Đắp mặt nạ là một bước không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da của nhiều người. Tuy nhiên, liệu bạn có đang sử dụng mặt nạ đúng cách? Có nhiều quan niệm sai lầm phổ biến về việc đắp mặt nạ có thể khiến hiệu quả chăm sóc da bị giảm sút, thậm chí gây hại cho da mà bạn không hề hay biết. Dưới đây là một số lầm tưởng trong việc đắp mặt nạ mà nhiều chị em dễ mắc phải.
1. Đắp mặt nạ hàng ngày giúp tăng cường độ ẩm
Nhiều chị em tin rằng việc đắp mặt nạ hằng ngày có thể hiệu quả hơn trong việc tăng cường độ ẩm, nhưng thực tế đây là một quan niệm sai lầm. Đắp mặt nạ quá thường xuyên có thể gây quá tải cho da, dẫn đến tổn thương hàng rào bảo vệ da, gây ra các vấn đề như nhạy cảm hoặc mụn. Các chuyên gia da liễu khuyên rằng tần suất đắp mặt nạ nên được điều chỉnh tùy theo loại da của mỗi người, tốt nhất là 2-3 lần mỗi tuần, để da có đủ thời gian hấp thụ dưỡng chất và tự phục hồi. Việc đắp mặt nạ liên tục có thể làm da trở nên khô hơn, gây hại nhiều hơn lợi.
Đắp mặt nạ quá nhiều cũng làm tổn thương đến lớp bảo vệ của da.
2. Đắp mặt nạ càng lâu càng tốt
Nhiều người yêu làm đẹp lầm tưởng rằng đắp mặt nạ càng lâu, da càng hấp thụ nhiều dưỡng chất. Thực tế, việc đắp mặt nạ quá lâu có thể gây phản tác dụng. Thông thường, thời gian lý tưởng để đắp mặt nạ là 15-20 phút. Sau khoảng thời gian này, mặt nạ bắt đầu khô lại và có thể hút ngược độ ẩm từ da, làm da trở nên khô hơn. Ngoài ra, đắp mặt nạ quá lâu có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, khiến da thêm nặng nề. Cách đúng đắn là sử dụng mặt nạ theo thời gian khuyến nghị của sản phẩm để đạt hiệu quả chăm sóc da tốt nhất.
Đắp mặt nạ quá lâu có thể làm da bị tắc nghẽn lỗ chân lông.
3. Sau khi đắp mặt nạ có cần rửa mặt?
Câu trả lời cho vấn đề này phụ thuộc vào loại mặt nạ mà bạn sử dụng. Thông thường, nếu bạn sử dụng mặt nạ giấy thì không cần rửa mặt lại, vì mặt nạ giấy giúp da bạn hấp thụ tốt hơn các tinh chất. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng mặt nạ đất sét hoặc mặt nạ tẩy tế bào chết thì cần rửa mặt sạch sẽ để tránh tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông do các cặn bã còn sót lại.
Tùy vào loại mặt nạ để lựa chọn phương pháp chăm sóc phù hợp nhất.
Dù bạn sử dụng loại mặt nạ nào, sau khi đắp xong, nên thực hiện các bước dưỡng da tiếp theo như thoa kem dưỡng ẩm để khóa ẩm và dưỡng chất, đạt hiệu quả chăm sóc da tối ưu.
4. Bỏ đi tinh chất còn thừa trong mặt nạ
Bao bì mặt nạ thường chứa rất nhiều tinh chất, nhiều người thường bỏ đi phần tinh chất thừa này. Thực tế, bạn có thể sử dụng tinh chất thừa để thoa lên cổ, cánh tay và các vùng da khác, giúp các bộ phận trên cơ thể cũng được dưỡng ẩm và chăm sóc. Đặc biệt là vùng da cổ, vùng này khá mỏng manh và dễ lão hóa, do đó cần được chăm sóc thêm. Sử dụng tinh chất thừa từ mặt nạ để thoa lên cổ, vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả, giúp quá trình chăm sóc da toàn diện hơn.