Tình yêu thuở ấy: 3 lần ngập ngừng không dám gõ cửa, 3 năm hẹn hò mới dám hôn má
Chú Nguyễn Văn Minh (63 tuổi) và cô Nguyễn Thị Kim Hương (60 tuổi) có 40 năm yêu nhau và 35 năm hôn nhân. Họ là mối tình đầu của nhau, quen nhau hồi học Đại học Tây Nguyên, chú Minh học khóa năm 1979, cô Hương học năm 1982. Thời ấy, chú Minh là Bí thư chi đoàn lớp chú, còn cô Hương là Bí thư chi đoàn lớp cô, nhưng họ đi lướt qua nhau mà không ai để ý ai. Đến khi lớp cô Hương tổ chức diễn đàn học tập, chú Minh lập tức bị thu hút bởi phong thái tự tin, thông minh, tự nhủ: “Ồ, cô bé này được quá!”.
Nhưng kết thế thôi chứ chú Minh hồi ấy chưa yêu ai bao giờ, không dám mở lời làm quen, không dám gặp mặt, chỉ dò la được số phòng ký túc xá cô Hương đang ở. Nhưng biết rồi cũng không dám hành động gì, chú Minh phải mất một chầu cafe với ông bạn để được “cố vấn tình yêu”.
Chú Minh và cô Hương đã có 35 năm hôn nhân nhiều sóng gió và bền chặt.
Chú nhớ lại: “Anh bạn xui tôi chạy qua phòng ký túc xá, gõ cửa mời Hương ra nói chuyện. Tôi mới hỏi lại: ‘Thế nói cái gì?’. Bạn tôi bật cười, bảo thích nói cái gì thì nói, tán gái mà ông hỏi thế sao tôi biết trả lời. Thế là lấy hết can đảm, uống cafe xong tầm 8 giờ tối tôi đứng trước cửa phòng Hương, giơ tay ra cửa rồi mà không dám gõ, lại đi về.
Ông bạn hỏi sao về, tôi phải khai thật là không đủ can đảm. Bạn lại động viên: Giờ ông hít một hơi thật dài cho bình tĩnh rồi hãy gõ. Vậy mà tôi đi qua đi lại hai lần nữa, vẫn run quá không dám gõ cửa ”.
Đến lần thứ ba, ông bạn tư vấn tình yêu của chú Minh quyết tâm ra tay. Chú Minh theo sau, người bạn đi trước, gõ cửa hỏi cô Hương với lý do… mời họp liên chi đoàn. Cô Hương đi ra thì thấy chú Minh đứng đó. Ông bạn giao lại cho chú Minh rồi lấy cớ đi họp tiếp, để hai người nói chuyện với nhau.
“ Tháng 12 ở Tây Nguyên nó lạnh, rét thấu xương, nhưng hai đứa cứ đứng nói chuyện ngoài hành lang ký túc xá từ 9h đến khoảng 5h sáng gà gáy, mà không nhớ nổi là nói chuyện gì luôn. Chỉ nhớ câu cuối là tôi nói: Anh muốn làm bạn với em. ”, chú Minh kể. Cô Hương hồi đó đã biết tỏng ý của chú, nhưng tìm mọi cách để né, không cho chú thổ lộ tình yêu, chỉ bảo rằng chúng mình cứ là anh em.
Quyển nhật ký viết chung ngập những lời yêu thương.
1 tuần sau đó, chú Minh mới dám tự gõ cửa hẹn gặp cô Hương, họ lại đứng ngoài hiên nói chuyện với nhau từ tối đến sáng. Đêm Tây Nguyên thanh vắng, tiếng trò chuyện vọng to cả ký túc xá nghe hết, hôm sau đi học chú Minh bị bạn bè trêu suốt.
Sau một thời gian hẹn hò, chú Minh đi thực tập, rồi đi làm, họ thư từ qua lại với nhau, bồi đắp tình cảm dần qua những ngày tháng yêu xa. Chú Minh chưa một lần tỏ tình rõ ràng, nhưng từng câu từng chữ đều nhắn nhủ “em yêu”; cô Hương thì cứ gọi bạn trai là “anh rất ghét”, nhưng trong lời lẽ đã ngầm ý yêu thương.
Đến hè năm 1984, chú Minh mới về thăm nhà cô Hương ra mắt, nói chuyện xin ba vợ cho tìm hiểu. Chú nhớ lại: “ Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên nổi ánh mắt cô ấy nhìn mình say đắm, lúc tôi xin ba vợ cho hai đứa qua lại. 3 năm sau khi hẹn hò, tôi mới dám hôn lén lên má Hương một cái. Hồi đó Hương học năm cuối, đang làm đồ án tốt nghiệp, ở nhà để xử lý dữ liệu. Tôi thì đi làm rồi, xin nghỉ phép đến hỗ trợ người yêu.
Ngồi cạnh nhau, hương vị của tình yêu phảng phất, đến giờ 63 tuổi đời vẫn cảm nhận được mùi hương tình yêu ấy, choàng tay qua ôm và hôn trộm lên má. Lý tưởng trong phim ảnh người ta vẽ ra những nụ hôn môi đắm đuối ở đâu tôi không biết, nhưng với tôi, nụ hôn đặt vội lên má người yêu đó mới thơm tho, ngây ngất làm sao!” .
