Nhắc đến kim cương là nhắc đến sự hào nhoáng, đẹp đẽ mê hoặc lòng người. Thứ trang sức quý giá như vậy chẳng lẽ nào lại khiến người ta khiếp sợ không dám đụng đến. Thế mà, quả thực, trên thế giới này có một viên kim cương đẹp mê hồn nhưng mang lời nguyền chết chóc đáng sợ. Đó là viên kim cương mang cái tên đầy ý nghĩa Hope (Hy vọng), nhưng những câu chuyện phía sau thật không dám tưởng tượng...
Viên kim cương mang tên Hope.
Viên kim cương tuyệt mỹ
Hope là viên kim cương nặng 45,52 carat, có màu xanh đen đẹp khó tả. Nó được xem là viên kim cương lớn nhất thế giới và quý giá nhất quả đất với giá trị lên đến 250 triệu USD. Hiện viên kim cương này được trưng bày tại bảo tàng Smithsonian, Washington D.C, Mỹ.
Viên đá quý đẹp mĩ miều, mê đắm là vậy nhưng lại chẳng có một ai, kể cả những người thích sưu tầm đá quý, các vị tỷ phú hay nhà chế tác, dám sở hữu viên kim cương này vì nó gắn liền với một "lời nguyền chết chóc" bi thảm. Nó đã gây ra bi kịch cho quá nhiều người, kể cả người chủ sở hữu, người thân của họ, cho đến những người liên quan gián tiếp.
Và sau cuộc hành trình chết chóc hơn 300 năm, Hope vẫn là một trong những viên kim cương gây ám ảnh nhất trong lịch sử thế giới.
Lời nguyền bắt đầu
Theo truyền thuyết, một thương gia người Pháp tên Jean Baptiste Tavernier khi đi du lịch qua đất nước Ấn Độ vào năm 1653, đã phát hiện viên kim cương xanh (còn một viên kinh cương "song sinh" nữa nhưng đến nay chưa từng được phát hiện) trong một bức tượng thần Shiva, nơi chúng được dùng làm "mắt thần".
Tavernier đã lấy 1 trong 2 viên đá quý từ mắt của bức tượng và lên đường trở về châu Âu. Sau khi mắt thần biến mất, các thầy tư tế (người được giao phụ trách trông coi thực hiện các tế tự, lễ nghi, cúng tế, thờ phụng của đạo Hindu) đã vô cùng phẫn nộ và cho rằng bất kỳ ai dám mang mắt thần đi đồng nghĩa với việc xúc phạm thánh thần của họ nên họ đã nguyền rủa bất cứ ai sở hữu viên đá quý hiếm.
Sau khi trở về nước, thương gia Tavernier đã bán viên kim cương xanh đó cho Vua Louis XIV và đi đến Nga. Ở đó, theo một số câu chuyện kể rằng ông đã bị một bầy chó hoang kéo đến xé xác. Và cũng từ sau cái chết của vị chủ nhân đầu tiên này, lời nguyền viên kim cương xanh bắt đầu ứng nghiệm và kéo dài danh sách nạn nhân...
Vua Louis XIV và "Màu xanh lam nước Pháp"
Năm 1673, Louis XIV ra lệnh cho thợ kim hoàn hoàng gia Sieur Pitau gọt giũa lại để làm tăng độ sáng của viên kim cương. Bản cắt mới hình trái tim khiến viên kim cương xanh chỉ còn lại 67 1/4 carat. Gần một nửa trọng lượng đã bị gọt mất! Louis XIV chính thức đặt tên cho viên đá quý là “viên kim cương xanh của nhà vua nước Pháp” hay còn gọi là “màu xanh lam nước Pháp”.
Khi thuộc quyền sở hữu của Vua Louis XIV, viên đá quý hiếm và lộng lẫy được gọi là "French Blue" (Màu xanh lam nước Pháp).
Nicholas Fourquet, người được giao trọng trách "chăm sóc" cẩn thận cho những món trang sức, vương miện của Hoàng gia Pháp, đã từng được phép đeo viên kim cương này trong một sự kiện trang trọng. Ngay sau đó, Fouquet không được lòng nhà vua, nên đã bị hành quyết.
Dường như nhà vua Louis XIV đã tự thoát khỏi "lời nguyền" của viên kim cương khi không có vận hạn gì xảy đến với ông, nhưng con cháu của ông thì không. Tất cả những đứa con của ông đều chết yểu.
Sau đó viên kim cương được truyền lại cho con trai của vua Louis XIV - tức Vua Louis XVI. Thế nhưng, vị vua này và Hoàng hậu Marie Antoinette nổi tiếng, đã bị chặt đầu bởi máy chém giữa cuộc Cách mạng Pháp. Sau đó, viên kim cương "French Blue", cùng với nhiều đồ trang sức khác đã bị đánh cắp.
Hoàng hậu xinh đẹp nổi tiếng nước Pháp Marie Antoinette cũng không tránh được "lời nguyền".
Trước khi bị bắt và bị hành quyết, Hoàng hậu Marie Antoinette thỉnh thoảng cho người thân tín nhất của mình và một thành viên trong hoàng gia là Marie Louise mượn viên kim cương "Màu xanh lam nước Pháp" để dùng làm trang sức. Sau khi Hoàng hậu Marie Antoinette bị bắt, một đám đông giận dữ đã tấn công Công chúa Marie Louise.
Marie Louise, Công chúa xứ Lambelle.
Công chúa bị đánh bằng búa, chặt đầu và mổ bụng. Đầu của Công chúa Marie Louise bị treo ở ngay cửa sổ phòng giam Hoàng hậu Marie Antoinette.
Sau khi bị đánh cắp, viên kim cương này đã "bặt vô âm tín" suốt 1 thời gian dài. Dường như biến mất khỏi dòng chảy của lịch sử, không còn ai nhớ về nó nữa.
