Khi sếp không thể nhớ bạn là ai?
"Điểm mù" là một thuật ngữ được dùng khi nói về sự an toàn trong lái xe, nó là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất trong trường nhìn của người điều khiển. Nói cách khác, người điều khiển không thể nào quan sát được điểm mù thông qua gương chiếu hậu lẫn nhìn trực tiếp. Trong nhiều trường hợp khác, "điểm mù" được sử dụng để chỉ những điều mà người ta không hoặc không tự nhận biết được nhưng người khác thì thấy rất rõ.
Vậy trong môi trường công sở, sẽ ra sao nếu bạn chính là một "điểm mù", một người vô hình trong mắt lãnh đạo. Cùng tìm hiểu những lý do điển hình dưới đây:
Tính cách rụt rè, thiếu chủ động
Khi đi làm, nếu bạn quá rụt rè hoặc sợ hãi sẽ dần khiến bạn trở nên vô hình trong một môi trường đầy những con người nhiệt huyết, nổi bật và khát khao chứng tỏ bản thân. Sếp sẽ dần quên tên bạn và tương tư, cơ hội thăng tiến cũng dần biến mất.
Mọi ánh nhìn, sự quan tâm của sếp và đồng nghiệp đều không hướng về bạn
Nhút nhát vốn dĩ không phải cái tội nhưng trong công việc, nếu quá tự ti hay rụt rè bạn sẽ khiến đồng nghiệp cảm thấy khó khăn trong việc biết được suy nghĩ, nhận định của bạn về một vấn đề của team. Không ai có thời gian để giúp đỡ bạn tiến bộ, nếu bạn biến bản thân trở thành gánh nặng của người khác và làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của tập thể.
Chẳng hạn cấp trên giao nhiệm vụ liên lạc với khách hàng. Nhưng bạn lại từ chối vì thói quen không thích nói chuyện với người lạ, cấp trên sẽ đánh giá bạn như thế nào? Thay vì mãi trốn trong chiếc vỏ bọc của mình, bạn hãy thử bứt phá bản thân, biết đâu kết quả nhận được sẽ khiến bạn bất ngờ. Cái nhìn tiêu cực của sếp sẽ biến thành sự mong đợi vào mức độ cải thiện trong tương lai của bạn.
Bạn chưa tạo được sự tin tưởng cho sếp
Nếu sếp của bạn tập trung nhiều hơn với những đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm thì đó là dấu hiệu họ tin tưởng những người cũ, có nhiều hiểu biết. Có thể bạn đang là người mới ở công ty và họ chưa muốn chia sẻ nhiều thông tin quan trọng với bạn. Tuy nhiên, một người đồng nghiệp tốt sẽ hướng dẫn và đào tạo để bạn hiểu hơn về quy trình công việc, văn hóa công ty, phòng ban và phong cách làm việc của sếp.
Lề mề, chậm chạp
Cạnh tranh chốn công sở vô cùng ác liệt, vậy nên mỗi người không chỉ cần có chuyên môn cao, mà còn cần bản lĩnh, làm việc cần nhanh nhẹn, ra quyết định cần dứt khoát, nếu không chỉ cần bạn do dự, cơ hội sẽ bị người khác cướp mất.
Vậy nên, với lãnh đạo mà nói, họ thích những nhân viên làm việc nhanh nhẹn, có hiệu quả. Một nhân viên chậm chạp, lề mề làm công việc được giao sẽ làm lãng phí thời gian của người khác, ảnh hưởng tiến độ công việc. Bạn có thể tưởng tượng, cùng một công việc, bạn làm một tuần mới hoàn thành, mà đồng nghiệp chỉ cần một ngày đã xong rồi, như vậy cấp trên sẽ ưu ái ai? Đương nhiên là người làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả rồi.
