Theo tờ Bloomberg, giá một loạt các loại hàng hóa quan trọng của thế giới, từ thực phẩm, nhiên liệu, nhựa cho đến kim loại, đều đang tăng phi mã, thậm chí vượt quá mức mà nhiều người tiêu dùng có thể mua.
Các chuyên gia dự báo nếu xu hướng này không có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều nền kinh tế trên toàn cầu - những nơi vốn đã chịu nhiều thiệt hại do dịch COVID-19 và căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine sẽ đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.
Rủi ro suy thoái kinh tế hiện hữu
Xu hướng trên đang diễn ra theo nhiều cách khác nhau, ở quy mô toàn cầu. Giá khí đốt tự nhiên tại Trung Quốc tăng cao khiến các nhà máy sản xuất gốm phải giảm một nửa công suất. Một công ty đường bộ ở Missouri tranh cãi về nguy cơ dừng hoạt động vì không đủ khả năng bù đắp cho khách hàng khi chi phí dầu diesel tăng cao. Các nhà máy thép ở châu Âu sử dụng lò hồ quang điện cũng đã phải cắt giảm sản lượng do đà tăng giá điện.
Theo Liên Hợp Quốc, giá lương thực trên toàn cầu đã chạm mức cao kỷ lục hồi tháng trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga làm gián đoạn chuỗi vận chuyển hàng hóa của các quốc gia vốn cung cấp tới 1/4 lượng ngũ cốc và phần lớn dầu ăn cho thế giới. Giá thực phẩm đắt đỏ hơn khiến tầng lớp trung lưu gặp nhiều khó khăn, trong khi nỗ lực thoát nghèo của nhiều quốc gia bị “vùi dập”. “Nhu cầu sụt giảm” khi đó sẽ chỉ như một cách "nói giảm nói tránh" khi giới chức không muốn trực tiếp đề cập đến tình trạng “đói” của dân mình.
Giá một loạt các loại hàng hóa quan trọng của thế giới, từ thực phẩm, nhiên liệu, nhựa cho đến kim loại, đều đang tăng phi mã.
Ở các nước phát triển, áp lực về giá sẽ khiến các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu đối với những nhu cầu không thiết yếu, chẳng hạn như đi ăn ngoài, du lịch, lên đời iPhone hay máy PlayStation.
Việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID” và phong tỏa nhiều nhà máy sản xuất được cho là có thể tiếp tục “bóp nghẹt” nguồn cung và đẩy giá một loạt mặt hàng tăng mạnh, trong đó có xe điện. Nguyên nhân là bởi nguyên liệu sản xuất xe EV Lithium hiện đã đắt hơn gần 500% so với 1 năm trước đó, và các nhà sản xuất pin Trung Quốc buộc phải chuyển 1 phần chênh lệch sang cho khách hàng.
“Áp lực đang đè nặng lên các nhà sản xuất ô tô. Điều thị trường lo lắng nhất lúc này là doanh số bán xe điện trong vài tháng tới có thể sẽ đi ngang hoặc vận động đi xuống sau khi giá bán điều chỉnh”, Maria Ma, chuyên gia phân tích tại Thị trường kim loại Thượng Hải cho biết.
“Nhìn chung, tất cả những gì đang xảy ra báo hiệu cho một cuộc suy thoái”, Kenneth Medlock III, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, Viện Chính sách công Baker thuộc Đại học Rice cho biết.
Kiềm chế đà tăng lạm phát hiện đang là ưu tiên hàng đầu của FED
Trong khi đó, Giám đốc Quỹ tiền tệ IMF Kristalina Georgieva mới đây tuyên bố sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bởi nguy cơ suy thoái do mâu thuẫn địa chính trị đang ngày càng cao tại một số quốc gia. Dẫu vậy, trong cuộc phỏng vấn với Foreign Policy, bà cho rằng kinh tế nhìn chung vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, dù thấp hơn mức dự báo 4,4% trước đó.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED ông Jerome Powell cũng cho biết xung đột Nga-Ukraine đang đè nặng thêm nhiều áp lực lên giá lương thực thực phẩm, năng lượng và nhiều các mặt hàng khác "ở đúng thời điểm lạm phát đã tăng quá cao". Ông cho biết kiềm chế đà tăng lạm phát hiện đang là ưu tiên hàng đầu của FED, và phía các ngân hàng trung ương cũng sẽ sẵn sàng tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm trong các cuộc họp tiếp theo nếu cần.
