Với nhiều tín đồ làm đẹp, đắp mặt nạ là “liệu pháp vàng” để chăm sóc và phục hồi làn da. Chỉ cần 15-20 phút mỗi ngày, da như được “nạp năng lượng”, mịn màng và rạng rỡ hơn. Tuy nhiên, có không ít người dù đắp mặt nạ đều đặn, thậm chí đầu tư vào sản phẩm cao cấp, song làn da vẫn xỉn màu, nổi mụn hoặc dễ kích ứng. Vấn đề có thể không nằm ở sản phẩm, mà chính ở cách bạn sử dụng.
Đắp mặt nạ là bước không thể thiếu trong chu trình skincare để có làn da mịn màng, căng bóng.
Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến khi đắp mặt nạ khiến làn da bạn không những không đẹp lên mà còn có nguy cơ "xuống cấp" nhanh chóng.
1. Đắp mặt nạ quá lâu
Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là đắp mặt nạ càng lâu thì da càng hấp thụ được nhiều dưỡng chất. Nhưng thực tế, hầu hết mặt nạ giấy chỉ nên đắp trong 15–20 phút. Nếu để quá lâu, mặt nạ bắt đầu khô lại và hút ngược lại độ ẩm từ da, khiến da khô và mất nước nghiêm trọng.
Gợi ý: Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì sản phẩm. Hãy đặt đồng hồ hẹn giờ nếu bạn dễ quên. Đừng để mặt nạ khô cứng mới tháo ra vì lúc đó da bạn đã bị “rút kiệt” rồi!
2. Không rửa mặt trước khi đắp
Một làn da chưa được làm sạch kỹ lưỡng sẽ không thể hấp thụ tinh chất trong mặt nạ. Nếu bạn đắp mặt nạ ngay sau khi đi làm về, khi da vẫn còn lớp trang điểm, kem chống nắng hoặc bụi bẩn từ môi trường, các lỗ chân lông sẽ bị bít tắc, dưỡng chất không thấm vào da mà còn có thể gây mụn, viêm.
Trước khi đắp mặt nạ, luôn nhớ phải tẩy trang và rửa mặt sạch sẽ, kể cả khi bạn không trang điểm. Một làn da sạch là nền tảng để mọi bước dưỡng tiếp theo phát huy hiệu quả.
3. Lạm dụng mặt nạ
Một số người, đặc biệt là những ai thần tượng các ngôi sao Hàn Quốc, thường bắt chước việc đắp mặt nạ mỗi ngày, thậm chí ngày 2 lần. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng các loại mặt nạ có chức năng đặc trị như làm trắng, chống lão hóa, chứa acid hay vitamin C nồng độ cao, việc đắp quá thường xuyên có thể khiến làn da bị quá tải, mất đi hàng rào bảo vệ tự nhiên, dễ kích ứng và bong tróc.
Gợi ý: Nếu muốn đắp mặt nạ mỗi ngày, hãy chỉ sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm nhẹ dịu. Với các loại mặt nạ đặc trị, nên giới hạn tần suất 1–2 lần/tuần.
4. Kết hợp sai sản phẩm sau khi đắp mặt nạ
Sau khi đắp mặt nạ, làn da đã được cấp đủ dưỡng chất và trở nên “nhạy cảm” hơn một chút. Nếu bạn thoa ngay acid (AHA/BHA), retinol hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết, da sẽ dễ bị kích ứng, đỏ rát, thậm chí bong tróc từng mảng.
Gợi ý: Sau khi đắp mặt nạ, chỉ nên dùng sản phẩm dưỡng nhẹ nhàng như toner không cồn, kem dưỡng khóa ẩm hoặc sữa dưỡng dịu nhẹ. Để da nghỉ ngơi, không cần “chồng” thêm quá nhiều bước.
5. Vừa đắp mặt nạ vừa làm việc
Nhiều người tận dụng thời gian đắp mặt nạ để làm việc nhà, nấu cơm, thậm chí gọi điện thoại. Tuy nhiên, khi bạn di chuyển hoặc nói chuyện, mặt nạ sẽ bị xê dịch, không còn ôm sát da, khiến tinh chất không được hấp thụ tối ưu.
Hãy biến 15 phút đắp mặt nạ thành khoảng thời gian thư giãn cho bản thân. Nằm xuống, nhắm mắt, nghe một bản nhạc nhẹ – bạn sẽ thấy hiệu quả dưỡng da lẫn tinh thần đều được nâng cấp.