Kỷ niệm thời chớm nở tình yêu được chú Minh viết thành thơ tình.
Có giai đoạn hai gia đình hiểu lầm nhau, cô Hương hờn dỗi một thời gian, nghĩ đến chuyện chia tay nhưng lại không thể quên bạn trai. Đến khi ba chú Minh đi công tác, muốn tìm gặp, cô Hương cũng gặp nhưng nói thẳng với phụ huynh là hai người chưa mặn nồng gì, bác cứ tìm người phù hợp cho anh ấy cưới. Nhưng sau cuộc nói chuyện đó, dần dần hiểu lầm lại được tháo gỡ và đám cưới được tổ chức năm 1988.
Sóng gió liên miên ập đến gia đình nhỏ, chỉ nhờ một nguyên tắc mà vững vàng
Sóng gió ập đến với tổ ấm nhỏ năm 1989, khi cô Hương đang mang bầu con gái lớn. Hai vợ chồng tích cóp được 5 - 6 chỉ và chút ít tiền, định mua xe máy cho chú đi làm đỡ vất vả. Rồi có bà chị dỗ đưa tiền đóng hụi, mà phải vay thêm tín dụng ngoài nữa mới đủ suất, hẹn 1 tháng sau sẽ đủ tiền mua xe DD cho chú Minh. Hai vợ chồng tin tưởng đưa hết, ai ngờ vỡ hụi, cô chú phải gom vàng, mượn bạn bè để đưa cho người chị kia.
Sau khi trả hết xong, hai người còn lại một đống nợ. Lương chú Minh cầm về chỉ có trả lãi tín dụng chứ không đủ trả gốc, hai vợ chồng khốn đốn. Nhưng những năm tháng ấy, họ không cãi nhau một lời nào, vì hai người có nguyên tắc “sống vì nhau”. Hai vợ chồng âm thầm cố gắng chịu đựng, giấu hết gia đình hai bên. Đến giờ chú Minh vẫn thấy mang ơn vợ tháo vát, thông minh, năng lượng tích cực, luôn nghĩ cách xoay xở kiếm tiền chính đáng ngoài đồng lương.
Hôn nhân 35 năm của cặp đôi kỹ sư lâm nghiệp đã trải qua nhiều biến động.
Ông ngoại cho cái máy may, cô Hương may quần áo bán thêm ngoài giờ làm. Chú Minh thì ra chợ bán su su, rồi nuôi heo ở nhà. Chú nhớ mãi năm ấy, hai vợ chồng nuôi được con heo nái gần đẻ, muốn thêm con nữa để gầy đàn, ai dè con mua mới bị bệnh, lây cho con heo nái, cuối cùng mất cả hai con. “ Trời ơi lúc đó nó đau, bả đứng bả khóc quá chừng. Rồi lại quay trở lại trắng tay, nhưng hai vợ chồng vẫn kiên trì nuôi tiếp. May có ông ngoại làm kinh tế giỏi, có máy xát gạo thuê trong nhà, cung cấp gạo cho nữa ”.
Bước ngoặt quan trọng giúp chú Minh, cô Hương thoát nghèo là năm 1994, khi cô Hương đi học nghiên cứu sinh ở Hà Nội, ở nhà chú Minh ký hợp đồng làm ăn với một người bạn, ươm trồng 50.000 cây cafe và 20.000 cây bời lời. Năm đó, chú thế chấp nhà được 20 triệu, 10 triệu để lại ngân hàng để trả lãi, 10 triệu đem đầu tư, thuê 2 khoảnh vườn 2 bên nhà cùng khoảng đất cơ quan cho mượn, tổng là 3.000 m2, đào giếng làm vườn ươm.
Hai vợ chồng cô chú là kỹ sư lâm nghiệp, trước đã ươm cây bán, nhưng chủ yếu bán lẻ tẻ. Chồng chốt hợp đồng nhưng tổ chức sản xuất và quản lý là do vợ. Cả thời gian đó, hai vợ chồng đi làm về là quăng xe, cơm có em vợ nấu sẵn, ăn xong là xuống vườn ươm chăm cây đến nửa đêm, có hôm 1 - 2 giờ khuya. Thời điểm đó, cô chú đón 4 người em vợ lên vườn, vừa để các em đồng tâm giúp sức làm, vừa lo cho các em đi học tiếp.
Sau tất cả, cô chú đang tận hưởng những ngày hưu trí bên nhau.
Thời vận đến, may mắn đến, cộng thêm quyết tâm và chăm chỉ, năm 1995, hai vợ chồng cô chú có gần 400 triệu, là một số tiền rất lớn thời điểm đó, mua được Dream Thái đập hộp, lo lắng được cho các em. Giờ các em cô Hương đều thành đạt, có công việc ổn định.
Trải qua những giai đoạn sóng gió bão bùng, cả khi chú Minh “lạc lối”, cô Hương đều xử lý êm đẹp. Hai vợ chồng qua đó lại hiểu nhau, gắn kết với nhau bền chặt hơn, yêu thương nhau hơn. Sau 30 năm sống tại Pleiku, từ năm 2018, cô chú chuyển ra Nha Trang ở, vì cô Hương rất mê biển. Hai vợ chồng đang tận hưởng những ngày nghỉ hưu bên nhau.
Nguồn: Tình trăm năm