Vùng đất Bình Định từ bao đời nay được xem là cái nôi của võ học dân tộc. Bên dòng sông Côn huyền thoại, khi nhắc đến những dòng võ nổi danh, người dân nơi đây thường nói về Lý gia võ đạo như một nơi lưu giữ tuyệt kỹ kung-fu vang danh thiên hạ từng khiến bao đối thủ phải khiếp sợ trên sàn đài.
TUYỆT CHIÊU "MIÊU TẨY DIỆN" DANH BẤT HƯ TRUYỀN
Lý Xuân Hỷ là một trong những võ đường nổi tiếng nhất xứ Đập Đá, An Nhơn, một cái nôi với truyền thống võ đạo lâu đời của những làng võ sông Côn, Bình Định. Võ sư Lý Xuân Hỷ sinh năm 1940, là hậu duệ đời thứ 5 của Lý gia võ đạo.
Ông sớm tiếp xúc với tinh hoa võ thuật của gia đình từ năm lên 8 tuổi. Tuy nhiên, mãi đến năm 14 tuổi, võ sư Hỷ mới được người cha truyền dạy lại tuyệt kỹ nổi tiếng nhất của dòng dõi Lý gia. Đó chính là tuyệt chiêu "Miêu Tẩy Diện" hay còn gọi là "mèo rửa mặt".
Ngược dòng lịch sử, họ Lý vốn là người gốc Hoa ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Do biến cố của thời cuộc, nên cả dòng họ bị nhà Thanh truy đuổi phải dạt về phương Nam. Mang theo tinh hoa võ học Thiếu Lâm, tiền nhân của Lý gia kết hợp cùng võ thuật Bình Định để tạo ra những chiêu thức độc đáo sau này.
Theo võ sư Lý Xuân Hỷ, bài quyền Miêu Tẩy Diện do các bậc tiền bối trong gia tộc sáng lập dựa trên sự mô phỏng các động tác rửa mặt của loài mèo mỗi sáng tinh mơ.
"Trong một buổi sáng nọ, ông tổ nhà họ Lý ngồi quan sát con mèo mới ngủ dậy, hai chân nó đưa lên mặt vuốt râu, xoa mặt cho tỉnh táo rồi phốc người xuống đất nhẹ như bay. Đôi chân trước của mèo biến hóa linh hoạt, động tác cực nhanh và mềm mại. Từ đó, ông tổ Lý gia đã thảo ra bài Miêu Tẩy Diện với hơn 20 động tác dù tha thướt, nhẹ nhàng, không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công", võ sư Hỷ cho biết.
Võ sư Lý Xuân Hỷ thi phạm một đòn thế.
Cũng theo võ sư Hỷ, tập bài quyền Miêu Tẩy Diện phải chú trọng vào sự nhanh nhẹn của đôi tay. Tuy không thiên về dùng lực mạnh mẽ như hổ quyền, nhưng miêu quyền xoay sở nhanh nhẹn, tấn pháp thấp, thủ pháp gọn và hiểm hơn, bộ tay cực kỳ linh hoạt vừa sử dụng hổ trảo, chỏ, vừa sử dụng ngón chỉ điểm vào các huyệt đối phương.
Thời điểm mới tập bài quyền này, võ sư Lý Xuân Hỷ được người cha là võ sư Lý Tường cho tập luyện 3 năm ròng rã chỉ dùng tay đánh vào không khí nhằm rèn luyện tốc độ. Phản xạ đôi tay của ông nhanh đến mức bắt kịp giọt nước rơi, bất cứ sự tấn công nào ông đều tránh né kịp.
"Để học được bài Miêu Tẩy Diện chỉ mất hai ngày, nhưng để đánh cho ra ngô ra khoai thì hơn ai hết, người học phải có khiếu võ và đam mê. Cái khó nhất của miêu quyền là thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu mới coi là đạt. Nếu để ý sẽ thấy hổ cũng như mèo, đều giống nhau ở cách tự vệ.
Có điều, thế mạnh đôi tay của hổ là mạnh mẽ, hùng lực còn mèo thì linh hoạt nên chỉ của mèo thì hiểm hơn, đánh vào được những yếu huyệt. Điểm khác nhau nữa là hổ khi tấn công chỉ nhìn về một hướng, toàn thân bất động, còn mèo có thể ngoảnh mặt, lắc đầu đề phòng tứ phía mà không gây tiếng động.
Thân thủ của mèo nhẹ nhàng, bởi thế trong võ học nguy hiểm nhất là đôi tay, chân có thể mạnh, uy lực nhưng không thể đánh vào các huyệt đạo còn tay thì biến hóa khôn lường", võ sư Hỷ giải thích thêm.
