Câu đố tiếng Việt: Vì sao nói "cười như nắc nẻ"?

Đố bạn biết nguồn gốc của lối ví von này?

Khi thấy ai đó cười sảng khoái, tỏ đầy vẻ thích thú về điều gì, người ta thường nói: "Làm gì mà cười như nắc nẻ vậy?" (hay còn nói tắt là "cười nắc nẻ"). Vậy "nắc nẻ" là gì? Và tại sao mọi người lại ví nụ cười với "nắc nẻ"? Chúng ta không còn xa lạ với lối ví von, so sánh này nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc thật sự đâu nhé!

Thực tế, "nắc nẻ" là tên chung của các loài bướm đêm. Điều này đã được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của tác giả Lê Văn Đức như sau: "Nắc nẻ: Côn trùng thuộc loài bướm, ban đêm vỗ cánh xành xạch bay vào đèn. Con nắc nẻ. Cười như nắc nẻ".

Từ điển tiếng Việt do tác giả Hoàng Phê chủ biên cũng giải thích: "Nắc nẻ: Tên gọi chung các loài bướm cỡ lớn, màu nâu, thường bay về đêm, vỗ cánh phành phạch".

Câu đố tiếng Việt: Vì sao nói cười như nắc nẻ? - Ảnh 1.

Con nắc nẻ

Vậy tại sao lại có lối ví von "cười như nắc nẻ"? "Nắc nẻ" thì có liên quan đến điệu cười đâu nhỉ? Thực tế, điều này có lẽ bắt nguồn từ việc tiếng cười sảng khoái và tiếng đập cánh của nắc nẻ đều có chung đặc điểm: Liên tục, vang giòn. Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam do nhóm tác giả Vũ Dung, Vũ Thuý Anh, Vũ Quang Hào biên soạn cũng giảng: "Cười như nắc nẻ...: Cười giòn thành từng hồi liên tục" phần nào phản ánh điều trên.

Ngoài "cười như nắc nẻ", còn rất nhiều câu thành ngữ, câu ca dao thú vị khác về nụ cười. Chẳng hạn như: "Con quạ nó núp vườn chuối/Anh thấy em cười lỏn lẻn với ai", "Cười nụ hay là cười tình/Cười trăng cười gió, hay mình cười ta",…