Nhắc đến người khuyết tật, hẳn trong lòng mỗi người đều có sự dè dặt nhất định, có thể vì sự khác biệt về ngoại hình của họ, có thể e ngại sẽ vô tình làm họ tổn thương. Nhưng nếu có thời gian trò chuyện, tiếp xúc và tâm sự với họ, bạn sẽ nhận thấy chính những người được xem là "cần giúp đỡ" này lại lan tỏa một năng lượng tích cực. Thậm chí họ còn sở hữu sức mạnh lớn đến nỗi giúp đỡ ngược lại nhiều người bình thường.
Đây cũng chính là lý do để nhiếp ảnh gia 9X Nhi Ngờ (đang sinh sống ở TP.HCM) và ekip thực hiện bộ ảnh mang tên DISABEAUTY hoặc "This (is) a beauty" - Đây là 1 vẻ đẹp. Bộ ảnh chụp 19 bạn trẻ là người khuyết tật, được thực hiện trong vòng 2 tháng. Sau khi được đăng tải vào ngày 18/4 - Ngày Người khuyết tật Việt Nam, bộ ảnh đã nhận về rất nhiều sự hưởng ứng tích cực của cư dân mạng.
Kể về ý tưởng cũng như thông điệp của bộ ảnh Nhi Ngờ cho biết: "Khi còn là sinh viên mình vô tình được biết và đi chơi với nhóm các anh chị thuộc cộng đồng người khuyết tật. Trong đó có hai người đã làm thay đổi nhận thức của mình, một trong hai người đã tạo ra cú hích khiến mình từ thích chữ chuyển sang thích hình. Mình nhận thấy giá trị của một cá nhân được đám đông xem là 'cần giúp đỡ' thực ra lại có nguồn năng lượng lớn mạnh đến mức có thể giúp ngược lại mình".
Giải thích rõ hơn về bộ ảnh, Nhi Ngờ dùng hình tượng thực vật, cây cỏ vì với cô đó là hình ảnh mạnh nhất khi muốn nói về sức sống. "Ở 1 thế giới điêu tàn của Wall-E (Rô-bốt biết yêu), chỉ 1 mầm cây xanh mọc lên trên cằn cỗi cũng đủ thắp lên hy vọng thay đổi thế giới. Ở thực tại, những người thuộc cộng đồng này đã lựa chọn niềm vui, sự tích cực và sẵn sàng truyền cho người đối diện năng lượng mà họ đã gom bồi trong suốt chặng đường chiến đấu và chấp nhận. Họ thực sự không khác gì một tán cây, một thảm thực vật tươi mát mọc trên đất hoang cằn cỗi, bề ngoài xanh mát với sức mạnh lớn bên trong".
Tạo hình The Mona Lisa được lấy cảm hứng từ dáng ngồi và thần thái quyền uy của một quý cô, mang tính biểu tượng của hội họa thời đại trước, hợp thức hóa với Ngọc Hiếu, nhân vật đại diện cho nhóm khuyết tật vận động ở chân
Tạo hình tiếp theo là The Roots. Nếu ví sức sống con người tương đồng với sức sống thực vật, việc cành nhánh (được xem là tay) không trải rộng như bao cây khác, có nghĩa là phần rễ của sẽ được vun bồi mạnh mẽ và vững chãi để trụ vững hơn các loại cây khác. Hình ảnh được hợp thức hóa với Ngọc Nhứt, nhân vật đại diện cho nhóm khuyết tật vận động ở tay
Tạo hình thứ 3 là The Sounds Garden - sự nở rộ ở khu vườn âm thanh với cây hoa trên đỉnh gần giống hoa loa kèn. Nấm hoàng kim vắt lên tai nhằm khuếch đại ẩn dụ cho thính giác và xúc giác sẽ được phát triển mạnh mẽ với nhóm người khuyết tật giác quan ở thị giác được kết hợp cùng em Thanh Thuỳ
"Dự án này là một lời tri ân mà mình gửi đến những bạn trong cộng đồng người khuyết tật. Các bạn sẽ không thể biết được năng lượng nội tại của mình sẽ đủ mạnh mẽ đến nỗi có thể chạm gõ một ước mơ lãng quên của ai đó hoặc khiến ai đó có thể thấy được quan tâm và giúp đỡ" - Nhi Ngờ nói thêm.
Chia sẻ về quá trình thực hiện, nhiếp ảnh gia cho biết cô không gặp nhiều khó khăn vì các nhân vật rất cởi mở và chủ động chia sẻ. Tuy nhiên trong lần gặp mặt đầu tiên, vì cách diễn đạt nội dung chưa khéo nên Nhi vô tình gây hoang mang cho một số bạn. Tuy nhiên sau đó mọi việc đều diễn ra khá suôn sẻ với sự giúp đỡ của các thành viên trong ekip và DRD Vietnam - Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật.
"Hơn hết, giá trị bộ ảnh mang lại đều không được lụy hoá, dễ đi vào lối mòn trong nhận thức. Vì vậy trên hết, vẫn là tạo được niềm tin và sự kết nối, cảm thông từ từng người trong ekip với từng nhân vật được chụp" - Nhi Ngờ tâm sự.
Những hình ảnh khác trong bộ ảnh
Trước DISABEAUTY, Nhi Ngờ cũng được cư dân mạng biết đến với bộ ảnh Oh We Bloom - Và những đóa hoa vẫn luôn nở rộ về các cụ già tại nhà dưỡng lão Vinh Sơn (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Nói về lý do chú ý đến các cộng đồng thiểu số như người khuyết tật, cụ già ở viện dưỡng lão, Nhi bày tỏ: "Vì mình và mình nghĩ không ít người khác thấy được bản thân ở trong hình ảnh của các nhóm cộng đồng này, chỉ là mình chọn việc chuyên môn là chụp ảnh. Thực tế, có rất nhiều cá nhân, tổ chức khác đã đóng góp chuyên môn của mình cho các nhóm cộng đồng này. Ví dụ mình biết được có 1 anh đầu bếp chuyên làm bánh ngọt đã đóng góp chuyên môn của mình và cùng với nhóm bạn khiếm thị cùng nhau mở tiệm bánh nhỏ, có những nghệ sĩ đã đóng góp xây dựng cho cơ sở vật chất của người cao tuổi,… Mình cũng chỉ là 1 trong số đó thôi".
Ảnh: Nhi Ngờ