Phát hiện thi thể "bé gái vô danh" chôn vùi trong sa mạc và 60 năm sau, một phần sự thật mới được hé lộ nhờ ADN

Sau 60 năm phát hiện thi thể vô danh, cuối cùng một phần sự thật cũng đã được phơi bày.

60 năm trước, vào ngày 31 tháng 7 năm 1960, một giáo viên đã phát hiện điều kinh hoàng khi đang dò tìm mẫu đá tại sa mạc Arizona. Đó là thi thể bị chôn vùi của một bé gái nhỏ tuổi. Danh tính của bé gái vẫn chưa được xác minh, nên cơ quan điều tra đặt tên cho nạn nhân là "Cô bé không tên".

"Cô bé vô danh"

Vào thời điểm đó, thi thể bé gái mặc một chiếc áo blouse xanh có cúc, mặc quần short, đi dép sandal cỡ lớn đã được cắt vừa chân, móng tay và móng chân đều sơn màu. Mặc dù có nhiều đặc điểm nhận dạng như vậy, nhưng họ tên, nguồn gốc, thậm chí là tuổi chính xác của cô bé đều không thể xác định.

Nhiều thập kỷ sau đó, Văn phòng Cảnh sát quận Yavapai tại Prescott, Arizona, cùng Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích & Bị bóc lột, Hệ thống quốc gia về người mất tích và không xác định danh tính Mỹ cùng nhiều đơn vị khác đã nỗ lực trong việc tìm kiếm sự thật về thân thế của cô bé. Dù có nhiều manh mối, vụ án vẫn chưa có kết quả như mong muốn.

Phát hiện thi thể bé gái vô danh chôn vùi trong sa mạc và 60 năm sau, một phần sự thật mới được hé lộ nhờ ADN - Ảnh 1.

Bản phác thảo cô bé vô danh

Sau 60 năm rơi vào bế tắc, mới đây, Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Yavapai thông báo cô bé mất tích sẽ không còn "vô danh". "Tôi mong chúng ta sẽ không bao giờ phải nghe tới cái tên đó nữa", Cảnh sát trưởng David Rhodes nói.

Nhờ sử dụng công nghệ phân tích ADN tiên tiến, chính quyền kết luận họ đã xác minh danh tính bé gái là Sharon Lee Gallegos.

Vụ án của Sharon Lee Gallegos

Theo các cơ quan thẩm quyền, vào ngày 21 tháng 7 năm 1960, Sharon đang chơi đùa cùng hai đứa trẻ khác trước khi bị bắt cóc. Nhân chứng khai rằng mình nhìn thấy một chiếc sedan xanh đậm và một chiếc xe Plymouth hoặc Dodge. Trong xe là một người đàn ông da trắng và một người phụ nữ. Ngoài ra, một nhân chứng khác nói rằng trong xe còn có hai đứa trẻ, bao gồm một cậu bé mặt tàn nhang.

Thiếu tá Boelts nói rằng người phụ nữ đã cố gắng dụ dỗ Sharon vào xe của mình bằng quần áo mới và kẹo, nhưng cô bé 4 tuổi đã từ chối. "Người phụ nữ sau đó ra khỏi xe, nắm vào khuỷu tay Sharon rồi lôi cô bé vào trong", ông nói.

Khoảng vài ngày trước vụ việc, thiếu tá Boelts nhận được thông tin về một người hay dò hỏi mẹ con Sharon tại nhà thờ vào ngày Chủ nhật hàng tuần và trước nhà hàng xóm của họ.

Phát hiện thi thể bé gái vô danh chôn vùi trong sa mạc và 60 năm sau, một phần sự thật mới được hé lộ nhờ ADN - Ảnh 2.

Danh tính của cô bé vô danh được xác định

10 ngày sau vụ bắt cóc Sharon, vào ngày 31 tháng 7 năm 1960, một thi thể bé gái được tìm thấy bởi giáo viên người Las Vegas khi ông đang dò tìm mẫu đá với gia đình mình. Cô bé bị chôn ở bãi cát ven đường Alamo, cách hơn một dặm từ cao tốc số 93, ngay bên ngoài khu Quốc hội, Arizona.

Các quan chức nghĩ rằng cô bé qua đời khoảng một hoặc hai tuần trước đó. Có rất ít manh mối từ thi thể của cô do đang trong quá trình phân hủy nặng. Việc khám nghiệm tử thi cũng không thể chỉ ra nguyên nhân của cái chết.

