Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa”

Sau mùa giải KOC Vietnam đầy kịch tính vào năm ngoái, Call Me Duy đã tiến đến năm 2023 thật sự “điên rồ” khi sự nghiệp của anh chàng ngày càng mở rộng và phát triển ngoài sức tưởng tượng.

Với thành tích ấn tượng trong sân chơi KOC Vietnam 2022, Call Me Duy (tên thật Vũ Duy) một lần nữa khẳng định được cái tên của mình không chỉ nổi bật trong ngành review làm đẹp mà còn trong mảng KOC. Kể từ thời điểm đó, khán giả ít nhiều thấy được sự chăm chỉ cùng nhiều lần đột phá của anh chàng. Từ lĩnh vực sở trường như livestream hay beauty blogger, đến các lĩnh vực mới mẻ như thời trang, diễn giả thì Duy vẫn đang “thích là làm, mà làm là phải tới”.

Chứng kiến những gì Call Me Duy làm được trong năm nay, từ “điên rồ” nghe khá dữ dội nhưng lại lột tả được hết hành trình mà anh chàng trải qua. Gặp lại cái tên đình đám trong làng KOC lần này, Duy như một người vừa mới trải qua những ngày tháng tất bật nhưng cũng không kém phần khó khăn, thử thách. Ở bên ngoài, Duy tự nhận mình ít nói và không hối hả” như trên mạng xã hội. Tuy vậy, anh chàng vẫn luôn tràn ngập năng lượng tích cực cũng như sở hữu dáng vẻ của một “người tiên phong”, dám nghĩ dám làm để đạt được ước mơ và đam mê. Hiện nay, nhiều “rising KOC” cũng đang vươn mình mạnh mẽ để chứng tỏ khả năng của mình như Call Me Duy đã từng làm, đặc biệt là thế hệ Z. Hãy gửi về cái tên KOC mà bạn ấn tượng nhất trong năm qua tại cổng đề cử của WeChoice Awards 2023. 

Quay trở về buổi trò chuyện với Duy, chúng tôi đã cho anh chàng chọn 7 con số. Những con số đó ứng với những chủ đề hay tính từ liên quan mật thiết đến Call Me Duy trong năm 2023 đầy biến động. Thật tình cờ, những con số này đã lột tả hết những bộc bạch, nghĩ suy của anh chàng sau khi trở về Việt Nam vào cuối năm.

Trong vô số kinh nghiệm mà bạn đã học hỏi và trải qua từ khi vào nghề đến bây giờ, có câu chuyện hay trường hợp đúng nghĩa là “kinh nghiệm xương máu” chưa? Mất khoảng bao lâu thì bạn mới tích lũy được kinh nghiệm làm việc hiệu quả cho bản thân mình?

Một trong những kinh nghiệm lớn nhất của mình chính là câu chuyện làm việc với nhãn hàng, phải thật kỹ càng và rõ ràng. Phải thực sự biết người quản lý, founder là ai chứ không chỉ nhìn giấy tờ mà làm việc. Đây là một bí quyết mình chắt lọc được khi trò chuyện cùng những người quản lý, họ rất giỏi và có thể tư vấn cho mình. Còn nếu chỉ làm việc thông qua văn bản thì khi có mâu thuẫn, tranh cãi gì xảy ra thì họ “im lặng” luôn. Ngày mới vào nghề, Duy chỉ kiểm tra hoặc bàn công việc qua Zalo, email thôi còn bây giờ là phải gặp, gặp ở ngoài mới được.

Vì từ trước đến giờ, Duy có suy nghĩ rằng sản phẩm tốt quan trọng hơn là đội ngũ đứng sau, khi sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ tự “speak out” về nó. Nhưng người ta lại quan tâm đến vấn đề chăm sóc khách hàng nhiều hơn, nghĩa là cách nhãn hàng “chăm lo", giải quyết vấn đề cho người tiêu dùng. Nên Duy đã thay đổi hết bộ máy làm việc, nhãn hàng hàng muốn hợp tác thì mình “bắt” họ gặp mặt trực tiếp từ quản lý đến cả giám đốc marketing. Ví dụ, sản phẩm nào càng khoa học thì mình lại càng muốn gặp những người đứng sau đó. Họ trả lời được câu hỏi cụ thể từ Duy, thấy được tầm nhìn hay sản phẩm có thực sự phù hợp với tiêu chí bản thân thì mình mới bắt đầu làm việc.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 1.

