu rút dần. Bà con vùng lũ tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân sắp tới, khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương này là hệ thống kênh mương bị hư hỏng nặng sau lũ.

Mưa lũ những ngày qua làm nước tràn qua hệ thống đầu mối và kênh dẫn nước Đồng Cam gây sạt lở nghiêm trọng. Sáng nay, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã kiểm tra hiện trường và đánh giá tình trạng sạt lở công trình đầu mối đập Đồng Cam.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các ngành phối hợp các địa phương triển khai ngay các giải pháp xử lý sự cố hư hỏng nghiêm trọng ở công trình thủy nông Đồng Cam: "Năm nay, lụt quá lớn nên thiệt hại trong chục năm qua không có thiệt hại nào bằng. Đây là cơn lụt lớn, lũ muộn gần mùa vụ nên đặt trong tình huống cần phải khẩn cấp càng cao. Chúng tôi đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính triển khai ngay, mặc dù nguồn vốn đang rất khó khăn nhưng phải làm ngay".

Ngoài hệ thống kênh chính và kênh phụ, hệ thống thủy nông Đồng Cam, tỉnh Phú Yên bị đứt gãy hơn 40.000 mét khối đất, đá và bê tông các loại. Theo lịch thời vụ, chỉ còn 18 ngày nữa, tỉnh Phú Yên sẽ gieo sạ vụ đông xuân. Tuy nhiên, những hư hỏng nghiêm trọng này sẽ ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết, đơn vị sẽ tập trung khơi thông các vị trí cát bồi lấp trước để dẫn nước tạm thời phục vụ nông dân làm đất, chuẩn bị sản xuất: "Trước mắt, Công ty phối hợp Ban khai thông hạng mục này đưa nước tưới tiêu, đảm bảo an toàn công trình. Công ty huy động toàn lực lượng khai thông ách tắc nhỏ để đảm bảo kịp thời mùa vụ đối với bà con".

PV Minh Long/VOV1 cũng thông tin, theo thống kê đến sáng 2/12 của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, đã có 18 người chết và mất tích do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Tỉnh Phú Yên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với 10 người chết và mất tích. Tiếp đó là Bình Định có 3 người chết, Khánh Hòa có 2 người, Kon Tum 1 người và Đắk Lắk 2 người.

Mưa lũ làm ngập và sạt lở gây ách tắc các tuyến giao thông như Quốc lộ 14H, 40B, Trường Sơn Đông qua địa phận tỉnh Quảng Nam; Quốc lộ 24, 24C ở tỉnh Quảng Ngãi: Quốc lộ 24, 24C; Quốc lộ 1, tuyến tránh An Nhơn và một số vị trí tại Quốc lộ 27C thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh tỉnh Bình Định; Quốc lộ 19C, 25, 27, 29 qua địa phận tỉnh Phú Yên.

Tính đến 21h đêm 1/12, quốc lộ 40B ở tỉnh Quảng Nam; Quốc lộ 27C ở tỉnh Bình Định và 2 điểm Trường Sơn Đông qua địa phận tỉnh KonTum đã thông xe 1 làn, tuy nhiên giao thông còn khó khăn.

Mưa lũ cũng làm gần 4.000 căn nhà bị ngập; hơn 1.600ha lúa và hoa màu hư hỏng; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Hiện nước đang rút nhanh; các địa phương tiếp tục thống kê đánh giá thiệt hại.