Đặt lợi ích của bản thân lên trên hết
Đặt bản thân mình vào một nhà lãnh đạo, bạn hy vọng nhân viên của mình cần có những phẩm chất gì? Trung thành chắc chắn sẽ là một trong những đáp án. Tại sao lại có thể khẳng định như vậy? Bởi vì nhân viên có trung thành, tín nhiệm với cấp trên, họ mới nghiêm túc nghe theo những yêu cầu, sắp xếp của bạn. Ngược lại bạn sẽ vô cùng mệt mỏi khi phải làm việc với những người chỉ chăm chăm giành lợi ích về phần mình mà sẵn sàng thay đổi "chí tuyến".
Những người có tật xấu này, thái độ của họ với công việc, với đồng nghiệp luôn là cân nhắc, xem xét bên nào có lợi cho mình nhất, không quan tâm đến quan hệ đồng nghiệp hay lợi ích chung. Những người này rất khó để nhận được sự tin tưởng từ người khác.
Bạn nghĩ rằng bản thân đã cố gắng nhưng thực ra điều này là chưa đủ
Sự cố gắng và giá trị bạn đem lại chưa đủ thu hút
Có thể bạn đang chưa thể hiện được cho sếp thấy những kỹ năng đặc biệt và giá trị có ích cho đội nhóm. Ví dụ: bạn được phụ trách công việc lên kế hoạch và thực hiện chạy quảng cáo trên các nền tảng như Insta, Tiktok, e-commerce cho một sản phẩm, nhưng thực sự trước đó bạn chỉ làm ở các nền tảng truyền thống. Lúc này, nếu không thể chủ động đưa ra giải pháp tối ưu thì khả năng cao, sếp của bạn sẽ cảm thấy không hài lòng vì bạn từ chối sự cố gắng và không đem lại giá trị gì.
Do đó, với bất kể lý do gì, bạn cần nói chuyện với sếp. Không phải theo kiểu "tại sao bạn lại phớt lờ tôi". Theo cách "Tôi là một tài sản quý giá và tôi muốn đóng góp".
Làm gì để ghi điểm trong mắt sếp
Bất kỳ nhân viên nào cũng muốn ghi điểm với sếp, muốn để lại những ấn tượng trong mắt sếp. Như thế không có nghĩa là giả tạo, là cố tình tỏ ra trước mặt sếp. Nên nhớ rằng, có những đặc điểm, tính cách sếp luôn muốn thấy ở nhân viên của mình nhưng các vị sếp lại là những người rất tinh tế trong cách nhìn nhận vấn đề và ít khi bày tỏ ra ngoài.
Những gợi ý sau sẽ giúp bạn dễ dàng thoát ra khỏi "điểm mù" và ghi điểm tốt hơn với cấp trên.
Chủ động thể hiện bản thân
Cách tiếp cận hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện là đề nghị có được cơ hội tham gia đảm nhiệm các công việc khác ngoài công việc hiện tại. Điều này, giúp cho bạn có thể được từ từ bước ra khỏi vùng "điểm mù".
Chẳng hạn, hãy xác định 1–2 dự án mà bạn muốn tham gia và trực tiếp trao đổi với sếp bạn về việc này. Bạn có thể cho họ biết rõ mục tiêu của bạn là gì, ví dụ: bạn muốn có được kinh nghiệm trực tiếp mà bạn có thể sử dụng để thăng tiến. Bạn thậm chí có thể hỏi trước các đồng nghiệp về dự án đó hoặc dự án khác trong quá khứ để rút kinh nghiệm.
Điều này không chỉ làm bạn nhận được sự chú ý từ sếp mà còn ở các đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội để bạn chứng minh giá trị mình có thể mang lại.
Tự mở rộng kiến thức
Chẳng có vị sếp nào lại muốn nhân viên của mình cứ dậm chân tại chỗ mãi. Nhưng họ cũng không muốn nhân viên giỏi giang hơn mình. Bởi thế ngoài việc hỗ trợ để hoàn thành ý tưởng của người khác, bạn vẫn nên tự đưa ra ý kiến của bản thân.
