"Bao nhiêu tiền là đủ sống?" là câu hỏi luôn gây ra nhiều tranh cãi bởi tuỳ thuộc vào lối sống, suy nghĩ và mức thu nhập, mỗi người sẽ đưa ra một quan điểm khác nhau. Hơn nữa, trên thực tế, khái niệm "đủ" dường như khá mơ hồ và không có định lượng chính xác. Chẳng hạn, khi có một khoản đủ để mua một chiếc ô tô, người ta lại mưu cầu có thêm thu nhập để mua được một cái nhà, như vậy mới coi là đủ sống. Thế nhưng, cũng có những người chỉ cần đủ ăn, đủ tiêu và có dư ra một ít tiền để tiết kiệm mỗi tháng, vậy là đủ.
Ngay cả đến các tỷ phú, triệu phú, những người cực kì thành công, thu nhập đáng mơ ao ước cũng đưa ra những con số khác nhau khi bàn về chủ đề này.
Shark Phú: Mỗi gia đình có 100 tỷ là đủ
Shark Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, vị "cá mập" quyền lực tại Shark Tank Việt Nam cho rằng nếu nói về tài sản cá nhân thì chỉ cần tiền đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu như ăn uống, đi lại, nhà cửa. Nếu lớn hơn số đó không có nhiều giá trị cho cá nhân.
Shark Phú từng nói có 100 tỷ đồng thôi là đủ
Cụ thể, Shark Phú từng đưa ra quan điểm gây bão MXH: "Tôi nghĩ một gia đình có 100 tỷ đồng thôi là đầy đủ phục vụ. Lớn hơn 100 tỷ đồng để phục vụ cá nhân thì không còn nhiều giá trị. Tuy nhiên, tiền là vật ngang giá, là phương tiện để ta đạt được mục đích. Nếu ai đó có tham vọng làm thay đổi thế giới, tạo cái gì đó cho thế giới thì lại phải cần rất rất nhiều tiền.
Vậy thì tôi nghĩ tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì. Bởi nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạnh phúc đâu".
Sở dĩ, quan điểm của Shark Phú thu hút nhiều sự chú ý là bởi con số 100 tỷ mà vị doanh nhân này đưa ra là quá lớn so với nhiều người. Bên cạnh đó, nếu những ai không kiếm được số tiền ấy, chẳng lẽ họ sẽ luôn là người thiếu thốn, không đủ sống?
Tuy nhiên, cũng có không ít người đồng tình với Shark Phú. Họ cho rằng, vị "cá mập" đang nói đến kinh tế để phục vụ cá nhân, gia đình. Còn con số 100 tỷ đồng chỉ là một ví dụ về mức độ có thể đủ để có cuộc sống sang chảnh, chi tiêu thoải mái, tận hưởng các dịch vụ cao cấp.
Shark Bình: Tài sản khoảng hơn 230 tỷ là vượt ngưỡng tự do tài chính
Cũng là một trong những vị "cá mập" được nhiều người quan tâm, Shark Bình từng gây tranh cãi khi nói về ngưỡng tự do tài chính. Theo đó, Shark Bình cho biết khao khát hàng đầu của ông không phải trở thành một tỷ phú đô la mà muốn được làm những gì mình thích, đóng góp tích cực cho xã hội.
Shark Bình không đặt mục tiêu trở thành tỷ phú đô la
"Thực ra bây giờ có 1 tỷ đô tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi không biết làm gì với nó bởi vì mình đã vượt qua ngưỡng tự do tài chính từ lâu rồi để mình có thể đi ăn, tiêu, đi du lịch hay mua sắm bất kỳ cái gì cũng được rồi. Tất nhiên trừ những cái quá xa xỉ tầm thế giới thì mình chưa có nhu cầu hoặc chưa nghĩ đến thôi.
Thực ra tôi nghĩ ở Việt Nam ai có tài sản tầm 10 triệu đô (khoảng hơn 230 tỷ) đã là vượt qua ngưỡng tự do tài chính mà không cần nghĩ gì đến tiền nữa rồi. Quan trọng là lúc đó họ sẽ chuyển hóa mục tiêu lên một tầm cao hơn là để lại di sản, công trình gì cho xã hội. Mình đã để lại di sản gì cho xã hội rồi thì 1 tỷ đô hay 100 triệu đô nó chỉ là thước đo về di sản mà mình đã để lại thôi", Shark Bình chia sẻ.
Với quan điểm này, Shark Bình khiến cộng đồng mạng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn cho rằng, số tiền mà vị Chủ tịch Tập đoàn NextTech đưa ra chỉ phù hợp với những ai vốn là đại gia, doanh nhân. Còn đối với dân văn phòng, người lao động bình thường, việc có đủ chi tiêu mỗi ngày, có tiền gửi tiết kiệm mỗi tháng đã là một mong ước lớn lao.
Vương Phạm: Khoảng 1,6 tỷ đồng là vừa đủ sống
Khác với 2 vị Shark nổi tiếng trên, Vương Phạm - người được mệnh danh là triệu phú đô la lại đưa ra mốc 70.000 USD/năm (khoảng 1,6 tỷ đồng) là vừa đủ sống, vừa hạnh phúc. Khi lên 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng), tỷ lệ hạnh phúc giảm xuống và lên đến 1 triệu đô lại càng ít hạnh phúc hơn nữa.
Triệu phú đô la Vương Phạm là người vô cùng giản dị
Là người đã trải qua những con số này, Vương Phạm cho biết ai cũng chỉ sống ngần đó năm nên không cần phải lên cao, đấu đá quá làm gì. Bởi đôi khi kiếm được số tiền "khổng lồ", nhiều người chỉ muốn quay lại thời sinh viên, lại cảm thấy những lúc khó khăn, có thể thiếu ăn thiếu mặc nhưng lại hạnh phúc. Cũng theo Vương Phạm giây phút hạnh phúc của anh không phải là thành triệu phú mà là được ở cạnh gia đình, có ông bà, bố mẹ vợ con đầy đủ.
Suy cho cùng, mức "đủ" với người này chưa chắc đã "đủ" với người khác. Bởi dù kiếm được bao nhiêu tiền, chúng ta vẫn luôn có những mối lo lắng, trăn trở khác nhau. Chi bằng, chỉ cần đặt mục tiêu cho bản thân mỗi ngày và tính toán số tiền phải kiếm để có thể hoàn thành mục tiêu đó. Đừng so sánh bản thân với người khác, hãy so sánh bản thân với ngày hôm qua. Kiếm được bao nhiêu, sống với mức thu nhập đó bấy nhiêu là đủ hạnh phúc rồi!
Tổng hợp