Vào những năm 1960, nhà tâm lý học Diana Baumrind đã thực hiện một nghiên cứu trên hơn 100 trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và rồi nhận ra rằng, có rất nhiều cách giáo dục nhưng cách giáo dục tệ hại nhất là "dễ dãi đáp ứng nhu cầu của con". Từ đó, con vô tình mắc phải hội chứng mang tên "Con vua".
Lật giở vụ việc học sinh đánh nhau tại một ngôi trường quốc tế có tiếng ở TP.HCM hiện đang thu hút quan tâm của dư luận, từ đó, câu hỏi được đặt ra ngay lúc này là: Liệu "quốc tế" có còn là môi trường lành mạnh cho các con phát triển? Hay đơn giản đó là nơi cuộc chiến thượng lưu trong một xã hội thu nhỏ đang chính thức bắt đầu? Và những đứa trẻ có hay chăng chính là kết quả của "Hội chứng con vua"?
"NỘI", "NGOẠI" VÀ CÂU CHUYỆN PHÂN TRANH MUÔN THUỞ
Xét về mặt tâm lý, nhiều người Việt có quan niệm rằng âu đã là hàng hóa nước ngoài, được gán nhãn mác Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức,.. thì đều là những hàng tốt, những mặt hàng chất lượng. Điện thoại, xe ô tô, quần áo, nông sản và các sản phẩm nhập khẩu khác đang ngày càng được ưa chuộng, chiếm ưu thế rõ rệt so với các sản phẩm nội địa.
Không chỉ dừng lại ở đó, xu hướng hội nhập, xu hướng toàn cầu hóa của nhân loại càng góp phần hình thành nên tư tưởng "ngoại tốt", đẩy lối con người đến với những suy nghĩ được cho là tân tiến hơn :"hy sinh đời bố, củng cố đời con", hy sinh tất cả để cố gắng cho con vào được môi trường "quốc tế" đáng trông chờ mà ngày xưa bố con, mẹ con không hề có cơ hội. Đó là nơi cha mẹ mong có thầy cô văn minh dạy con nhiều thứ tiếng, nhiều điều mới mẻ ở chân trời ngoại quốc rộng lớn; nơi cha mẹ hy vọng con sẽ có những người bạn, những mối quan hệ lành mạnh; nơi cha mẹ tin con có thể vui vẻ, hạnh phúc, phát triển hết khả năng của bản thân mỗi khi bước vào cánh cổng trường rộng lớn.
Ảnh minh hoạ
Dẫu không thể phủ nhận được những ích lợi thực tế: phát triển toàn diện về thể chất lẫn tư duy, tạo cho trẻ tính tự lập với các hoạt động ngoại khóa đa dạng,... Nhưng như nguyên lí tảng băng trôi của tiểu thuyết gia Ernest Hemingway, cái con người ta thấy đôi khi chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bên cạnh những điều tốt đẹp dễ dàng nhìn thấy, không ai thấu tỏ được rằng trong miền đất đầy hứa hẹn ấy lại xảy ra bạo lực giữa những đứa trẻ.
Và rồi, nơi mà người ta gọi là "Dream School" - trường học trong mơ lại chính là nơi mà phụ huynh, người lớn nhân danh vì con mà sẵn sàng xông pha đấu chọi lại với nhau không cần biết đúng hay sai, chỉ cần đụng đến đứa con bé bỏng của gia đình thì sẽ ra sức bảo vệ chúng hết mình. Bảo vệ bằng vũ lực cũng có, tiền bạc cũng có, truyền thông cũng có,… Chữ "thương con" liệu có quá mông lung? Liệu có phải cha mẹ đang muốn nêu gương, dẫn đường con đến với lối hành xử như thế? Một lối hành xử thiếu tình thương yêu, thiếu tinh thần cộng cảm giữa những con người trong xã hội; lối hành xử đôi khi vượt lên trên chuẩn mực văn hóa vô tình hình thành nên tính cách của con trẻ.
Không thể tồn tại tư tưởng đánh đồng dù là trong quá khứ, hiện tại lẫn ở cả thì tương lai bởi ở vấn đề nào, tốt hoặc xấu chưa bao giờ là tuyệt đối, chúng luôn hiện hữu song song kể cả khi con người ta không để mắt tới. Tuy nhiên, từ "Quốc tế" nên được nhìn nhận lại, giấc mơ hoàn hảo ấy nên gắn chặt hơn cùng thực tiễn những vấn đề nhức nhối đang diễn ra trước mắt chúng ta, trước mắt cả những người đã và đang ước vọng về nơi ấy.