Người dân 'bấm bụng' giảm chi
Châu Âu có lẽ là nơi chịu nhiều rủi ro hơn cả do nguồn cung năng lượng phụ thuộc phần lớn vào Nga. Hiện giá khí đốt tự nhiên tại khu vực này đã tăng phi mã gấp 6 lần, trong khi giá điện tăng cao gần 5 lần so với một năm trước đó. Vương quốc Anh mới đây đã buộc phải hạ dự báo tăng trưởng từ 6% xuống 3,8% trong bối cảnh người tiêu dùng đang phải đối mặt với một mức sống áp lực chưa từng có trong ít nhất 6 thập kỷ.
“Không có gì nghi ngờ gì nữa, rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao như một hệ lụy từ xung đột Nga-Ukraine. Giá khí đốt sẽ tăng mạnh do nhu cầu ngày càng lớn”, James Smith, chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về các thị trường phát triển của ING, cho hay.
Dự trữ khí đốt tại châu Âu thấp hơn nhiều so với trước
Hồi năm ngoái, các nhà sản xuất phân bón, vốn thường sử dụng khí đốt tự nhiên làm nguyên liệu thô, cũng đã bắt đầu giảm quy mô sản xuất. Italy, Đức và Anh cũng đang xem xét cắt giảm lượng than đốt sưởi ấm vào mùa đông để giảm bớt áp lực lên hoạt động sản xuất điện, thủy tinh và thép.
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia, điều này vẫn là chưa đủ để châu Âu vượt qua cơn khủng hoảng khí đốt. Khu vực này sẽ phải cần đến những kế hoạch dự phòng lớn hơn, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn nguồn cung năng lượng nghiêm trọng.
Trong khi đó, nhờ ít phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, người dân và doanh nghiệp Mỹ không phải chịu ảnh hưởng quá nhiều, song cũng không hoàn toàn "miễn nhiễm". Rủi ro địa chính trị đã đẩy giá dầu thô và khí đốt tại quốc gia này tăng cao kỷ lục hồi tháng trước.
Tuy nhiên, bất chấp vật giá leo thang, nhu cầu đi lại của người Mỹ vẫn cao hơn khoảng 4% so với năm ngoái, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Điều này được xem như một động thái của “du lịch trả thù”, sau quãng thời gian dài “chôn chân” trong các lệnh phong tỏa.
Andrew Gross, phát ngôn viên của AAA có trụ sở tại Florida, cho biết: “Nếu không nhờ đại dịch, giá cao như thế này sẽ khiến người dân không còn mặn mà với việc đi lại đâu."
Tuy nhiên, theo Ryan Lance, CEO của ConocoPhillips, "Dù đổ xăng cho ô tô, sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà, người tiêu dùng vẫn đang dần cắt giảm chi tiêu. Nhu cầu đi lại theo đó cũng sẽ sớm được thu hẹp và sụt giảm."
Tờ Bloomberg cuối cùng trích dẫn câu chuyện của Gary Hamilton - chủ sở hữu một công ty vận tải đường bộ tại Frankford. Ông đang cân nhắc tạm ngừng hoạt động cho đến khi chi phí đầu vào hạ nhiệt.
Theo AAA, giá dầu diesel tại bang này hiện trung bình có giá 4,67 USD/gallon và nếu giá vượt qua 5,25 USD thì Hamilton sẽ không đủ khả năng chi trả. Ông cho biết thế khó của mình ở chỗ, nếu yêu cầu mức giá cao hơn, khách hàng sẽ bỏ đi và tìm kiếm các đối tác khác.
"Giá nhiên liệu tăng cao đang giết chết chúng tôi. Mọi thứ sẽ rẻ hơn nếu công ty không dùng đến xe tải nữa và sa thải nhân viên”, Gary Hamilton nói.
Như vậy, nhu cầu đối với hàng hóa ở một số nước phát triển có xu hướng không thay đổi, dù giá có tăng lên. Họ có thể chuyển sang mua những món hàng tương tự với giá rẻ hơn, thay vì cắt giảm chúng hoàn toàn.
Theo: Bloomberg