Nhắc đến KOC hay livestream thì mọi người đều nghĩ đến một từ khoá, đó chính là “năng lượng”. Mọi người luôn cảm nhận được nguồn năng lượng mà các bạn tỏa ra cho người xem, vậy làm sao mà Duy giữ vững và duy trì được tinh thần đó?

Sở hữu mức năng lượng cao như một tiêu chí nghề nghiệp của ngành này vậy. Tại sao người ta có thể nói chuyện liên tục, bền bỉ suốt mấy tiếng nhưng lại không đuối sức? Đó là câu hỏi mà công chúng đặt ra với những người làm nghề như Duy. Lúc trước mình cũng thầm nhủ với bản thân rằng phải ráng thêm chút nữa, giữ thái độ chuyên nghiệp để tiến xa hơn với nghề. Có nhiều phiên livestream mình rất buồn ngủ và phải dùng liên tục cà phê đen để tỉnh táo. Khi đó Duy mới nhận ra rằng, mình không thể giữ năng lượng, cao hứng như vậy hoài được.

Đúc kết từ bài học đó, mình quyết định “thiết kế” lại quy trình giữ năng lượng trên live. Từ cách chuẩn bị ekip hô giá, khẩu hiệu ở bên ngoài đến thời lượng diễn ra từng sự kiện cũng bắt đầu có công thức. Cụ thể, mình sẽ chia ra từng nhịp một, nhịp nói sản phẩm này ra sao, nhịp la lớn giá sẽ như thế nào, khi mệt quá thì cần những “deal 1k” chen ngang hay minigame giải trí. Mọi thứ được phân bổ đều đặn, cứ 30 phút sẽ quay lại cùng một kịch bản để mình giữ được năng lượng nhất định. Và để có những kịch bản quý giá đó thì Duy đã phải thử nghiệm rất nhiều lần.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 2.

Đến khi ra nước ngoài, công thức này lại còn dễ dàng hơn nữa khi họ áp dụng công nghệ cực kỳ tân tiến cho phiên livestream của mình. Nếu bạn không có giọng nói tốt nhất thì có thể dùng AI để hỗ trợ, nếu không kịp makeup thì chỉ cần đánh nền thôi, những chi tiết khác như son môi, kẻ mắt, chân mày sẽ có “filter” lo hết. Ngoài ra, tính năng của các nền tảng đó còn tiện lợi đến mức chỉ đưa sản phẩm lên màn hình thì giá được hiện lên ngay lập tức, không cần thiết phải nói lia lịa. Hay nhiều chức năng khác như bình chọn, thảo luận cũng trợ giúp cho những người livestream rất nhiều. Đó là một thứ mình cảm thấy ngưỡng mộ và học hỏi được rất nhiều khi tiến ra thị trường nước ngoài.

Khi làm công việc này, chắc chắn là thời gian của Duy sẽ bị xáo trộn và xảy ra vấn đề hằng ngày. Hơn nữa, Duy còn là người dẫn dắt và truyền đạt cho các bạn trong công ty của mình. Thế thì bạn phải có một nguyên tắc nhất định phải không? Kiểu lúc nào cũng giữ vững nó để mọi việc trơn tru hơn?

Đúng rồi, Duy luôn đặt ra cho mình hai nguyên tắc khi làm công việc mang tính đặc thù này.

Nguyên tắc thứ nhất, Duy luôn sẵn sàng mọi nơi mọi lúc, luôn xuất hiện chỉn chu nhất có thể. Tức là 7 giờ mình ra sân bay thì 4 giờ Duy đã dậy và chuẩn bị xong xuôi hết rồi, cố gắng để mình không “bê tha” mà phải thật chuyên nghiệp, đẹp đẽ. Nếu mình có mệt mỏi hay căng thẳng thì người ta nhìn giao diện của mình lung linh thì sẽ hài lòng hơn. Bởi thế nên góc “get ready” tại nhà Duy còn to hơn giường ngủ của mình luôn. Đây cũng là nguyên tắc để duy trì được “lifestyle” về làm đẹp - thời trang.

Còn nguyên tắc thứ hai trong công việc chính là khi làm gì, dù nhỏ hay lớn, đã nhận thì sẽ bỏ toàn tâm toàn sức để làm. Mình luôn là người như vậy, đúng giờ, đúng timeline, đúng con người, đúng hoàn cảnh. Dù việc đó có lợi cho mình hay không nhưng khi gật đầu với người ta rồi thì mọi nguồn lực của Duy sẽ dồn vào chuyện đấy, làm cho thật tử tế chứ không được nửa vời. Để thực hiện được nguyên tắc này, Duy đánh đổi bằng nhiều lời bàn tán về mình rằng chảnh choẹ hay khó chịu. Nhưng nó lại đúng với quan niệm của Duy, mình làm không tới người ta cũng khó chịu nên tốt nhất là từ chối ngay từ đầu để không mất thời gian cho đôi bên.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 3.

