"Chuyến bay cất cánh tại Thủ đô Juba, Nam Sudan, Liên Hợp Quốc và hạ cánh tại sân bay Nội Bài là một trong những giây phút mà tôi xúc động nhất, nước mắt trào dâng không diễn tả thành lời.
Đó không chỉ là cảm giác vui mừng khi trở lại mảnh đất hình chữ S, quê hương mến thương, được gặp lại gia đình, người thân sau khoảng thời gian xa cách mà còn là sự hạnh phúc khi lan tỏa được những điều tốt đẹp cho xã hội.
Tôi luôn tự nhủ rằng muốn làm điều tốt đẹp, phải xuất phát từ cái tâm. Đó không phải là công việc. Cứ cho đi thì sẽ được nhận lại". Đó là lời chia sẻ của Trung úy Nguyễn Sỹ Công, nhân viên khoa khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, sau khi cùng các cán bộ, chiến sỹ, nhân viên của Bệnh viện đáp chuyến bay từ Juba, Nam Sudan, về nước ngày 10/7 vừa qua.
Lên đường thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan vào giữa tháng 5/2022 với thời hạn 1 năm theo kế hoạch. Là sĩ quan điều phối các hoạt động dân quân kết hợp, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân bản địa nên hơn ai hết, anh Sỹ Công vô cùng hiểu giá trị của hòa bình ở vùng đất xung đột, nghèo khó, nơi những người dân luôn phải sống trong sợ hãi vì tiếng súng đạn, chiến tranh.
Mong muốn được chia sẻ những thước phim chân thật nhất về cuộc sống, con người, giữ lại chút kỷ niệm khi thực hiện nhiệm vụ ở nơi xứ người, các video của anh Sỹ Công gây ấn tượng mạnh với người xem nhờ sự giản dị, mộc mạc, từ làm việc đến vui chơi cùng các em nhỏ nơi đây.
Trung úy Nguyễn Sỹ Công.
Tuy nhiên, điều đặc sắc nhất ở kênh “Chú Bộ Đội” khiến mọi người dành nhiều tình cảm yêu mến và khâm phục chàng trai xứ Nghệ là những video ghi lại các hoạt động anh cùng những người đồng nghiệp giúp đỡ người dân làm nhà, trồng trọt, chăn nuôi,...
Tuyệt vời hơn là anh Sỹ Công còn nỗ lực lan tỏa văn hóa, bản sắc dân tộc của Việt Nam tại Châu Phi bằng các hoạt động thiết thực như dạy tiếng Việt, tổ chức Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán, giới thiệu các món ăn của người Việt,... đến trẻ em và người dân bản địa.
Hẹn phỏng vấn anh Nguyễn Sỹ Công trong khoảng thời gian anh trở về Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chàng trai xứ Nghệ gây ấn tượng với chúng tôi bởi làn da rám nắng, khỏe mạnh, rắn rỏi nhưng vẫn mộc mạc, giản dị như chính con người anh về những câu chuyện, điều thú vị xung quanh cuộc sống và công việc của anh khi còn công tác ở châu Phi.
Hành trình trải nghiệm đáng nhớ, thiết thực của những "vị khách" lạ mà quen đến từ Việt Nam
Trong bộ quân phục sĩ quan gìn giữ hòa bình với bộ quần áo rằn ri màu nâu đất, giày bốt cao cổ và chiếc mũ nồi xanh, chàng trai 9X trông gọn gàng, khỏe khoắn và vô cùng tự tin.
Khi được hỏi về lý do vì sao anh luôn trong trạng thái vui vẻ và tràn đầy năng lượng như vậy, anh Sỹ Công nở nụ cười rạng rỡ cho biết rằng bởi anh cùng những người đồng nghiệp của mình đã được trải qua quá trình huấn luyện, chuẩn bị kỹ càng.
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn về y khoa, các bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 còn phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, tiêu chí khắt khe, quy trình tuyển chọn, huấn luyện, sát hạch cơ bản và trang bị đầy đủ các kỹ năng trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhất.
Mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ ở đây đều phải đảm bảo tốt các yêu cầu như sức khỏe, trình độ ngoại ngữ, nắm vững các kiến thức về quân sự, kỹ năng ngoại giao quân sự, đối ngoại quốc phòng, kiến thức Liên Hợp Quốc,... Ngoài ra, họ còn được huấn luyện cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS); huấn luyện tiền triển khai; Huấn luyện Luật nhân đạo quốc tế và ngoại dã chiến; huấn luyện cho Đội Cứu trợ đường không (AMET),...
Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ liên quan còn được huấn luyện bổ túc lái xe bọc thép BRT 152; diễn tập sa bàn, diễn tập tổng hợp thực địa; huấn luyện vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một số trang bị hậu cần, lái xe rơ - moóc; sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc, khả năng hoạt động độc lập trong môi trường tác chiến đa quốc gia, đa văn hóa.
