Nước Anh đang trải qua những tháng ngày thật lạ. Jennifer Hassan - cô phóng viên của tờ Washington Post trụ sở Anh cảm nhận rất rõ điều đó khi chiếc xe của mình phát ra tiếng bíp, đèn cảnh báo nháy đỏ kèm một thông điệp hiện lên: "Xin hãy nạp nhiên liệu".
Hassan biết nó sẽ hiện lên, thậm chí còn ngạc nhiên vì nó không đến sớm hơn. Bởi lúc đó, cô đang chạy xe với số xăng còn sót lại ở mức gần cạn, giống như hàng triệu người Anh ngoài kia.
Cơn khủng hoảng xăng dầu đã xảy ra với nước Anh từ cách đây 1 tuần, khi nguồn cung xăng dầu cho 100.000 tài xế xe tải liên tục bị thiếu hụt và khiến việc vận chuyển đến các trạm xăng bị chậm trễ. Trong những tháng gần đây, cơn khủng hoảng lao động cũng khiến nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm, như sữa lắc, thịt gà, nước giải khát... Thậm chí, nhiều quán ăn phải bỏ bia lẫn thịt lợn ra khỏi thực đơn.
Là một phóng viên, Hassan không muốn mình rơi vào cảnh phải mua sắm tích trữ trong hoảng loạn - một động thái thường thấy trong khủng hoảng. Dẫu vậy, cơn khủng hoảng đang diễn ra trên diện rộng. 90% các trạm xăng trong tuần qua đã phải đóng cửa, dẫn đến chuyện cả một cuối tuần rất nhiều người phải mang xe ra đường tìm cách nạp cho đầy.
Phương tiện ùn tắc đi tìm xăng để đổ
"Hãy để nhân viên ngành thiết yếu đổ trước," - trang nhất tờ Daily Mirror hiện lên tiêu đề như vậy. Trang Daily Mail thì so sánh cảnh các tài xế phẫn nộ choảng nhau, thậm chí còn rút cả dao, với những màn cướp bóng ở Miền Tây hoang dã xưa kia.
Hassan muốn đứng ngoài câu chuyện này, nhưng giờ thì không thể nữa. Cô tạt vào trạm xăng đầu tiên bắt gặp trên đường trở về, nhưng thấy lối vào đã bị quây kín. Trạm thứ 2 thì theo tấm bảng "hết hàng". Trạm thứ 3 thì bị bao vây bởi một hàng xe kéo đằng đẵng. Một số bấm còi điên loạn, số khác chờ đợi một cách kiên nhẫn.
Hassan lúc này ở cách nhà 20 dặm, nhưng số xăng trong xe chỉ đủ để đi khoảng 30 dặm nữa thôi. Nó không cho phép cô thoải mái đi tìm chỗ nào còn xăng để đổ nữa.
"Tôi bắt đầu lo lắng. Nếu tôi kẹt ở đây thì sao? Tôi sẽ kẹt ở đây một mình ư?" - Hassan nhớ lại.
Cô chạy ngang qua một siêu thị. Ở Anh, các siêu thị thường có trạm xăng ngay bên cạnh, nhưng thật lạ là ở đây không có xe nào xếp hàng cả. Ngập tràn hy vọng, cô ghé lại và chợt hiểu vì sao khi đọc được dòng chữ: "Chỉ nhận rửa xe!"
Ở đâu cũng hiện lên dòng chữ hết hàng
Đến trạm xăng thứ 7, âm thanh "hết hàng" không còn khiến cô ngạc nhiên nữa. "Họ bảo vẫn có bán đồ ăn vặt và cafe như bình thường. Thật mỉa mai, nhưng cũng tốt. Tôi có thể cạn xăng giữa đường, nhưng ít ra vẫn có đồ ăn."