Vậy ngoài kỹ năng nói lời từ chối như bạn đã nhắc đến, thì có một kỹ năng nào mà Duy đã đạt tới trình độ thượng thừa, “nhắm mắt cũng làm được” hay chưa?

Có chứ. Tôi luyện qua bao nhiêu năm cho đến bây giờ, Duy chỉ cần nhìn sản phẩm là biết được tên, thành phần hay công dụng của nó. Nhìn thêm kết cấu sơ sơ thì biết được luôn tác động của nó lên da, thậm chí là nồng độ hoạt chất trong đó. Điển hình nhất là câu chuyện Duy đoán được serum đó sẽ là “niacinamide” bao nhiêu phần trăm mà không cần nhìn nhãn chai. Hay kem chống nắng thì sẽ nhận ra đó là hoá học hay vật lý, màng lọc châu Âu hay châu Á. Bước vào Sephora hay Olive Young là Duy chỉ cần quét qua một lát là biết sản phẩm nào dành cho da gì, như cuốn từ điển chạy trong đầu vậy.

Hoặc đi sự kiện, Duy có thể nhận ra bạn thuyết trình đang nói đúng hay sai, thông tin nào khách sạn thật sự muốn biết hay thông tin nào chỉ là marketing thôi. Đó là những thứ thuộc về kỹ năng khi mình đã trải nghiệm qua quá nhiều rồi. Nên khi livestream, mình đỡ “nặng đầu” hơn những bạn khác khi vừa cầm sản phẩm là mình nói được liền, không cần kiểm tra bảng thành phần hay dẫn dụ khách hàng bằng thứ gì đó.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 4.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày bạn bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi KOC Vietnam 2022, khi nhìn lại hành trình mình đã chinh phục trong một năm qua thì bạn cảm thấy sao về bản thân mình? Tự tin hơn hay cần cố gắng hơn?

KOC Vietnam là một cột mốc quan trọng cũng như là bệ phóng để Duy thực hiện những gì mơ ước, khát khao trong sự nghiệp. Như mong muốn được ra nước ngoài để thấy sự phát triển của công việc sáng tạo nội dung hay livestream, và cái tên Call Me Duy đã được nhiều nhãn hàng lớn tin tưởng lựa chọn. Nhờ quá trình tham cuộc thi mà Duy học thêm nhiều kỹ năng như giải quyết vấn đề, bình tĩnh để xử lý mọi chuyện chứ không hoảng loạn như trước đây. Khi có vấn đề gì thì Duy không buồn bã, đau đầu về nó mà chỉ tập trung giải quyết như thế nào thôi. Khi mình suy nghĩ ra được rồi thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết trong tích tắc, từ đó mà Duy cứ làm những gì mình muốn mà chẳng cần sợ hãi điều gì.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 5.

Có thể thấy, Duy đã phải đánh đổi nhiều, cả thời gian và thói quen để phục vụ công việc nhỉ?

Ngày xưa, giọng mình như chim sẻ vậy đó, thánh thót quá trời mà giờ nói nhiều quá nên nó trầm hẳn luôn, nên đầu tiên là phải giảm thiểu giờ live lại. Giờ có thời gian Duy sẽ học thêm để lấy kiến thức cho bản thân, như đang học thêm ngoại ngữ để ra nhiều thị trường hơn nữa. Hay việc phân bổ thời gian vui chơi, tụ tập cũng cũng phải cân đối hết mức thành ra một tháng chỉ đi chơi có 1 lần thôi. Đi du lịch cũng vậy, nói đi chơi nhưng thật ra là đi vẫn phải làm, vẫn phải quay dựng chứ không có phải là nằm ở trên resort rồi chữa lành đâu.

Trong năm nay, Call Me Duy đã làm rất nhiều thứ mới mẻ với sự nghiệp của mình, có cái mới nào mà xảy ra vô cùng đột ngột hay bất ngờ không?

