Nếu không có đồng thuận về quan niệm tiền bạc thì có thể sau kết hôn, vấn đề đó làm tổn hại tình cảm giữa cả hai. Tiền nong, kinh tế luôn là một chuyện rất khó nói và khó giải quyết. Giữa vợ và chồng cũng như vậy thôi. Nếu không thỏa thuận từ đầu và nói rõ ràng với nhau thì sau đó rắc rối sẽ ập đến.
Không dám cưới vì bạn gái tiêu hoang phí
Mới đây, trên mạng xã hội Dcard (Trung Quốc), một chàng trai đã chia sẻ về câu chuyện của bản thân mình.
Theo đó, anh chàng này kể mình có bạn gái đã 5 năm. Cô nàng này thông minh, xinh đẹp, thu nhập cao và giỏi mọi thứ. Cô cũng rất biết cách quan tâm và chăm sóc. "Khuyết điểm lớn nhất và duy nhất của cô ấy là cực kỳ hoang phí", anh chia sẻ. Và cũng vì lí do này mà anh chưa dám kết hôn.
Được biết, hàng tháng cô làm ra được 80-90 nghìn Tân Đài tệ (khoảng 62-70 triệu đồng). Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm cô có được sau nhiều năm đi làm chỉ là 200 nghìn Tân Đài tệ (khoảng hơn 150 triệu đồng).
Nguyên do bởi hàng tháng cô gái tiêu xài vô cùng hoang phí. Chi phí cho mua sắm túi xách, quần áo, giày dép, sản phẩm chăm sóc da hay đi ăn nhà hàng đã chiếm phần lớn thu nhập của cô. Bởi thế nên cô không tiết kiệm nổi tiền bạc.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, thu nhập của chàng trai này cũng ngang ngửa bạn gái. Tuy nhiên hàng tháng anh đều cố gắng để tiết kiệm gần 1 nửa thu nhập. Bởi vậy, hiện tại anh đã có khoản tiết kiệm hơn 1 triệu Tân Đài tệ (hơn 780 triệu đồng).
Anh chàng cho rằng yêu đương thì không dám can thiệp nhưng nếu cưới về, cô gái vẫn giữ nguyên nếp sống này thì rất dễ tranh cãi. Khi anh góp ý thì kiểu gì bạn gái cũng nhăn nhó và cho rằng mình chẳng hề nợ nần ai và tự tiêu tiền do bản thân làm ra:
"Dùng tiền để tận hưởng cuộc sống thì có gì sai cơ chứ".
Anh chàng cũng nói với bạn gái rằng sau khi kết hôn rồi thì nên lập kế hoạch tiền bạc. Bởi anh hiểu vai trò quan trọng của nó. Nếu như tiêu xài vô tội vạ anh sẽ bất an lắm.
Bạn gái đáp lại: "Anh đã tiết kiệm nhiều như vậy rồi tại sao còn lo lắng về tiền bạc nữa? Đó là cách nhìn của em về tiền, không phải là em không có tiền tiết kiệm, chỉ là nó hơi ít một chút. Em cũng chưa bao giờ tiêu tiền của anh bừa bãi".
Câu trả lời ấy khiến anh chàng sợ và có phần lăn tăn về chuyện kết hôn: "Nếu sau khi cưới, cô ấy vẫn không tiết kiệm, chẳng phải chỉ có mình tôi lo lắng tiết kiệm tiền bạc cho gia đình hay sao".
Ngoài ra, anh cũng lăn tăn nhiều vấn đề nữa liên quan đến chuyện kinh tế. Anh cần được tư vấn bởi yêu đã 5 năm rồi và không thể trì hoãn thêm. Tuy nhiên cả hai vẫn chưa thể thống nhất quan điểm về kinh tế như thế, bạn gái vẫn giữ quan niệm có tiền phải tiêu thì anh thấy bất an vô cùng.
Ảnh minh họa.