Chẳng còn lựa chọn nào khác, Hassan quay lại đường cao tốc. Chiếc đèn báo xăng liên tục nháy đỏ như thể đang trêu ngươi. Thế rồi, cô nghe thấy tin tựa tiếng sét: không còn bất kỳ trạm xăng nào còn hàng trên đường M25 - đường cao tốc dài 117 dặm, một trong những tuyến đường quan trọng và đông đúc nhất của Anh.
Tìm xăng trong tuyệt vọng
Hassan chán nản, tìm kiếm trên các ứng dụng điện thoại. Bạn bè cô chia sẻ các mẹo tìm trạm xăng còn hàng. Số khác tìm cách lan tỏa quy tắc mới thời khủng hoảng: Mỗi người chỉ được nạp số nhiên liệu trị giá 41 đô (khoảng gần 900 ngàn đồng tiền Việt). Ở Anh, số xăng như vậy không thể giúp bạn đi quá xa, vì nó chỉ tương đương khoảng 22 lít xăng mà thôi.
"Tôi thấy nhiều người giống tôi trên mạng xã hội. Tất cả đều muốn đổ xăng vì sắp cạn bình, nhưng không muốn trở thành một phần của cơn khủng hoảng. Có vẻ như nhiều người không thích bị xem là kẻ mua sắm trong hoảng loạn."
Hassan kể lại, một tài xế chở nhiên liệu đã kể với bạn cô rằng đằng sau xe anh ta có nguyên một dàn phương tiện chạy theo, y như vịt con theo mẹ vậy, tuyệt vọng xem xe anh đến trạm xăng nào đặng còn đổ.
Hàng dài xe nối đuôi nhau trước các trạm xăng, tràn ra cả đường lớn
Nhà chức trách thúc giục người dân tránh mua sắm tích trữ, khẳng định rằng có đủ nhiên liệu cho tất cả mọi người, đồng thời hứa sẽ cấp visa tạm thời cho hơn 10.000 người nhập cư làm tài xế xe tải và giao hàng trong ngành thực phẩm. Hôm 28/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông phải yêu cầu các tài xế không trữ xăng trong các chai nhựa, bởi làm như vậy sẽ khiến nguy cơ hỏa hoạn tăng lên rất cao.
Hassan không đổ được xăng, nhưng cuối cùng cũng về đến nhà, với số xăng còn sót lại chỉ đủ để đi thêm 5 dặm đường. Cô sống ở ngoại thành London, nơi giao thông công cộng khá hạn chế. Vậy là sau đó, cô phải gọi taxi chở mình đến trạm tàu điện ngầm, chờ đi làm vào sáng hôm sau.
Cánh tài xế trở nên bạo lực hơn
"Cứ tưởng tôi phải chờ anh cả thế kỷ," - Hassan cười đùa với tài xế, ngụ ý nói về cuộc khủng hoảng. Nhưng bất ngờ thay, anh tài xế bảo rằng mình có chỗ đổ xăng riêng. "Tôi choáng váng, vì hóa ra có cả một chợ đen vào lúc này."
Trên các hội nhóm Facebook, người ta tìm đến nhau giống như cái thời điểm phong tỏa liên tục vì Covid-19. Một số người may mắn xăng đã đổ đầy bình xăng nhiệt tình chở miễn phí cho người có nhu cầu đến bệnh viện, hoặc cho những nhân viên tuyến đầu đang mắc kẹt không cách nào đi làm.
Nhưng không phải ai cũng như vậy. Chỉ cần đăng lên hỏi một câu đơn giản: "Ai biết mua xăng ở đâu không?" là lập tức thu về những phản ứng rất dữ dội. Một số chỉ trích người này là kẻ "săn xăng", đi tích trữ trong khi nhiều người khác cần. Số khác thì yêu cầu phải trình báo đầy đủ mục đích mua xăng là gì.
Và ngạc nhiên nhất, cơn khủng hoảng xăng dầu này thậm chí còn chạm đến cả ứng dụng hẹn hò - theo Hassan.
"'Đang độc thân, xăng đầy bình,' - đây là profile của một anh chàng. Tôi cưỡng lại thế nào được?" - Hassan cười nói.