Vậy nhưng, vẫn còn nhiều manh mối được xác định như sau: Cô bé khoảng 3-6 tuổi khi qua đời, nặng khoảng 25kg, cao khoảng 107cm và còn nguyên răng sữa. Cô bé không bị gãy xương, cũng như không có chấn thương rõ ràng trước khi bị sát hại.

Hiện trường vụ án có nhiều bằng chứng hiện vật, như một con dao bỏ túi và dấu chân được cho là của cô bé - nhưng cảnh sát vẫn không thể lý giải.

Dùng công nghệ ADN để phá án

Vào năm 2021, Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Yavapai hợp tác với Othram, một phòng nghiên cứu tại Texas, nhằm sử dụng công nghệ ADN để phá giải vụ án "Cô bé vô danh". Othram nhận các mẫu vật vào tháng 12 năm 2021 và trả kết quả về cơ quan điều tra vào tháng 2 năm 2022, theo lời của Tiến sĩ Kristen Mittelman, Giám đốc kinh doanh tại Othram.

Trước đó, một hồ sơ ADN cũng được phát triển sau cuộc khai quật và những người thân của Sharon đã đề nghị lấy ADN của họ để xét nghiệm. Nhưng kể cả vậy, nó vẫn chưa đủ để đối chiếu. Boelts nói: "Thật không may, dù khoa học ADN vào thời điểm đó tiên tiến như thế nào cũng không đủ để cung cấp cho chúng ta một danh tính".

Bà Kristen Mittelman cho biết Hệ thống chỉ số ADN kết hợp của FBI, còn được gọi là CODIS, là công nghệ tiêu chuẩn được sử dụng trong xét nghiệm pháp y hiện nay. CODIS xem xét 20 dấu ấn ADN của một người và so sánh với cơ sở dữ liệu bao gồm hàng nghìn hồ sơ ADN của những người phạm tội trước đó. Dù vậy, công nghệ này có hạn chế bởi "cô bé vô danh" không có trong cơ sở dữ liệu do cô không phải là một thủ phạm đã xác định.

Phát hiện thi thể bé gái vô danh chôn vùi trong sa mạc và 60 năm sau, một phần sự thật mới được hé lộ nhờ ADN - Ảnh 3.

Cô bé Sharon vào thời điểm bị bắt cóc

Theo Giám đốc điều hành David Mittelman, phân tích mới của phòng Othram được tài trợ một phần bởi Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Yavapai, với khoản thiếu hụt được bù đắp từ huy động vốn cộng đồng trên trang web DNAsolves.com.

Các chuyên gia có thể giải quyết nhiều trường hợp chỉ trong vòng vài tuần với giá 5.000 USD (khoảng hơn 100 triệu đồng) hoặc ít hơn. Để trang trải chi phí, Othram đã tạo ra hội những người quan tâm đến những vụ án chưa có lời giải và gây quỹ cộng đồng cho từng vụ khi không có nguồn tài trợ khác. Ông nói: "Chúng tôi đã huy động đủ số tiền cần thiết cho vụ án chỉ trong 24 giờ. Điều này khá là tuyệt vời".

Cuộc gọi hằng mong đợi cuối cùng cũng tới Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Yavapai. Phòng nghiên cứu Othram chắc chắn 100% rằng thi thể được tìm thấy trên sa mạc là của Sharon Lee Gallegos.

"Đó là một bước tiến lớn, nhưng mới chỉ là bước đầu tiên. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm cho vụ án này. Chúng tôi muốn xác định danh tính những người đã bắt cóc cô bé", Thiếu tá Boelts nói.

Rey Chavez, cháu trai của Sharon, cho biết anh rất biết ơn khi biết Sharon đã có một lễ chôn cất đàng hoàng, với sự tham dự và tài trợ của người dân Quận Yavapai vào nhiều năm về trước. "Gia đình chúng tôi muốn nói lời cảm ơn tới những gì mọi người đã làm cho chúng tôi. Cảm ơn vì mọi người đã giữ an toàn cho dì tôi và không bao giờ quên bà ấy", anh nói.

Nguồn: Daily Star

https://afamily.vn/phat-hien-thi-the-be-gai-vo-danh-chon-vui-trong-sa-mac-va-60-nam-sau-mot-phan-su-that-moi-duoc-he-lo-nho-adn-20220328183335658.chn