Người đàn ông làm vợ người ta có bầu, còn được cảm ơn
Bỏ qua những ồn ào trong drama bà Nhân Vlog (một YouTuber người Việt sống tại Nhật đang trong hành trình tìm con nhờ thụ tinh nhân tạo) nhắc đến Thạc sĩ, bác sĩ Cao Hữu Thịnh, tên tuổi của bác sĩ này thường được gắn liền với hai chữ "hiếm muộn".
Công việc của anh mỗi buổi sáng là vào phòng ngủ đông "đánh thức" các em bé (phôi thai) dậy để chuyển vào tử cung mẹ, đưa con đến với thế giới. BS Thịnh bảo, mang hạnh phúc đến với các gia đình hiếm muộn là niềm vui công việc hằng ngày của anh.
BS Thịnh đang đánh thức những "em bé ngủ đông" trong phòng trữ lạnh.
Thực ra, công việc chính của BS Thịnh ở bệnh viện là bác sĩ sản phụ khoa, còn hiếm muộn và phẫu thuật thẩm mỹ làm thêm bên ngoài. Xuất thân là bác sĩ chuyên khoa sản và chuyên khoa thẩm mỹ, BS Thịnh phát hiện thêm mảng liên quan là hiếm muộn nên đã đi học bổ sung.
"Mà lạ lắm, thấy mình hên lắm! Có những ca khó, nghĩ làm không được nhưng tới mình làm là đậu, đậu quá trời đậu". Có duyên với những phụ nữ muộn con, giúp được hàng nghìn gia đình hiếm muộn có tin vui, người này truyền tai người kia nên BS Thịnh dần trở thành "idol" của hội bỉm sữa.
BS Thịnh là "ba đỡ đầu" của hàng nghìn em bé, ân nhân của nhiều cặp hiếm muộn.
Thời điểm 10 năm trước, BS Thịnh có duyên với ca sinh năm duy nhất ở Việt Nam. Anh đã điều trị hiếm muộn cho sản phụ, thực hiện can thiệp kích trứng và hướng dẫn hai vợ chồng họ cách quan hệ để thụ thai tự nhiên.
BS Thịnh đang tư vấn cho bệnh nhân.
Khi có thai, sản phụ cũng theo BS Thịnh kiểm tra, chăm sóc suốt thai kỳ. Gia đình muốn giữ cả 5 bé, từ lúc cấn bầu đến ngày sinh đều có nguy cơ, nhưng BS Thịnh đành "đu theo" để cùng đón các bé chào đời. Đến nay, các em bé của ca sinh năm này đã học lớp 4.
Đó chỉ là một trong hàng nghìn ca hiếm muộn được BS Thịnh can thiệp thành công. Anh tiết lộ, "mát tay" trong điều trị hiếm muộn, giỏi tay nghề chỉ là một yếu tố, quan trọng hơn là trong quá trình làm việc là lắng nghe tâm tư, trò chuyện, cởi bỏ áp lực tâm lý cho những người khó có con.
BS Cao Hữu Thịnh đùa: "Người đàn ông duy nhất làm cho nhiều cô vợ người ta có bầu nhất mà còn được mấy ông chồng cảm ơn, đó là nghề bác sĩ trị hiếm muộn đó mọi người. Đừng nghĩ bậy, tội anh!".
Bác sĩ hiếm muộn "siêu hot" trên mạng xã hội
Một tuần của BS Thịnh gần như không có ngày nghỉ, cả công việc phòng khám và bệnh viện đều bận, nhưng anh vẫn dành thời gian nhất định để… chơi mạng xã hội. BS chăm chỉ post bài "feedback" của các thai phụ, sản phụ, "khoe" thành quả can thiệp hiếm muộn thành công, kể chuyện công việc thường ngày… trên Facebook.
Anh cũng thường đăng các clip tư vấn, trò chuyện với chị em đến khám, lâu lâu còn làm cả clip tình huống nghề y đăng trên TikTok. Trang cá nhân của BS Thịnh trên các nền tảng đều có lượt theo dõi lớn, khoảng 700.000 - 800.000 flowers, bài đăng nào cũng thu hút tương tác lớn. Anh cũng nhiệt tình trả lời bình luận, giải đáp thắc mắc của mọi người.
Ngoài làm việc tại BV, BS Thịnh cũng có phòng khám sản khoa.