Bằng việc học hỏi từ mọi người và tích lũy kiến thức cho bản thân, bạn sẽ chứng tỏ được khả năng của mình với sếp và đồng nghiệp rằng bạn là một nhân viên chăm chỉ và có tính cầu tiến. Tuy vậy, cái gì quá cũng không tốt, bạn không nên tỏ ra bạn giỏi giang hơn sếp của mình bởi đơn giản đơn giản không vị sếp nào muốn bạn qua mặt họ.
Hãy kết nối với sếp
Nếu bạn không muốn mãi nằm ở điểm mù thì hãy chủ động trong việc kết nối với sếp. Dù là vấn đề hay khó khăn cần hỗ trợ cách tiếp cận tốt nhất vẫn là đề xuất một buổi hẹn trực tiếp. Khi bạn thẳng thắn trao đổi, chủ động trò chuyện với sếp về cảm nhận của bản thân có thể khiến mối quan hệ của bạn và sếp tốt hơn.
Để tránh bị từ chối, bạn có thể áp dụng theo kiểu: " Em muốn đóng góp thêm nhiều giá trị nhất cho đội nhóm và muốn lắng nghe nhưng nhận xét và góp ý của anh về em trong thời gian qua để kịp thời thay đổi ".
Sếp cũng mệt mỏi, hãy thấu hiểu khi bạn chẳng may bị quở trách
Có tinh thần trách nhiệm cao
Có trách nhiệm, hoàn thành công việc đúng thời hạn đề ra - đó là điều luôn khiến sếp hài lòng về một nhân viên. Song, nếu bạn thể hiện được nhiệt huyết hơn nữa bằng cách làm tốt, làm sớm trước hạn định thì chắc chắn cấp trên lại càng đề cao vai trò của bạn trong công ty.
Mặt khác, có trách nhiệm hoàn thành công việc nghĩa là bạn cũng phải chịu mọi trách nhiệm về những thất bại có thể xảy ra. Một khi đã có sai lầm xảy ra, tốt nhất là đừng nên bào chữa bởi hơn ai hết, sếp là người hiểu rõ nhất, công việc sẽ có lúc này lúc khác, không ai có thể kiểm soát tất cả mọi việc một cách suôn sẻ được. Nhưng điều quan trọng là bạn phản ứng với thiếu sót của mình như thế nào, tìm cách bao biện, đổ lỗi cho người khác hay đổ cho hoàn cảnh? Tốt nhất là bạn đừng nên đi theo hướng đó mà hãy biết nhận lỗi, những gì thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì hãy can đảm chấp nhận.
Đừng vội đổ mọi lỗi lầm cho sếp
Thật dễ dàng để có suy nghĩ tiêu cực về lý do tại sao sếp có cách cư xử chưa phù hợp, nhưng trong một số trường hợp, hành động trên xuất phát từ ngoại cảnh. Chúng đơn giản là việc khối lượng công việc của người quản lý tăng đột ngột; bản thân sếp phải đối mặt với áp lực từ cấp trên và vật lộn để đối phó; hoặc có thể họ có ít thời gian và muốn giải quyết các việc cấp thiết.
Do vậy, trước khi quy kết sếp ghét hoặc cố tình phớt lờ bạn, hãy tự đặt những câu hỏi cho bản thân:
- Gần đây sếp có bị quá tải công việc không?
- Sếp có gặp các vấn đề tiêu cực khiến tâm trạng căng thẳng và cảm giác kiệt sức kéo dài.
- Sếp có thiếu nguồn nhân lực và phải gánh vác quá nhiều trọng trách?
- Sếp có gặp những khó khăn trong đời sống cá nhân?
Để có câu trả lời thỏa đáng, hãy thử chia sẻ lo lắng với đồng nghiệp đủ tin tưởng và thân thiết với sếp. Từ đó, bạn sẽ có sự thấu hiểu hơn rất nhiều.
(Tổng hợp)