Công nghệ ngày càng phát triển khiến cho cuộc sống ngày càng thuận tiện hơn rất nhiều, mọi thứ đều được giải quyết qua một vài cái click chuột hoặc một vài thao tác trên màn hình điện thoại. Nhưng công nghệ phát triển cũng có mặt trái khi sự xuất hiện của tội phạm công nghệ ngày càng nhiều, hình thức ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng chính sự chủ quan của chúng ta để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, qua mặt cơ quan chức năng... Đặc biệt, trong giai đoạn "bình thường mới" tội phạm công nghệ lại ngày càng bày ra nhiều chiêu trò để đánh lừa người dùng.
Mới đây, những kẻ lừa đảo còn nhắm đến hàng loạt nghệ sĩ như Đức Phúc để lừa đảo 32 triệu đồng với thủ đoạn giả danh Erik. Một số đối tượng khác cũng đã mạo danh Đỗ Hà và "bà trùm Hoa hậu" Phạm Kim Dung để nhắn tin cho nhân viên công ty qua ứng dụng Viber, với mục đích chiếm đoạt số tiền 25 triệu đồng.
Trong một ngày 2 người nổi tiếng của showbiz Việt bị kẻ gian lừa đảo với cùng một hình thức
Có thể thấy hình thức lừa đảo qua tin nhắn đã không còn quá xa lạ nhưng ngày càng trở nên biến tướng hơn. Nếu như trước đây, những kẻ lừa đảo sẽ hack Facebook sau đó nhắn tin cho những tài khoản thân quen của nạn nhân thì giờ đây chúng thậm chí còn tạo tài khoản giả trên các nền tảng nhắn tin như Viber, Telegram, Zalo để đóng vai bạn thân/người quen.
Các đối tượng đóng giả là người quen để lừa đảo
Để tránh trường hợp đáng tiếc trở thành con mồi cho những kẻ lừa đảo trên bạn cần lưu ý một số điều sau: Khi được hỏi mượn một số tiền, cần thận trọng, xác minh kỹ bằng cách gọi video call, gọi số điện thoại thông thường người quen vẫn sử dụng. Thông báo cho bạn bè của cả 2 nếu như có bất kỳ sự nghi ngờ nào. Đặt nghi vấn nếu bạn bè đột ngột sử dụng các ứng dụng nhắn tin khác thường. Không click vào các đường link lạ được các kẻ giả mạo này gửi đến. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, số CMND, mã OTP giao dịch...