Thế rồi, bất ngờ sau đó một khoảng thời gian dài, năm 1800, có thông tin viên kim cương đang thuộc quyền sở hữu của Hoàng hậu Tây Ban Nha. Nhưng sau đó, nhiều người liên quan đến nó cũng chết bí ẩn. Khi Hoàng hậu giao cho thợ kim hoàn gia công lại viên kim cương, nó đã bị con của ông đánh cắp và bán đi. Người thợ kim hoàn bị xử tội chết và người con cũng tự sát không lâu sau đó.
Khoảng 20 năm sau Cách mạng Pháp, mảnh cắt lại của viên kim cương “Màu xanh lam nước Pháp” đã được trưng bày ở London. Nó được một quý tộc người Anh tên Henry Phillip Hope mua lại vào năm 1839 và viên kim cương đã mang tên ông kể từ đó.
Hình ảnh nhà quý tộc Anh từng sở hữu viên kim cương, Henry Phillip Hope.
Một lần nữa, viên kim cương dường như giải thoát cho ông Hope lời nguyền của nó nhưng lại khiến hậu duệ của ông, tức cậu con trai Lord Francis Hope, dính đòn.
Sau khi Lord Francis thừa kế viên đá quý vào sinh nhật thứ 21, anh nhanh chóng kết hôn với một cô gái làng chơi người Mỹ. Cặp đôi sống một lối sống xa hoa vượt xa khả năng chi trả của họ. Lord Francis buộc phải tuyên bố phá sản và bán viên kim cương Hope. Khi giao dịch hoàn tất, cô vợ xinh đẹp của anh ta đã bỏ trốn cùng nhân tình, còn bản thân Francis Hope phải chết trong cảnh nghèo đói.
Một loạt chủ sở hữu… một loạt bi kịch
Viên kim cương xanh đã qua tay nhiều người trong những năm sau cái chết của Lord Francis. Không một ai sở hữu viên kim cương Hy vọng trong thời gian quá lâu, nhưng rõ ràng việc sở hữu viên đá quý này đã mang lại vận rủi.
Có tin rằng Hoàng tử Nga Ivan Kanitovski sau đó đã nắm quyền sở hữu viên đá quý. Người tình của anh, Lorens Ladue, đã đeo nó một lần và bị bắn chết ngay trong đêm. Bản thân Hoàng tử Ivan cũng đã bị giết bởi những người theo phong trào cách mạng Nga.
Tiếp theo, một thợ kim hoàn người Hy Lạp giàu có đã mua viên đá quý. Sau đó, chiếc xe của ông điều khiển đột nhiên lao vào vách đá, giết chết cả gia đình. Một nhà môi giới kim cương Ba Tư tên là Habib Bey đã mua viên đá quý này, nhưng ông ta bị chết đuối trong một vụ đắm tàu vào năm 1909. Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, Adbul Hamid II, đã mua lại Viên kim cương Hy vọng với giá 400.000USD. Ngay sau đó, ông đã mất toàn bộ Đế chế Ottoman trong một cuộc nổi dậy quân sự.
Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ, Adbul Hamid II.
Người thợ kim hoàn người Hà Lan tên Wilhelm Fals, người đã gọt giũa lại viên kim cương, cũng là nạn nhân của lời nguyền. Fals bị chính con trai mình, Hendrik, sát hại vào năm 1830. Sau đó Hendrik đã tự kết liễu cuộc đời.
Năm 1911, không rõ vì lý do gì, viên kim cương này đột nhiên xuất hiện tại châu Mỹ, và thuộc quyền sở hữu của tiểu thư Evalyn Walsh McLean – một người thừa kế cực kỳ giàu có tại thành phố New York tráng lệ. Nhưng Evalyn cũng không thoát khỏi lời nguyền khi mẹ chồng cô và con trai 9 tuổi lần lượt tử vong. Chồng của Evalyn bỏ đi với người phụ nữ khác và sau đó chết trong bệnh viện tâm thần. Con gái Evalyn chết vì sốc ma túy năm 25 tuổi và cuối cùng Evalyn phải bán tờ báo "The Washington post" do mình làm chủ, dẫn đến khánh kiệt và chết trong nợ nần chồng chất vào năm 1947.
Chân dung nữ tiểu thư giàu có xinh đẹp Evalyn Walsh McLean.
11 năm sau đó, viên kim cương Hope rơi vào tay một người buôn đá quý - Harry Winston, nhưng chẳng biết vì lý do gì mà ông quyết định tặng cho bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian ở Washington. Những tưởng lời nguyền đã kết thúc, nhưng James Todd, người vận chuyển viên kim cương đến bảo tàng, vẫn gặp vận rủi khi chân của ông bị chiếc xe tải cán qua, không lâu sau lần vận chuyển đó. Đầu của ông cũng bị chấn thương nặng. Vợ ông cũng qua đời sau đó vì trụy tim và căn nhà thì bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn.
Giờ đây, viên kim cương Hope vẫn nằm yên trong bảo tàng suốt thời gian qua mà không có thêm bất kỳ một tai nạn nào xung quanh nó nữa, người ta đồn đoán rằng rất có thể lời nguyền của viên kim cương tuyệt mỹ này đã dừng lại.
Nhưng cũng có người cho rằng là vì nó được trưng bày trong bảo tàng, không thuộc sở hữu của riêng ai nên không có bi kịch nào xảy ra.
Tất cả những câu chuyện xảy ra đôi khi có thể chỉ là sự trùng hợp kỳ lạ nhưng dù sao viên kim cương màu xanh này đã trở thành "huyền thoại" mà mỗi lần nhắc đến là người ta phải run sợ.
Nguồn: Historydaily