Buổi họp lớp sau 20 năm giúp tôi nhận ra 5 nguyên tắc quan trọng quyết định sự thành bại của một người

Một buổi họp lớp không đơn giản là để hồi tưởng lại thanh xuân hay cảm thán sự vô tình của thời gian và lòng người, mà nhân đó, ta còn có thể hiểu được rất nhiều bài học về hiện thực.

Buổi họp lớp gặp lại bạn bè cũ sau 20 năm khiến tôi vô cùng hào hứng. Trong đó, tôi có thể quan sát những người bạn cùng mình trưởng thành. Chúng tôi đã thay đổi ra sao sau 20 năm học chung một người thầy, dưới một mái trường? Lý do nào lại khiến có người trở nên thành đạt, người khác lại trì trệ?

Trong một buổi họp lớp như thế, bạn cũ gặp lại nhau, lúc nào cũng sẽ diễn ra cảnh bạn bè tự so sánh với nhau rồi kẻ cười, người than vãn. Bởi lẽ không phải ai cũng chấp nhận được sự thật những người năm ấy từng ngồi cùng một lớp học với mình mà gần 20 năm qua đi, sự chênh lệch giữa cả hai lại càng ngày càng lớn, đến mức coi là khác nhau một trời một vực cũng không ngoa.

Buổi họp lớp sau 20 năm giúp tôi nhận ra 5 nguyên tắc quan trọng quyết định sự thành bại của một người - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

15-20 năm trôi qua, đường đời mỗi người mỗi khác. Sự thay đổi có đôi khi khiến người ta cảm xúc lẫn lộn.

Bạn A là lớp trưởng, một người luôn nghiêm khắc với bản thân và có tinh thần trách nhiệm với mọi người xung quanh, Dù chăm chỉ học tập nhưng A chỉ đỗ vào một trường đại học trung bình. Hơn 20 năm không có tin tức, tôi lại nhận ra A qua một bài viết về một nhân vật nổi tiếng được đăng trên mạng, lúc bấy giờ A đang làm giám đốc điều hành của một công ty đa quốc gia.

Bạn B cũng không phải là học sinh có học lực xuất sắc, thế nên chỉ đỗ vào trường đại học trung bình. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì một mối tình tan vỡ, B đã đi học thêm chứng chỉ kế toán và tiếng Anh để giết thời gian. Sau này dù không ra nước ngoài du học theo dự định ban đầu nhưng B đã trở thành giám đốc tài chính của một công ty lọt top 500 công ty hàng đầu thế giới.

Bạn C thời đi học cũng không có thành tích nào quá nổi bật, ngoại trừ môn Ngữ Văn. C đỗ vào một trường đại học tầm trung và sau đó làm việc trong một cơ quan báo chí ở Quảng Châu. Hiện tại bạn C đang giữ chức phó giám đốc của một công ty về xuất bản sách được định giá vài tỷ tệ.

Những người bạn mà tôi kể trên kỳ thực không ai có thành tích học tập quá xuất sắc, nhưng họ đã trở nên thành công và ở vị trí mà nhiều người ngưỡng mộ. Gặp lại những người bạn thành công sau 20 năm đã khiến tôi chợt nhận ra một vài quy tắc của cuộc đời sau khi rời khỏi ghế nhà trường.

1. Cuộc đời không chỉ có một hướng đi, điểm xuất phát không quyết định tất cả

Người học trường tiểu học danh tiếng chưa chắc đã học cấp 2 tốt, người học trường cấp 2 tốt chưa chắc học giỏi ở cấp 3. Và người học giỏi ở cấp 3 chưa chắc học giỏi ở đại học.

Lớp chúng tôi năm đó có 40 người nhưng chỉ có 30 người đỗ đại học. Trong số 30 người đó lại có người đỗ vào các trường đại học trọng điểm và danh tiếng. Số trượt còn lại thì học ở các trường nghề hoặc học trung cấp. Giữa chúng tôi lúc đó có xuất phát điểm rất khác nhau.

Buổi họp lớp sau 20 năm giúp tôi nhận ra 5 nguyên tắc quan trọng quyết định sự thành bại của một người - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Nhưng ở tuổi 40 tuổi, tôi thấy rằng sự chênh lệch số phận không lớn. Ít nhất là, không lớn bằng sự chênh lệch điểm số của kỳ thi đại học năm xưa.

Khi tuyến thời gian của chúng ta càng kéo dài, những thành tựu tạm thời trong kỳ thi tuyển sinh đại học đã không còn là cơ sở để xác định đích đến cuối cùng của một người.

2. Yếu tố quyết định thành bại không nằm ở điểm số các môn thi

Sau khi Kha Khiết - kỳ thủ cờ vây số 1 người Trung Quốc nhiều lần bị đánh bại bởi trí thông minh nhân tạo mang tên AlphaGo của Google đã khiến nhiều người nhận ra rằng: "Những năng lực có thể bị máy móc hay trí tuệ nhân tạo thay thế và đánh bại đều là những năng lực không đáng để rèn luyện".

