Thích người ta cho cố nhưng khi được đáp lại thì sợ, chuyện cũ rích nhưng vì sao vậy?

Đến khi tình cảm được đáp lại thì họ lại không thoải mái, chỉ muốn trốn tránh đối phương.

Vào nửa đêm qua, tôi nhận được tin nhắn từ người bạn thân nhất của mình. Cô ấy nói với tôi: "Crush của tao có vẻ đã bắt đầu thích tao rồi. Ngày mai anh ấy mời tao đi ăn và xem phim." Tôi đáp lại cô ấy: "Trời ơi... thật tuyệt, mày đã yêu thầm anh ấy lâu như vậy rồi, rốt cuộc chuyện này có thành hay không đây!"

Tôi thấy "Đối phương đang gõ..." được hiển thị vài lần trong tin nhắn, và sau vài phút, cô ấy gửi một câu: "Nhưng… tự nhiên tao lại cảm thấy không thích anh ấy nữa. Tự nhiên được mời nên cảm thấy không thoải mái. Tao không muốn đi.” Cô ấy lại nhắn thêm một tin nữa: “Tao bị làm sao ý."

Tôi đã biết cô bạn thân này nhiều năm, và đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra với cô ấy. Trước đây cô cũng thích điên cuồng một người con trai, ngày nào cũng nhìn vào đốm sáng xanh từ nick anh ta. Mỗi khi nhận được tin nhắn của anh ta, cô ấy lại cảm thấy hạnh phúc. Mỗi ngày cô đều nghĩ về anh ta, thậm chí tưởng tượng đến cảnh hai người hẹn hò, kết hôn, sinh con. Kết quả là khi anh ta bắt đầu tìm hiểu về cô bạn ấy, cô lại muốn trốn tránh. Dù miễn cưỡng quen nhau vài ba tháng, cô bạn thân của tôi lại cảm thấy hai người không hợp nhau, và chia tay ngay lập tức.

Cô ấy nói: "Tôi không biết tại sao, chỉ có cảm giác như... một khi giấc mơ trở thành hiện thực thì lại nghe thấy âm thanh của sự tan vỡ." Và rất nhiều cô gái đều như vậy. Có một từ đặc biệt để mô tả tình trạng này, được gọi là "lithromantic”.

Có những người chỉ thích người không thích mình, nguyên nhân của xu hướng tâm lý này là gì?  - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

"Lithromantic" là gì? Một số người nói rằng "lithromantic" là một xu hướng tình dục, nhưng thực ra nó thiên nhiều hơn về cảm xúc. Nó cũng có thể được hiểu là bạn có cảm tình với một ai đó, nhưng khi người đó muốn đáp lại tình cảm của bạn thì bạn lại ghét cảm giác này, thậm chí không còn thích và trốn tránh đối phương. Đừng đổ lỗi cho bản thân bởi chắc chắn bạn cũng chẳng hiểu vì sao bản thân lại cư xử như vậy.

Dưới đây sẽ là 3 nguyên nhân khiến chúng ta thường có xu hướng "lithromantic":

1. Đó có thể là do tính cách tránh né

Tính cách né tránh ám chỉ một người rất khao khát một nơi, một người thuộc về, nhưng đồng thời cũng sợ duy trì mối quan hệ thân thiết với mọi người. Một khi có thể bắt đầu một mối quan hệ thân mật với người khác, họ có thể cảm thấy khó chịu, thậm chí phản kháng. Điều này không chỉ xảy ra giữa các cặp vợ chồng mà đôi khi chúng ta cảm thấy cáu gắt và từ chối sự quan tâm chăm sóc từ bố mẹ, người thân bởi tính cách này.

Đối với một người mang tâm lý né tránh, họ muốn tin tưởng vào người khác nhưng lại sợ bị tổn thương bởi điều đó, điều này sẽ khiến hai người xảy ra xung đột và tiêu tùng một mối quan hệ. Lý do dẫn đến tính cách này có thể liên quan đến trải nghiệm tình cảm thời thơ ấu hoặc độ tuổi dậy thì. Nếu khi còn nhỏ, chúng ta không nhận được đủ sự quan tâm từ cha mẹ hoặc trải qua một cuộc chia tay đáng nhớ, chúng ta có thể mắc phải loại tâm lý trốn tránh này.

Có những người chỉ thích người không thích mình, nguyên nhân của xu hướng tâm lý này là gì?  - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

2. Cũng có thể là bạn đang cần tự lập

Bartholomew từng phân tích rằng có hai lý do khác nhau khiến người ta tránh tiếp xúc thân mật với người khác, một là chúng ta sợ bị tổn thương trong một mối quan hệ thân mật, hai là một bên vốn độc lập, thích đi theo con đường riêng của mình, rất thoải mái và không muốn gắn bó chặt chẽ với một người khác. Vì vậy khi bạn cảm thấy người kia có ý định muốn bắt đầu mối quan hệ với mình, bạn sẽ cảm thấy hoảng sợ bởi không gian cá nhân của mình bị đe doạ.

3. Cũng có thể là do đối phương quá hoàn hảo trong trí tưởng tượng của bạn

Khi bạn phải lòng anh ấy, hình ảnh anh ấy trong lòng bạn quá hoàn hảo, từng cử động đều rất dễ thương, ngón tay thon thả chơi piano, nấu ăn rất ngon và biểu cảm quyến rũ khi anh ấy nói chuyện. Mọi thứ từ anh ấy đều tỏa sáng và hấp dẫn bạn. Tuy nhiên, khi anh ấy bắt đầu đáp lại và tiến gần đến bạn hơn, bạn nhận ra rằng đối phương có rất nhiều thiếu sót bị ánh sáng che mất, và bạn không muốn chấp nhận những điều đó. Lúc này, khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế sẽ khiến con người ta lập tức vỡ mộng, chán nản. Cho nên, sinh ra tâm lý muốn né tránh cũng không phải là không có lý.

https://ahadep.com/thich-nguoi-ta-cho-co-nhung-khi-duoc-dap-lai-thi-so-chuyen-cu-rich-nhung-vi-sao-vay-2022022221452265.chn