Trên đời, người nông cạn dễ khiến người xung quanh đánh giá thấp, người quá cẩn thận lại khó gần. Tuy nhiên dù trong mối quan hệ nào bạn cũng không nên kể lể mọi điều để tránh rước họa vào thân.
Khi nói ra những điều thầm kín, chúng ta không chắc sẽ nhận được sự đồng cảm của đối phương. Họ có thể sẽ cười nhạo ta, thậm chí còn nghĩ cách đẩy ta tới bước đường khốn cùng chỉ vì nắm được những điểm yếu. Vì thế, dù có những mối quan hệ thân thiết như người nhà chúng ta cũng cần ghi nhớ 4 điều làm “cơ mật”, không nên tiết lộ với bất kỳ ai.
1. Những sai lầm từng mắc phải
Khi mắc lỗi, bản thân chúng ta là người tự vấn nhiều nhất. Ta sẽ tự có cái nhìn riêng về vấn đề và nhận ra lỗi lầm của mình ở đâu để khắc phục. Nói chung, những chuyện này đã qua bạn nên để cho nó qua, không cần thiết phải kể lể, kêu than với người ngoài.
Với những người tốt tính coi như bạn sẽ không phải nhận hệ lụy gì. Thế nhưng hãy nghĩ tới lúc mâu thuẫn giữa 2 người xảy ra, họ sẽ đem những sai lầm này của bạn rêu rao, kể lể với người khác. Lúc này danh tiếng của bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Hơn nữa, người ngoài cũng có thể nhìn thấy sai lầm của bạn và làm bạn “dính bẫy” lần 2. Lúc này bạn cũng khó có thể trách họ mà trách bản thân nhiều hơn.
Thay vì để nhiều người biết rằng bản thân đã trải qua 1 trải nghiệm như vậy, tốt hơn hết là giấu nỗi đau này trong lòng và luôn nhắc nhở mình đừng làm điều ngu ngốc nữa. Đó mới là cách tốt nhất để bạn tự rút kinh nghiệm, tự thay đổi.
2. Kế hoạch tương lai của bản thân
Một trong những điều “cơ mật” bạn không nên tiết lộ với ai chính là kế hoạch tương lai của bản thân. Dù họ có thân thiết cỡ nào bạn cũng chỉ nên nói ra 1 phần nào đó, những gì “tinh túy” cần giữ lại cho bản thân mình.
Thay vì tích cực chia sẻ kế hoạch và mục tiêu tiếp theo của bạn với người khác hãy học hỏi kinh nghiệm thành công của họ, tìm ra 1 phương pháp phù hợp với mình hơn. Bạn chỉ nên nói với người xung quanh về thành tựu mình đạt được chứng minh rằng đường hướng bạn đang đi là đúng đắn. Ngoài ra, những gì bạn đã suy tính, trải qua thì không nên kể quá nhiều.
Những kẻ gian dễ lợi dụng sơ hở của bạn để “đẩy bạn xuống”, tìm cách để bạn thất bại. Vì thế hãy chỉ im lặng và làm thật tốt những kế hoạch của mình.
3. Mức thu nhập thực tế
Vấn đề tiền lương, thu nhập vẫn luôn khiến nhiều người khó xử khi bị hỏi đến. Dù có thân thiết với ai bạn cũng không nên đưa ra con số cụ thể khi nói về thu nhập của mình để tránh tự làm khó bản thân.
Nhìn chung, nhiều người không tốt như bạn nghĩ. Thậm chí, họ còn có ý thăm dò mức lương để cạnh tranh với bạn hoặc nhờ vả bạn. Nếu như họ gặp khó khăn, biết bạn có thu nhập ổn định và vay mượn chắc chắn bạn sẽ rất khó xử, khó thoái thác.
Thay vì thế, bạn chỉ cần chứng minh rằng mình sống ổn định với mức lương hiện tại. Ta nên tránh tiết lộ cho người ngoài số tiền mình đang có để bớt đi những thị phi.
4. Chuyện gia đình
Chúng ta thường có xu hướng mang chuyện trong gia đình kể với những người thân thiết và đáng tin cậy. Tuy nhiên, đây không phải chủ đề nên bàn tán quá nhiều.
Dễ dàng kể cho người khác nghe về những bi kịch ở gia đình mình sẽ hạ thấp hình ảnh và địa vị của bạn trong lòng người khác. Rất ít người trong chúng ta có thể đảm bảo giữ bí mật hoàn toàn. Và tồi tệ hơn, có thể không lâu nữa nỗi đau của bạn sẽ trở thành nguồn vui cho người khác, trở thành chủ đề để họ bàn tán, soi mói.
Mỗi gia đình sẽ có 1 hoàn cảnh khác nhau, việc xảy ra bất hòa cũng khó tránh được. Thế nhưng việc chúng ta nên làm là giải quyết, xóa bỏ những bất hòa ấy, xây dựng 1 tập thể đoàn kết và lớn mạnh, biết đùm bọc, bảo vệ nhau. Hãy tự tìm cách giúp các thành viên trong gia đình kết nối với nhau thay vì mang chuyện nhà đi kể lể, than phiền cho người khác chê cười, khinh rẻ.
Theo Toutiao