Nếu chỉ chú trọng vào những kỳ thi hay những bài kiểm tra, đồng thời lấy đó làm thước đo năng lực của một học sinh thì sẽ không thể nào đánh giá được toàn bộ tiềm năng cũng như những ưu điểm, năng khiếu của em học sinh đó. Chính vì vậy, yếu tố quyết định sự thành bại trong tương lai của các em không hoàn toàn nằm ở điểm số của hiện tại.

3. Không có thành công nào là tuyệt đối và mỗi người có một định nghĩa khác nhau về hạnh phúc

Sau 20 năm ra trường, bạn sẽ nhận ra rằng những người bạn học chung lớp mà bạn ghen tị hay ghét cay ghét đăng năm xưa thực ra không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn hiện tại, hay người bạn mà bản thân từng tôn thờ, ngưỡng mộ năm xưa có cuộc sống cũng tương tự như bạn mà thôi. Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, và chúng ta cũng không nên lấy cuộc sống của người khác làm thước đo tiêu chuẩn cho cuộc sống của mình.

Buổi họp lớp sau 20 năm giúp tôi nhận ra 5 nguyên tắc quan trọng quyết định sự thành bại của một người - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cuộc sống ồn ào, chức vụ sang hèn, thu nhập thấp cao, hôn nhân buồn vui, con cái ngoan hư, điều gì cũng có thể khiến chúng ta phải đau đầu. Vì đuổi theo tiêu chuẩn của xã hội, chúng ta luôn phải sống sao cho tốt hơn hàng xóm, nổi tiếng hơn đồng nghiệp, giàu có hơn họ hàng.

Có lẽ các bạn đã quên mất một điều: Thế giới này là của riêng bạn, không hề liên quan đến ai khác. Chỉ cần tập trung sống cuộc đời của mình, làm tốt mục tiêu của mình thì sẽ có thành công theo hệ quy chiếu của riêng mình.

4. Mối quan hệ gia đình tốt đẹp là sự đầu tư tốt nhất cho tương lai của con cái

Trong số các bạn cùng lớp của tôi, một số người phải sống trong tình cảnh gia đình khá tồi tệ. Đó là những bạn phải lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, cha mẹ bất hòa, cãi nhau, thậm chí ly hôn.

Sau khi trưởng thành, họ sẽ mang kiểu sống này áp dụng lên đời con cái của mình, thậm chí có người vì quá mất niềm tin vào hôn nhân mà không lập gia đình.

Một số bạn chọn làm mẹ đơn thân, luôn gieo rắc vào đầu con về việc "thiếu lòng tin vào đàn ông" khiến không chỉ người bạn đó mà những đứa trẻ cũng có cái nhìn đời đầy tiêu cực. Sự nghiệp dù có thành công đến đâu mà đời sống hôn nhân, gia đình lục đục thì cũng khó đạt được hạnh phúc trọn vẹn.

Vì vậy, điều quan trọng để đầu tư cho tương lai con cái chính là mối quan hệ hạnh phúc với người bạn đời, xây dựng gia đình hòa thuận, làm tiền đề phát triển cho con cái sau này.

5. Sống một cuộc đời "cầm bản đồ" của người khác, cái giá phải trả là rất cao

Trong đám bạn học của tôi có một bạn rất xinh đẹp, được xem là "hot girl" của lớp. Bạn ấy được gả vào một gia đình giàu có từ sớm và ai cũng đinh ninh rằng bạn là người sung sướng nhất hội. Nhưng liệu bạn có tưởng tượng được 15 năm sau, bạn gái này sẽ chọn cách ly hôn, từ biệt gia đình, trở thành mẹ đơn thân nuôi con?

Buổi họp lớp sau 20 năm giúp tôi nhận ra 5 nguyên tắc quan trọng quyết định sự thành bại của một người - Ảnh 4.

Nếu ngay từ đầu bạn ấy chọn ở bên tình yêu đích thực của mình, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình thì có lẽ 15 năm sau, sự tình đã không đến mức này.

Qua đây, tôi chợt nhận ra rằng: Chúng ta chỉ sống một lần trong đời, thế nên nếu cứ mãi chạy theo tiêu chuẩn của xã hội mà bỏ quên mất cuộc đời ý nghĩa, đam mê thực sự của mình thì sau này sẽ cảm thấy hối tiếc và đánh đổi bởi một cái giá rất cao.

Họp lớp là dịp để chúng ta lấy nhau làm gương, lấy nhau làm động lực, đồng thời thấu hiểu hơn sự thiên biến vạn hóa của cuộc đời. Nhất định phải tham gia buổi họp lớp sau 20 năm rời xa mái trường, bởi vì khi ấy, bạn sẽ thấy, người kiên trì với ước mơ của mình và người cứ để nước chảy bèo trôi sẽ trải qua những cuộc đời khác nhau như thế nào.