"NỘI" HAY "NGOẠI" ĐỀU TỐT, NHƯNG NỀN TẢNG GIA ĐÌNH MỚI LÀ NGÔI TRƯỜNG TỐT NHẤT ĐỂ CON PHÁT TRIỂN
"Cha là người dẫn đường chỉ lối cho con bước ra thế giới bên ngoài" (Spencer Johnson). Chập chững từ những bước đi đầu tiên tới những bập bẹ tiếng nói, bên cạnh con luôn xuất hiện hình bóng của cha mẹ. Rồi khi con lớn hơn, những câu hỏi ngô nghê con đặt ra đều được những người thầy cô đầu tiên ấy giải thích tường tận, rõ ràng để con hiểu về thế giới này. Con lớn lên được chứng kiến cách hành xử của cha, cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của mẹ rồi từ đó dần hình thành tính cách. Như vậy, một đứa trẻ trong tương lai có trở nên tài giỏi và hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh và phẩm cách của cha mẹ.
Quay lại cùng hội chứng "con vua" với những biểu hiện tiêu biểu:
- Ra lệnh, điều khiển – Bắt người khác phải chiều theo ý của mình;
- Quấy rối, ăn vạ; Vòi vĩnh, nhũng nhiễu;
- Luôn tưởng tượng mình là "người đặc biệt" – chỉ muốn mình là giám đốc/người nổi tiếng… mà ỷ lại, không chịu rèn luyện, phấn đấu;
- Dễ bùng nổ, đổ lỗi khi có chuyện phật ý. Đặc biệt rất khó để thốt ra lời xin lỗi.
Chợt nhận ra rằng đó hoàn toàn là kết quả của sự dễ dãi nuông chiều. Cha mẹ đã trao vào tay con tất cả những gì chúng muốn để rồi kiến tạo nên một con người hung hăng, xốc nổi cùng căn bệnh "ái kỷ" và dòng tư tưởng ngoài trời tròn, đất vuông thì bản thân mình là nhất.
Xin lỗi, cảm ơn là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề nhưng "Xin lỗi dường như là từ khó nói nhất". Có thể ở đâu đó, một lúc nào đó người ta cho rằng lời xin lỗi, cảm ơn là thừa thãi, là khách sáo, không cần thiết… Cũng có thể cuộc sống hiện đại quá ồn ào, gấp gáp khiến người ta không kịp nhận ra những hành động, lời nói của mình đã làm tổn thương người khác. Hoặc cũng có thể vì cái tôi của bản thân quá lớn nên họ cho việc mình được giúp đỡ là hiển nhiên, khi phạm phải sai lầm cũng không chịu hạ mình nhận lỗi.
Quả thực "Mười năm là chuyện trồng cây/Trăm năm là chuyện khéo tay trồng người". Những điều đang diễn ra trước mắt ta, bạo lực học đường là chuyện không ai mong muốn. Nhưng nếu nó đã xảy ra, chỉ mong người lớn đôi bên bình tĩnh xử lý để mọi chuyện được kết thúc trong êm đẹp, để con trẻ học tập, noi theo mà luyện rèn văn hóa ứng xử cho hiện tại và cho mai sau.
Mong những ông bố bà mẹ thực sự trở thành bạn của con để con dễ dàng chia sẻ chuyện trường, chuyện lớp; trở thành những người đến sớm nhất để tiếp bước cho con vượt qua những thăng trầm của tuổi mới lớn. Đặc biệt, gửi lời đến những em nhỏ ngoài kia - dù cho trời sập xuống, dù mai là tận thế thì vẫn sẽ có người luôn sẵn sàng bảo vệ các em bằng tất cả tình thương mà mình có, đó chính là gia đình - là bố, mẹ và là những người thân yêu nhất.
Làm ơn, đừng biến cả thế giới này trở thành nơi lạnh lẽo như Bắc Cực, hãy sống và hành xử sao cho nơi này ngập tràn những hơi ấm của yêu thương!
(Tổng hợp: Limdimstory)