Đưa đam mê vào trang giấy
Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi gặp Nguyễn Bình Thuận (ngụ phường 4, TP. Trà Vinh) khi em tất bật đi làm trở lại sau chuỗi ngày dài giãn cách xã hội.
Nụ cười hiền khô của chàng sinh viên miền Tây đam mê thư pháp, vẽ tranh biểu diễn
Dù chỉ mới 21 tuổi nhưng Thuận đã có 4 năm bươn chải, vừa học vừa làm để có thể giúp gia đình. Trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, Thuận cho biết khoảng 1 tháng nay, ngoài vẽ tranh chân dung theo yêu cầu, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại cũng đã gọi em đi làm trở lại khiến em rất vui.
"Mấy tháng trời em ở nhà không à, có làm được gì đâu. Giờ có việc là vui lắm rồi, cực mấy em cũng chịu, em chỉ muốn được đi làm, em mê lắm", Thuận vui vẻ nói.
Nếu may mắn có người kêu đi vẽ tranh biểu diễn, Thuận kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày để trang trải mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình
Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ Thuận đã theo ba đi phụ hồ. Vốn mê vẽ nên Thuận thường lấy cát trộn xi-măng để vẽ những con vật mình yêu thích. Đến khi học cấp 2, Thuận bắt đầu "bén duyên" với vẽ tranh, viết chữ thư pháp. Vì chỉ học qua mạng, lại không có dụng cụ đầy đủ để thực hành, chỉ lấy bút bi viết rồi tô đậm lên nên thời gian đầu, chữ của Thuận rất xấu, đưa cho bạn bè xem đều chê cười.
Nhờ có sự nỗ lực không ngừng, Thuận quyết tâm luyện tập, chữ viết, tranh vẽ đẹp lên từng ngày. "Hồi đó nhà em cũng gặp khó khăn, em thấy nhiều người mê chữ thư pháp, tranh vẽ nên mới đi vẽ tranh, viết chữ để bán, phần vì em muốn theo đuổi đam mê, phần nữa cũng muốn giúp đỡ ba mẹ gánh nặng cơm áo gạo tiền", Thuận bộc bạch.
Niềm đam mê hội họa, thư pháp lớn dần trong người chàng sinh viên trẻ tuổi. Ngoài học tập, Thuận cũng tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, kết nối cộng đồng
Sau khi vào đại học, được thầy cô, bạn bè giới thiệu, Thuận được mọi người biết đến nhiều hơn. Ngoài thư pháp, tranh chân dung, Thuận thử sức với nhiều thể loại độc đáo hơn như vẽ tranh bằng bột cà phê, tranh bằng chữ thư pháp, tranh lửa… Đặc biệt, ở thể loại tranh lửa, ngoài sự cẩn trọng và chính xác trong từng đường cọ, Thuận phải tập trung cao độ mới có thể hoàn thành tốt bức tranh, nhất là khi đứng biểu diễn trên sân khấu, trước sự chứng kiến của nhiều người.
"Lúc trước, sau khi đi học về, em dành thời gian buổi tối để vẽ cho khách. Nhưng cũng chỉ đủ để trang trải, phụ giúp thêm cho mẹ thôi vì ở dưới quê, ít người biết lắm. Em chỉ mong có cơ hội để được vẽ, viết nhiều hơn", Thuận nói.
Những bằng khen và các tác phẩm hội họa, thư pháp mà Thuận thực hiện..., em mong bản thân có thể trau dồi, học hỏi thêm những điều mới mẻ từ nghệ thuật
"Em muốn có tiền để chữa bệnh cho mẹ"
Loay hoay chuẩn bị bữa cơm tối, cô Lâm Thị Suôl (58 tuổi, mẹ Thuận) cho biết sau khi bị viêm khớp, thoái hóa cột sống, cườm mắt, bướu tim…, cô Suôl chỉ biết quanh quẩn ở nhà làm nội trợ, mọi gánh nặng mưu sinh đều đổ dồn vào đôi vai gầy của Thuận. Riêng chú Luận – ba Thuận vì đã lớn tuổi nên công việc phụ hồ cũng bấp bênh, lâu lâu mới có việc làm.
"Lúc trước cô làm thợ may, nhưng sau này bị bệnh, không làm được nữa, cũng may nhờ có bảo hiểm, nên đi nhận thuốc của bệnh viện để uống cầm cự qua ngày. Biết là nó khổ, chịu cực vì gia đình, nhưng đâu còn cách nào khác", cô Suôl nghẹn lời.
Bà của Thuận đã gần 90 tuổi, hay đau ốm, em cùng mẹ phụ trách chăm sóc cho bà
Mặc dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng Thuận chưa bao giờ trách móc hay phân bì với bạn bè cùng trang lứa. Suốt 3 năm đại học, ngoài số tiền vay mượn ngân hàng để đóng học phí, mọi sinh hoạt khác của gia đình đều nhờ vào số tiền kiếm được từ tranh vẽ, thư pháp của Thuận.
Có những ngày đuối sức khi vừa học xong lại phải chạy đi nhận show vẽ tranh, biểu diễn ở hội chợ thương mại, quán cà phê…, nhưng chỉ cần nghĩ đến gia đình, nghĩ đến việc bản thân có thêm cơ hội để cọ sát với nghề, mang niềm vui đến với mọi người, Thuận đều hăng hái thực hiện.
Căn nhà nhỏ của 4 người trong gia đình Thuận
"Được đi làm trở lại là em mừng lắm rồi, em ráng làm để giúp mẹ, ước gì em gom góp được tiền để mổ mắt cho mẹ, đưa ba đi trị bệnh tim nữa…", Thuận nghẹn lời.
Có lẽ với Thuận, ngoài đam mê cháy bỏng với nghề vẽ tranh, hội họa, nhất là được đứng trên sân khấu biểu diễn để lan tỏa niềm vui đến mọi người, điều em lo lắng nhất chính là gánh nặng "cơm áo gạo tiền". Em sợ một mai bản thân mình không kham nổi, tranh vẽ, thư pháp không có khách ghé thăm, ủng hộ, em buộc lòng rẽ sang một hướng khác…
"Em mong có nhiều show hơn về vẽ tranh biểu diễn, giờ em chỉ được đi làm lai rai với vẽ chân dung cho khách thôi. Em muốn phát triển cái vẽ tranh lửa, đứng trên sân khấu, tại em mê dữ lắm, thay vì vẽ một góc trong nhà, em muốn tạo bất ngờ cho mọi người… Em ước mình có đủ điều kiện hơn để không dừng lại đam mê này, lo được cho gia đình nữa", Thuận tâm sự.
Đen Vâu - nghệ sĩ mà Thuận vô cùng yêu thích, em cũng đã phác họa chân dung của Đen để lưu niệm trong phòng của mình
Thuận hi vọng em có thêm nhiều cơ hội để được đi biểu diễn, vẽ tranh để thỏa niềm đam mê, có thêm chi phí để giúp đỡ ba mẹ chữa bệnh
Hiện tại, Nguyễn Bình Thuận đã sinh sống và học tập tại TP. Trà Vinh, em cũng bắt đầu nhận đi vẽ tranh, biểu diễn trở lại để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt phí.
Hi vọng thông qua bài viết này, quý độc giả gần xa có nhu cầu vẽ tranh chân dung, viết thư pháp, có show biểu diễn để phục vụ khán giả, có thể liên hệ Thuận để giúp em nuôi dưỡng ước mơ và lo lắng cho gia đình.
Số điện thoại của Thuận: 0973242209 – 0707652745 (Zalo).
Xin chân thành cảm ơn!