Cái này là dự án Duy đang ấp ủ, nhưng thú vị là ý nghĩ chỉ mới xảy ra trong tháng này thôi mà mình cũng chưa tiết lộ trên mạng xã hội luôn. Đó là suy nghĩ muốn là một “network” riêng mảng livestream. Tuy trước giờ mình luôn được bảo trợ nhưng khao khát muốn làm thứ gì đó riêng cho mình khi nhận ra, Việt Nam chưa có một “MCN” nào tiến ra thị trường quốc tế. Và mình cũng thấy rằng những người làm công việc livestream cũng chưa thật sự hiểu về nó, đôi lúc chỉ làm theo bản năng thôi.

Trước giờ ai nhờ thì Duy sẽ tư vấn để các bạn phát triển thôi nhưng mình lại muốn làm công ty chuyên về livestream thật chuyên nghiệp. Tức là mình nắm được yếu tố công nghệ, yếu tố bán hàng hay thậm chí là giải quyết những vấn đề phát sinh một cách nhanh nhất. Mình đã thấy được những bất cập của nó thì sẽ đứng ra để chinh phục và làm được hơn thế nữa.

Sau khi suy nghĩ rất nhiều, thì chuyện lập ra một nơi để hướng dẫn các bạn trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn làm mình rất quyết tâm. Nhưng trước mắt, Duy phải hoàn thành những việc còn đang dang dở để không phụ lòng những ai luôn quan tâm, hỗ trợ mình. Duy thật sự cảm ơn mọi người rất nhiều.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 6.

Vậy dự án đang ấp ủ đó có phải là một cột mốc để Duy chinh phục trong thời gian tiếp theo?

Có thể nói là vậy, vì trước đây, Duy luôn ấp ủ “phiên live trăm tỷ” nhưng bây giờ thì mình không cần nữa. Mình chỉ cần 10 bạn mấy tỉ cộng lại cũng được 100 tỷ thì nó sẽ thiết thực hơn nhiều (cười). Duy nghĩ cũng đã đến thời điểm chuẩn bị lùi về sau và đào tạo những người tiếp theo làm được như mình. Đương nhiên là Duy vẫn tiếp tục làm KOC, mình nghĩ là có thể sống với nghề đến năm 50 tuổi luôn quá. Nên cột mốc sắp đến sẽ là tập trung khai thác những mảng khác và truyền lại những gì mình có cho những người khác.

Call Me Duy: “Trước đây, mình luôn ấp ủ phiên live trăm tỷ nhưng bây giờ thì không cần nữa” - Ảnh 7.

Nhân dịp KOC mùa 2 đang trong giai đoạn nước rút để tìm xem ai sẽ là quán quân. Với tư cách cựu thí sinh, Duy có cảm xúc gì khi theo dõi chương trình năm nay?

Như Duy đã nói về những bạn trẻ trong ngành này, càng ngày các bạn lại càng tài năng và sở hữu nhiều sự sáng tạo hơn. Nên khi xem video thực hiện thử thách của các thí sinh thì Duy càng khâm phục hơn nữa, nói về độ áp lực thì chắc còn hơn năm ngoái luôn đó. Nhưng chắc chắn, các bạn phải vượt qua những đánh giá khắt khe hay tiêu chí khó nhằn từ master, ban giám khảo thì mới có thể nhận ra giới hạn của bản thân, từ đó chinh phục được ngôi vị quán quân danh giá.

Chủ đề năm nay “Best Version Of Myself” cũng là thông điệp mà Duy rất tâm đắc, hãy luôn phấn đấu để trở thành phiên bản tốt hơn của mình để trở thành người dẫn đầu và chuyên nghiệp hơn. Duy cũng gửi lời chúc may mắn đến tất cả thí sinh của vòng cuối cùng, hãy bình tĩnh và cố hết sức, hết mình luôn nhé!

Khép lại buổi trò chuyện đầy bất ngờ về con người và suy nghĩ của quán quân KOC Vietnam 2022, anh chàng lại nhanh chóng di chuyển để kịp chuẩn bị cho lịch trình làm việc tại thị trường Hàn Quốc. Năng suất làm việc đáng nể này thật ứng với câu nói mà anh chàng đùa với chúng tôi trước khi rời đi: “Duy chưa bao giờ suy nghĩ và chuyện nghỉ hưu hết, số mình là số đi làm hay sao á nên cứ hì hục làm hoài. Tạm biệt mọi người nhé”.

“Vâng, cảm ơn Duy vì buổi trò chuyện ngày hôm nay”.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.

Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 18/12/2023. Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2023, qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.

Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2023.

Thời gian gửi đề cử: ngày 18/12/2023 - 23:59 ngày 07/01/2024.