Cũng có lần, BS Thịnh bị gán với biệt danh "bác sĩ TikTok", ý nói anh mải quảng cáo chứ không tập trung vào chuyên môn, chỉ nổi tiếng trên mạng. Đáp lại những nhận xét đó, BS Thịnh phân trần, anh không cần câu like hay kiếm tiếng tăm, mà chỉ muốn những trang cá nhân của mình là nơi để hội bỉm sữa, đặc biệt là hội hiếm muộn, mong con được nhận năng lượng tích cực và có thêm niềm tin.
Nguồn cơn là bởi BS Thịnh cho rằng, anh điều trị người bệnh trước rồi mới điều trị bệnh. Những người bị hiếm muộn lâu năm thường chất chứa nhiều tâm sự, không thể thổ lộ cùng ai.
Gặp BS Thịnh, họ cảm thấy được vỗ về, không phán xét nên kể đủ thứ chuyện cho nghe. Từ đó, BS nắm bắt được hoàn cảnh, cách ăn uống, sinh hoạt vợ chồng… từng trường hợp để có phương pháp điều trị phù hợp.
Những câu chuyện hiếm muộn được bệnh nhân kể ra, khi lan tỏa với cộng đổng cũng là để tìm sự đồng cảm. Người có con tự nhiên sẽ "nhào dzô" an ủi, "nhả vía"; người đang tìm con hoặc đã có con nhờ khoa học sẽ động viên, tiếp sức… Những chị em hiếm muộn sẽ tìm thấy cộng đồng của mình.
Gắn bó với nghề y từ nỗi đau mất mẹ
BS Thịnh đã theo nghề sản khoa được 20 năm. Anh tiết lộ, anh chọn nghề y là bởi lời hứa với người mẹ quá cố của mình. Khi anh đang học lớp 10, mẹ anh bị ung thư cổ tử cung. Trước khi mất, bà nhắn nhủ anh nên theo ngành y để chữa bệnh cứu người.
Thi đại học, BS Thịnh đậu một lúc ba trường đại học: Bách khoa, Luật, Y Dược TP.HCM và quyết định chọn ngành y. Học y xong, anh thực tập ở khoa sản. Thấy anh mổ xẻ khéo, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Từ Dũ) đã tạo điều kiện cho anh sang Pháp du học 2 năm về phẫu thuật thẩm mỹ.
Trở về Việt Nam, anh cũng có cơ hội làm chuyên về thẩm mỹ nhưng vẫn không muốn từ bỏ sản khoa. Cuối cùng, anh lại quyết định trở thành bác sĩ của chị em, vì nhớ lời mẹ. "Mẹ tôi dặn học y để giúp bệnh nhân. Làm thẩm mỹ có nhiều tiền, cũng vui nhưng chỉ làm đẹp thôi, chứ không trị bệnh, không giúp được gì nhiều. Còn làm sản giúp được nhiều người, nên tôi không bao giờ bỏ sản.
Vả lại, sản là kết thúc một vòng liên hoàn của bệnh nhân, từ hiếm muộn - có thai - dưỡng thai - sinh con, ai cũng bảo mình ‘ráng giúp luôn khúc cuối’, nên mình đâu bỏ khâu sản được", BS Thịnh cho hay.
BS Thịnh có chuyên môn PTTM và sản khoa, nhưng được nhớ đến nhờ can thiệp hiếm muộn.
Ngoài 40 tuổi, BS Thịnh vẫn đang lẻ bóng. Nhiều người hâm mộ, các bệnh nhân cũ cũng hỏi thăm, mai mối, nhưng BS tài hoa này chưa tìm được ai để gắn bó. Bởi công việc quá bận. Chỉ tính riêng phòng mạch, mỗi ca chiều anh khám cho khoảng 70 phụ nữ với những hoàn cảnh, bệnh sử... khác nhau, rồi công việc can thiệp cũng bù đầu.
Không có thời gian hẹn hò, cũng không có thời gian xài tiền, nhiều khi chủ nhật (đáng lẽ là ngày nghỉ), BS Thịnh cũng phải làm việc, vì tới ngày tới giờ làm thủ thuật, không làm là qua giai đoạn vàng. Anh hay đùa với các chị em hiếm muộn: "Anh chiều mấy em quá nên mấy em ráng có bầu cho anh vui nha!", để họ cười, và cũng để tự giúp mình vượt qua áp lực công việc.
BS nổi tiếng trên TikTok có sự nghiệp đáng chú ý ngoài đời.