Từ tuyệt quyền Miêu Tẩy Diện, về sau võ sư Lý Xuân Hỷ đã sáng tác ra tuyệt chiêu đánh chỏ lợi hại, biến hóa khôn lường giúp người sử dụng dễ dàng khắc chế đối thủ. Đây cũng là độc chiêu duy nhất chỉ có ông mới phát huy hết sự lợi lại và làm nên tên tuổi của Lý Xuân Hỷ trên võ đài đối kháng.
Võ sư Lý Xuân Hỷ rất nổi danh với tuyệt chiêu Miêu Tẩy Diện.
"HÙM XÁM" 300 TRẬN THƯỢNG ĐÀI CHỈ 1 LẦN BẠI
Không phải ngẫu nhiên mà cái tên Lý Xuân Hỷ lại được nhiều võ sư cùng thời và cả thế hệ sau phải kính nể bội phần. Với tuyệt kỹ Miêu Tẩy Diện trứ danh, ông đã khiến mọi đối thủ trên sàn đấu phải cúi đầu bại trận. Theo thống kê, cả sự nghiệp của mình, võ sư Lý Xuân Hỷ đã trải qua khoảng 300 trận đấu nhưng chỉ 1 lần nhận lấy thất bại.
Thừa hưởng tinh hoa võ học gia đình, võ sư Lý Xuân Hỷ chính thức thượng đài từ năm 18 tuổi. Những đối thủ đầu tiên chính là các tay lính Mỹ hống hách, coi thường người Việt. Võ sư Hỷ kể rằng thời đó, đánh với lính Mỹ thì một đấu một, mình đánh họ đổ máu, giành chiến thắng thì vẫn được họ tung hô, cổ vũ nhiệt tình.
Từ những năm 1960 trở đi, võ sư Hỷ mang theo tuyệt kỹ đánh chỏ lợi hại của Miêu Tẩy Diện để dễ dàng hạ vô số đối thủ khắp cả nước. Ông từng đoạt chức vô địch giải võ cổ truyền 4 tỉnh: Đắk Lắk, Kon Tum, Pleiku và Phú Bổn (nay là huyện Ayun Pa - Gia Lai) nên được báo chí thời đó tôn là "hùm xám cao nguyên".
Trong vô số những lần thượng đài, có nhiều trận đấu để lại ấn tượng khó phai trong tâm trí của đại võ sư Lý Xuân Hỷ. Một trong số đó phải kể đến lần bị võ sĩ tên Long, đạt đến tứ đẳng huyền đai Taekwondo thách đấu vào năm 1969 tại Gia Lai. Thậm chí, võ sĩ Long còn tuyên bố "đêm nay hạ Lý Xuân Hỷ, đêm mai hạ Minh Cảnh (người từng vô địch quyền anh Đông Dương 1946.
"Tối đến thượng đài, vừa vào trận, Long liên tục tung ra những đòn cước sấm sét. Vào giữa hiệp hai, tôi thoái lui, Long tưởng tôi yếu thế nên lao tới đánh thẳng vào mặt nhằm muốn kết thúc trận đấu. Không ngờ, tôi lại luồn người áp sát chặn đòn rồi thuận thế tung 2 chỏ vào chấn thủy. Võ sĩ Long gục ngay tại chỗ, anh ta bị trọng thương, gãy răng và bay luôn hàng chân mày". Võ sư Lý Xuân Hỷ hồi ức lại.
Theo võ sư Lý Xuân Hỷ thì ông từng thượng đài tới 300 trận, chỉ 1 lần thất bại.
Trận thua duy nhất của võ sư Lý Xuân Hỷ là vào năm 1970 cũng tại Gia Lai trước võ sĩ Lê Thanh Tịnh. Theo võ sư Hỷ thì ở trận đó, ông bị trọng tài xử thua nhưng đối thủ cũng bị thương tích không hề nhẹ và kinh sợ trước những đòn thế của ông.
Không chỉ vang danh khắp võ đài trong nước, tên tuổi của Lý Xuân Hỷ cùng với tuyệt chiêu Miêu Tẩy Diện còn vượt khỏi biên giới Việt Nam và nổi danh ở nước Nga xa xôi. Đó là thời điểm năm 1990, ông cùng đoàn võ thuật Việt Nam tham dự sự kiện Festival võ thuật quốc tế. Đối thủ là võ sư người Ba Lan, hơn võ sư Hỷ tới 10kg.
