Trên các trang mạng xã hội cộng đồng như Quora hay Reddit, có rất nhiều câu hỏi liên quan đến chủ đề bạo lực gia đình. Những câu chuyện thường bắt đầu như thế này.
“Tôi có thể kiện mẹ tôi vì bạo hành tinh thần hay không? Tôi có đủ bằng chứng”
“Làm sao để tôi thoát khỏi gia đình mình? Tôi 16 tuổi và là nạn nhân của bạo lực gia đình”.
Tín hiệu tích cực là, mạng xã hội cho người trẻ cơ hội tìm sự giúp đỡ và lời khuyên từ cộng đồng. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, còn rất nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình - đang phải trải qua bạo lực hay sống với những sang chấn tâm lý của thời thơ ấu, vẫn đang mắc kẹt trong những gia đình thay thế tình yêu bằng bạo lực.
Năm 2019, người đàn ông 27 tuổi đến từ Ấn Độ Raphael Samuel quyết định kiện cha mẹ vì đã sinh ra mình. Vụ kiện không chỉ là một vấn đề dân sự. Nó trở thành một vấn đề triết học khi chúng ta không thể tự quyết được sự tồn tại của mình. Sự phi lý của vụ kiện trong mắt nhiều người không chỉ nằm ở việc chúng ta coi sinh ra đời là chuyện ngẫu nhiên. Người ta ngạc nhiên hơn vì câu chuyện con đi kiện cha mẹ, một điều hoàn toàn không tồn tại trong quan điểm truyền thống của người Á Đông. Trên thực tế, vấn đề kiện cha mẹ hoàn toàn được ghi nhận trong luật pháp một số quốc gia phương Tây như Mỹ. Nếu một người giám hộ hoặc cha mẹ có hành vi bạo hành, bạn có quyền khởi kiện người giám hộ của mình.
Câu chuyện kiện cha mẹ vẫn sẽ còn là một điều gì đó xa vời và dĩ nhiên không ai mong muốn điều đó. Nhưng nó cũng khiến mỗi người trẻ nghĩ về việc, mỗi đứa trẻ có quyền mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc cả về thể chất và tinh thần được pháp luật bảo vệ.
Hoặc chí ít, các em có quyền nói lên tiếng lòng của bản thân khi những tổn thương các em đeo mang suốt cuộc đời do chính cha mẹ gây nên.
Có những đứa trẻ dùng ký ức tuổi thơ để chữa lành cuộc đời; và có những đứa trẻ, dành cả cuộc đời để chữa lành nỗi đau của tuổi thơ.
Người Việt Nam có câu, nước mắt chảy xuôi chứ bao giờ chảy ngược, ngụ ý rằng chỉ có ba mẹ mới thương yêu con cái vô điều kiện, dành tất cả những điều tốt nhất cho con, chứ lũ trẻ rồi sẽ trưởng thành đâu mấy đoái hoài tới ba mẹ. Nhưng hãy công bằng với những đứa trẻ; “nước mắt chảy xuôi” cũng là giọt nước mắt của con cái vì những tổn thương từ bạo lực gia đình ba mẹ gây nên, chứ có bao giờ “nước mắt chảy ngược” khi con cái được quyền lên tiếng vì những nỗi đau chất chứa suốt nhiều năm.
Đằng sau những ông bố bà mẹ không thừa nhận hành vi bạo lực lên con cái là một cộng đồng ủng hộ họ. Một đứa trẻ dám nói lên những tổn thương của bản thân là một đứa trẻ can đảm khi em không chỉ dám đi đến tận cùng nỗi đau của bản thân mà còn chấp nhận những điều tiếng từ dư luận. Những tổn thương nói ra thành lời được coi là bất hiếu. Những người làm cha làm mẹ chấp nhận nhìn một đứa trẻ ôm nỗi đau của bản thân hay dành cả cuộc đời để chữa lành nhưng không chấp nhận việc phải tự soi vào sai lầm của bản thân.
Phụ huynh vẫn hay ôm con mình vào lòng và thủ thỉ, rằng nếu có việc gì khó khăn trong cuộc sống hãy tâm sự với bố mẹ như những người bạn, hoặc chí ít như một người con có thể tin tưởng. Để con cái tin tưởng cần một mối quan hệ tôn trọng, công bằng từ hai phía. Vậy một đứa trẻ không thể tìm lại công bằng cho bản thân sau những năm tháng đòn roi và bạo lực?
Thực ra, cũng không có công bằng nào được thực thi; toà án không xét xử hành vi qua ký ức của nạn nhân. May ra, chỉ có toà án lương tâm của những ông bố bà mẹ đã từng bạo hành con cái, nếu còn chút lương tri sẽ thấy ăn năn và day dứt. Nói về những tổn thương, đứa trẻ không mong rằng ba mẹ sẽ phải chịu trừng phạt nào từ ai cả - không ai mong muốn gây tổn thương ngược lại cho những người khác tổn thương mình. Với các em, có lẽ đó là một hành trình để chữa lành cho bản thân và gạt lại quá khứ phía sau.
Theo tiến sĩ Andrea Brandt - chuyên gia trị liệu tâm lý gia đình và hôn nhân tại Santa Monica Mỹ, để chữa lành những tổn thương trong một người trưởng thành với tuổi thơ bị bạo hành sẽ cần đi qua 9 giai đoạn. Trước khi đến được giai đoạn cuối cùng là “let it go” (tạm dịch: Gạt lại quá khứ), mỗi người mang những tổn thương cần thực hiện bước số 8 là chia sẻ câu chuyện của bản thân. Trong thực hành tâm lý trị liệu, chia sẻ là điều quan trọng luôn được coi trọng. Tiến sĩ Andrea cũng cho biết mỗi người nên miêu tả những gì đã xảy ra khi vết thương bắt đầu hình thành, cảm xúc và phản ứng của bản thân ở thời điểm đó, cũng như cảm xúc của bản thân ở hiện tại.
“Nói hoặc viết về những trải nghiệm và cảm xúc là bước quan trọng trong việc chữa lành, bạn có thể viết thư gửi đến những người đã từng làm tổn thương bạn (hoặc có thể không gửi) cũng là một cách hiệu quả để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực”.
Một đứa trẻ trút bày những nỗi niềm của bản thân không đồng nghĩa với việc các em bớt yêu thương cha mẹ, bớt kính trọng cha mẹ hay là một đứa trẻ bất hiếu. Thay vì nghĩ về những điều cha mẹ cảm nhận, hãy quan tâm đến hành trình tự chữa lành những vết thương trong mỗi đứa trẻ nhiều hơn. Một đứa trẻ bắt đầu hành trình làm con cũng là khi một người trưởng thành bắt đầu hành trình làm cha mẹ; cả hai đều bỡ ngỡ, lúng túng và không biết bắt đầu từ đâu.
Đôi khi, bài học làm cha mẹ cho cha mẹ đến từ chính những đứa trẻ. Thay vì đón nhận những chia sẻ của con như một hành động bất hiếu, hãy đón nhận nó như một bài học cho bản thân. Biết đâu trong cuộc sống, chúng ta sẽ trở thành cha mẹ lần hai, lần ba. Hoặc nếu không, đó cũng là những bài học quan trọng cho mỗi người trưởng thành trên con đường làm người.