Ngay sau khi bài chia sẻ được đăng tải đã nhận về nhiều bàn luận sôi nổi từ dân mạng. Một số ý kiến cho rằng quan điểm sử dụng tiền bạc rất quan trọng. Nếu như cả hai không thống nhất được thì sau này có cưới cũng sẽ ly hôn vì những màn cãi vã.
"Thực sự cần phải thảo luận và đi đến thống nhất về vấn đề tiền nong nếu hai bạn muốn kết hôn", một ý kiến chia sẻ.
"Chẳng có sai hay đúng trong chuyện tiêu tiền, cái chính là quan điểm của các bạn trái ngược nhau thì dễ dẫn đến mâu thuẫn. Cần phải thống nhất rõ ràng nếu không thì không ổn", ý kiến khác cho hay.
Làm cách nào để tránh mâu thuẫn tiền bạc trong hôn nhân?
Vấn đề tiền bạc nó gắn liền với thực tế và đương nhiên cũng kéo theo không ít vấn đề mà ta không lường trước được. Bởi vậy trong hôn nhân, hai vợ chồng cần đi đến thống nhất về cách quản lý, chi tiêu tiền để tránh mâu thuẫn.
Dưới đây là những cách để tránh mâu thuẫn về tiền bạc trong cuộc sống vợ chồng.
1. Nói chuyện thẳng thắn trước khi kết hôn
Trong quá trình bàn bạc cho hôn nhân, đây là vấn đề cũng cần phải nói rõ ràng. Việc đóng góp chi tiêu thế nào, tiết kiệm ra sao, các khoản chi lớn thì cần trao đổi trước như thế nào đều cần hai bên thẳng thắn trao đổi.
Ngoài ra cả hai cũng nói chuyện về những khoản nợ cá nhân hoặc khoản vay chưa được thanh toán. Ngoài ra, hai bạn cũng nên công khai thu nhập và bàn bạc rõ sẽ để một người giữ hết hay cả hai sẽ chia nhau người nào chi những khoản gì.
2. Không che giấu các khoản mua sắm
Nhiều người đôi khi "hứng" lên là bắt đầu mua sắm điên cuồng. Nếu bạn phải giấu bạn đời về một món đồ mới mua nào đó thì có lẽ nó không cần thiết cho cuộc sống của hai bạn đâu. Việc giấu giếm những khoản mua sắm có thể khiến lòng tin giữa cả hai bị phá hỏng.
Ảnh minh họa.
3. Đặt ra định mức chi tiêu
Để tránh mâu thuẫn tiền nong, cả hai hãy cũng lập một ngân sách chi tiêu hàng tháng. Nó sẽ tính toán rõ ràng thu nhập và những khoản chi tiêu của các bạn để cả hai không bị "vung tay quá trán" hay có những khoản chi ngoài ngân sách.
4. Hãy linh hoạt và cân đối trong chi tiêu
Tuy tiết kiệm là điều được ưu tiên trong việc chi tiêu song các cặp vợ chồng cũng nên biết cách linh hoạt và cân đối với mọi thứ. Các bạn đừng khắt khe quá về tiền nong mà bên cạnh các khoản cố định cũng nên có những khoản cho vui chơi, giải trí hay những vấn đề phát sinh khác. Nếu sống kiểu quá ki bo và tính toán thì có thể rắc rối giữa cả hai lúc đó mới nảy sinh.
5. Đừng phủ định quan điểm tiền bạc của ai, hãy cân bằng chúng
Hai người về chung một nhà đôi khi có những quan điểm khác biệt về cách tiêu tiền. Bởi vậy, hai bạn hãy lắng nghe nhau, đừng vội phủ định hoàn toàn quan điểm của đối phương. Cả hai bên cần nói chuyện, tiếp nhận ý kiến của nhau và đưa ra kết luận về cách tiêu xài, tiết kiệm phù hợp nhất nhưng vẫn đáp ứng được các nhu cầu mỗi bên.