Trong ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ viết, có nhiều từ/cụm từ được sử dụng phổ biến nhưng ít người biết đến nguồn gốc sâu xa. Chẳng hạn như các cụm từ sau: Con ông cháu cha, giời leo, chuột rút, vọp bẻ, ông xã – bà xã,… Và "tầm thường" cũng là một từ nằm trong số đó.
Thông thường, chúng ta hiểu "tầm thường" là không có gì đặc biệt. Trong Từ điển Tiếng Việt cắt nghĩa như sau: "Tầm thường: Hết sức thường, không có gì đặc sắc (hàm ý chê). Ví dụ: Thị hiếu tầm thường". Tuy nhiên, đây không phải là nghĩa gốc của từ "tầm thường". Nguồn gốc của từ này không hề tầm thường một chút nào.
"Tầm" và "thường" vốn là những đơn vị đo độ dài xưa. Hán Ngữ Đại Từ Điển có giảng: "Tầm thường" bắt nguồn từ các đơn vị đo độ dài cổ. Trong đó, 8 thước là 1 tầm; 16 thước là 1 thường. Từ đó, người xưa đã dùng quen từ "tầm thường" để nói về kích cỡ ngắn, nhỏ. Sau này mở rộng nghĩa ra để chỉ những thứ bình thường, phổ thông hay không nổi bật.
Từ thời Xuân Thu đến thời nhà Hán quy định: 8 thước là 1 tầm; 16 thước là 1 thường. 1 tầm khoảng 1,6 – 1,84m và 1 thường khoảng 3,2 – 3,68m.
Tóm lại, "tầm thường" được ghép từ các đơn vị đo độ dài cổ là "tầm" và "thường", vốn để chỉ kích cỡ nhỏ hay những điều bình thường. Sau đó, từ này mang hàm ý chê, được người Việt sử dụng rộng rãi.
Ngoài ra, có một số cụm từ được dùng phổ biến có nguồn gốc thú vị như:
Nghèo rớt mồng tơi: Không phải là loại rau mồng tơi như mọi người vẫn nghĩ. Ở đây, từ "mồng tơi" là bộ phận của chiếc áo tơi.
Chuột rút: Đây là một cách nói bắt nguồn từ phương Tây, dựa trên sự đồng âm của "chuột" và "bắp thịt". Trong miền Nam, hiện tượng này còn được gọi là "vọp bẻ".
Ông xã, bà xã: Xuất xứ của chữ "xã" dùng để gọi vợ hoặc chồng chỉ người tâm phúc, cùng chí hướng. Tình cảm đó chỉ vợ với chồng mới có được. Trong Tiếng Hán, chữ "xã" bao gồm chữ "thần" (tức là tình cảm, tâm linh) kết hợp với chữ "thổ" (tức là đất, chỉ tài sản và vật chất). Triết học phương Đông xem mỗi con người là một thế giới, cần phải hội tụ cả tâm linh lẫn vật chất.
Mít ướt: Vốn là tên của một loại mít có múi mềm nhão. Về sau, được dùng để chỉ những người hay khóc.