Nếu như ngày 2/11, TP.HCM chỉ có 682 ca nhiễm thì những ngày gần đây, số ca dương tính tại TP đều hơn 1.000 trường hợp, thậm chí ngày 26/11 ghi nhận 1.809 ca dương tính mới, và đây là ngày ghi nhận ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua.
Như vậy tính trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 460.763 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Theo Sở Y tế TP.HCM cho biết, cùng với số ca nhiễm mới, tình trạng bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong cũng gia tăng. Khoảng 1 tháng trước, số ca tử vong trong ngày chỉ ghi dưới 30 trường hợp thì ngày 26/11 bệnh nhân tử vong tại TP.HCM đã tăng lên 60 trường hợp. Những người tử vong tập trung chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng hoặc mới tiêm 1 mũi vaccine và nhóm người cao tuổi có bệnh lý nền.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn tổ chức xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (sau đây gọi là cơ sở lao động) trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở,... hoặc có yếu tố dịch tễ. Khi bắt đầu tổ chức lại hoạt động sản xuất với công suất 100% người lao động quay lại làm việc, các đơn vị thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20).
Tùy theo cấp độ dịch của Thành phố, các cơ sở lao động tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ bằng hình thức xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20), cụ thể: Nếu ở cấp độ 1, cấp độ 2, xét nghiệm 20% người lao động có nguy cơ cao mỗi 1 tuần. Nếu ở cấp độ 3, cấp độ 4, xét nghiệm 30% người lao động có nguy cơ cao mỗi 2 tuần. Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ. Thực hiện xét nghiệm các trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Để TP.HCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho hoạt động khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, không chủ quan, lơ là. Đồng thời cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của Thành phố.