Khi trẻ lớn lên, cha mẹ cần phải nỗ lực để vun đắp cho trẻ mọi kiến thức từ thói quen đến hành vi bằng cả lời nói và hành động. Chỉ có như thế thì trẻ mới có thể trưởng thành và tự lập. Lên mẫu giáo tức là trẻ đã bắt đầu trải nghiệm và hòa nhập vào xã hội, trẻ sẽ có những mối quan hệ mới với những người hoàn toàn xa lạ. Ở lớp, nếu trẻ không tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết, những điều vốn đã được bố mẹ làm giúp khi ở nhà thì chắc chắn các bé sẽ gặp những vấn đề khó nói.
Tĩnh Tĩnh (Trung Quốc) có một cậu con trai lên 2 tuổi rưỡi. Do bận rộn với công việc cũng như không có ông bà nội ngoại phụ chăm sóc cháu nên chị dự định tìm một trường mẫu giáo để gửi con. Điều này giúp chị có thời gian chuyên tâm cho công việc.
Tuy nhiên, vì đứa trẻ chưa bao giờ rời Tĩnh Tĩnh nửa bước ngay từ khi mới chào đời nên việc thuyết phục cậu bé đi học là điều vô cùng khó khăn. Ngày đầu tiên, em đã quấy khóc hết cả buổi trời, nằng nặc đòi theo mẹ về. Dù rất thương con song chị vẫn quyết định để con ở lớp và ra về. Chị cho rằng, để con trai thích nghi với việc đến lớp, mình phải thực sự cứng rắn, không vì điều gì mà mủi lòng. Đến ngày thứ ba, đứa trẻ đã tập làm quen được với môi trường mới nên không còn quấy khóc nữa, điều này làm chị cảm thấy yên tâm.
Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm đó, buổi chiều đi đón con, chị được giáo viên thông báo rằng con của chị không thể tiếp tục theo học tại lớp được nữa, nhà trường yêu cầu chị rút toàn bộ hồ sơ để tìm một trường học khác cho cậu bé.
Cô giáo giải thích với Tĩnh Tĩnh về sự đường đột này rằng con trai của chị ở lớp không nghe lời cô giáo và lại rất hay chủ động tấn công bạn bằng bạo lực, chẳng hạn như đánh bằng tay, đá chân và thậm chí là cắn. Ai ngồi gần cậu bé cũng đều xuất hiện các vết sưng tấy trên người, đặc biệt là vùng cổ. Nhiều phụ huynh đã phản ánh vấn đề này, nếu tiếp tục để đứa trẻ học tại đây, họ sẽ không đồng ý.
Sự việc trên khiến Tĩnh Tĩnh vô cùng hoang mang vì chị không ngờ rằng con trai của mình khi đến lớp lại có những biểu hiện như thế. Chị tự nhận thấy mình có phần lớn trách nhiệm trong chuyện này bởi chị đã cho cậu bé đi học khi chưa giúp em chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Vậy, khi bắt đầu cho con đi học mẫu giáo, phụ huynh nên làm gì?
Muốn cho trẻ đi học mẫu giáo, phụ huynh phải trang bị cho trẻ các kiến thức, kỹ năng cơ bản một cách đầy đủ nhất bằng những cách trực quan, sinh động. Chẳng hạn như bạn có thể dắt trẻ đến tham quan lớp học để trẻ cảm nhận được niềm vui khi đến lớp. Cho trẻ biết rằng đến lớp sẽ có nhiều bạn mới và nhiều đồ chơi. Từ đó trẻ sẽ dần hình thành sự phấn khích và mong muốn được hòa nhập vào bầu không khí ấy chung với các bạn.
Trước khi đi học mẫu giáo chúng ta cũng cần rèn luyện cho trẻ thói quen tốt và nhất là dạy trẻ tính tự lập, giúp trẻ ngủ sớm hơn và thức dậy đúng giờ, bắt đầu cho trẻ ngủ giường riêng nếu có thể, chỉ cho bé biết tự mình đi vệ sinh, tự vệ sinh răng miệng, tự ăn cơm mà không phải nhờ người lớn đút,...
Theo 163.com