"Khi thượng đài, trong khi đối thủ ra bộ thế hẳn hoi, thì tôi tự nhiên như không. Sau vài chiêu, vị này ra cú đấm uy lực về phía tôi. Tôi dùng thế nghễnh mặt của mèo để tiếp chiêu, rồi lách nhẹ qua người vị võ sư đó để hóa giải, rồi đảo tay lại thành thế chỏ, ra đòn quyết đoán khiến đối phương ngã sụi lơ, cả khán đài ngỡ ngàng", võ sư Lý Xuân Hỷ từng chia sẻ.
17 năm sau trận đấu đó, một võ sư người Ý từng chứng kiến chiến thắng của võ sư Lý Xuân Hỷ đã lặn lội sang tận An Nhơn, Bình Định để thách đấu. Trước đó, vị võ sư này đã dành hẳn 3 năm để học thêm võ Tàu trước khi sang Việt Nam đấu võ sư Xuân Hỷ.
Cuộc tỷ thí mà khi nhớ lại, người dân "xứ Nẫu" không thể nào quên. Vốn dĩ, võ sư Hỷ ở thời điểm năm 2007 đã bước sang tuổi 67 và chỉ nặng có 70kg. Trong khi đối thủ người Ý chỉ mới 42 tuổi và nặng tới 120kg. Tuy nhiên, với bản lĩnh dòng dõi Lý gia mang trong mình tuyệt kỹ võ học trứ danh, võ sư Lý Xuân Hỷ chấp nhận tiếp chiêu.
Theo những nhân chứng của cuộc tỷ thí năm đó, võ sư Lý Xuân Hỷ đã ra giao kèo hai bên chỉ đấu trong vòng 30 phút với mục đích trao đổi võ học là chính. Tuy nhiên, khi trận đấu trôi qua phút thứ 3 thì vị võ sư họ Lý dùng tuyệt chiêu độc của Miêu Tẩy Diện để kết liễu đối thủ. Đó là những trận đấu để đời của vị đại võ sư năm nay đã ngoài 80 tuổi.
RẠNG DANH DÒNG VÕ LÝ GIA
Theo như chia sẻ của võ sư Lý Xuân Vân (con trai võ sư Lý Xuân Hỷ), bài quyền Miêu Tẩy Diện khi được tổ sư sáng lập thì chỉ truyền trong dòng họ, chứ không truyền ra bên ngoài. Tuy nhiên, đến đời của ba là võ sư Xuân Hỷ thì ông mới cho lưu truyền ra bên ngoài với lý do muốn cho tất cả mọi người được tiếp cận với sự khổ luyện của cha ông ta ngày xưa, đồng thời không để bài quyền bị mai mọt.
Ở thời điểm hiện tại, đại võ sư Lý Xuân Hỷ không còn đứng lớp tại võ đường mà giao lại toàn bộ cho người con trai Lý Xuân Vân – hậu duệ đời thứ 6 đảm nhiệm. Với võ sư Lý Xuân Hỷ, ông không hề muốn cất giữ một bí kíp nào cả, cho dù đó có là tuyệt thế võ gia.
Ông nói rằng: "Với bài Miêu Tẩy Diện, tôi cố gắng truyền đạt cho gia đình và các cháu ở bên ngoài. Tôi mơ ước làm sao nhiều người có thể học được nó, càng nhiều thì càng quý. Tộc họ Lý có nói một câu rằng "không đòn nào thắng đòn nào, đòn đó có thắng đòn kia vì đòn đó điêu luyện hơn mà thôi".
"Hùm xám cao nguyên" ngày nào giờ vẫn vui vẻ khi được người khác gọi ông với cái tên trìu mến như "võ sư vườn" hay "võ sư nông dân". Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn âm thầm đóng góp cho sự phát triển của võ thuật Bình Định nói riêng và nền võ học Việt Nam nói chung.
Võ đường Lý Xuân Hỷ với mảnh vườn khuất sau những bụi tre, dưới bóng dừa đã nuôi dưỡng bao lớp võ sinh trưởng thành. Trong số những người từng tìm đến võ đường của đại võ sư Lý Xuân Hỷ để bái sư có cả các ngôi sao đã thành danh trong giới võ thuật như Johnny Trí Nguyễn, hay "độc cô cầu bại" Nguyễn Trần Duy Nhất. Con cháu của ông Năm Hỷ đều có những người thành danh và nối gót truyền thống võ học của dòng họ, tiêu biểu là võ sư Lý Xuân Vân, võ sư Lý Xuân Vũ, Lý Xuân Hảo, Lý Xuân Hợp…
Dù có quá khứ lẫy lừng với nhiều trận đánh vang danh thiên hạ nhưng đại võ sư Lý Xuân Hỷ không coi võ là một nghề mưu sinh. Với ông, võ là một cái nghiệp, là xương máu của người sông Côn sẽ theo ông suốt cả cuộc đời.