Đồng thời, phẩm chất đạo đức phải thể hiện là một sứ giả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đặc biệt trình độ tiếng Anh của tất cả các thành viên khi tham gia nhiệm vụ đều phải đạt IELTS 5.5 trở lên.
Kể về những kỷ niệm trong lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ, anh Sỹ Công cho hay trong suốt 14 tháng ở Nam Sudan, một đất nước có thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn cả về thực phẩm, nguồn nước,... Anh và các đồng đội đã không ít lần phải đối mặt với dịch bệnh cũng như những thiếu thốn, hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, máy móc hiện đại cũng như y tế của người dân nơi đây.
Bệnh viện làm việc và sinh hoạt trong môi trường dã chiến tất cả đều được hoạt động và duy trì ở tổng cộng 20 container chật hẹp ghép lại, kể cả phòng mổ, phòng điều trị hay phòng tiếp đón bệnh nhân.
Riêng khu vực ở thường được ghép lại từ khoảng 2-3 container ghép lại thành một phòng và một phòng như thế được xếp cho 3-4 người, mỗi người một giường một tủ. Khi ăn ở sẽ ngủ nghỉ tại khu vực gọi là khu vực nhà ở để sinh hoạt cách tầm 400-500m. Nơi này được biết rất dễ có những mầm bệnh sinh sôi nảy nở, gây nguy hiểm trong quá trình chữa và khám bệnh.
"Đối với những người lính quân nhân Việt Nam phải công tác xa quê hương, cảm giác này đặc biệt lắm! Mặc dù trước đó tôi từng phải xa nhà khi học cấp 3 và đi làm nhưng khi nào nhớ gia đình chỉ cần một cuộc điện thoại là mình có thể liên lạc với người thân của mình rồi. Còn ở đất nước xa xôi như thế, thực sự thời gian đầu nỗi nhớ nhà được nhân lên gấp vạn lần.
Chứng kiến các anh chị đã có gia đình mỗi khi gọi điện về cho người thân, tôi cũng chạnh lòng rất thương và đồng cảm cho mọi người.
Có những lần tình cờ nghe thấy cuộc hội thoại khi gọi về cho gia đình của các anh chị, chỉ những câu hỏi vu vơ của các em bé rằng: 'Sao bố mẹ đi lâu thế, đi bao giờ về?' mà làm mọi người rất xúc động. Nỗi nhớ nhà và quê hương càng trào dâng, da diết hơn.
Nhìn lá cờ Tổ Quốc tung bay trước gió hay nhìn máy bay trực thăng bay qua lá cờ ấy, lúc nào tôi cũng có suy nghĩ: 'Khi nào mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ này và được trở về, được gặp lại gia đình, bạn bè và những người thân yêu đây?'", anh Sỹ Công chia sẻ.
Các nhân viên Liên hợp quốc di chuyển nhiều, quân số ở các đơn vị thường xuyên biến động do thực hiện kế hoạch đổi quân nên dễ mang theo mầm bệnh từ nơi khác đến, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thiếu, không có điều kiện xét nghiệm để sàng lọc dịch bệnh. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế tại đây cũng là nguy cơ lây lan bệnh tật.
Trước những tình huống đó, anh đã cùng những người đồng đội của mình đoàn kết tìm cách vượt lên khó khăn bằng những mô hình sáng tạo đậm chất thuần Việt như trồng rau phủ xanh cơ sở, vừa giúp cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch cho quân đoàn vừa chia sẻ với người dân bản địa.
Khi gắn bó với người dân châu Phi, nhận thấy những đứa trẻ nơi đây lớn lên trong sự nghèo đói nhưng rất giàu tình cảm. Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường nên anh đã sẵn sàng gần gũi, giúp đỡ và chỉ bảo chúng từ những điều nhỏ nhất.
Đặc biệt, anh cũng muốn mang bản sắc văn hóa của người Việt đến với cộng đồng bà con nơi đây nên đã dạy các em học tiếng Việt, chơi các trò chơi dân gian như thả diều, học hát Quốc ca, các bài hát thiếu nhi, tặng áo cờ đỏ sao vàng, thậm chí là nhảy theo các bài hát của Việt Nam để nhớ về tuổi thơ của chính mình.
Và anh hay gọi vui đó là "những người học trò của mình".
"Vì ở Châu Phi tỉ lệ mù chữ lên đến tận 85%, trẻ em rất khó có cơ hội để đến trường học tập, nhất là trẻ em ở các trại tị nạn nên tôi luôn cố gắng dành chút ít thời gian để dạy các em những từ ngữ cơ bản tiếng Anh, ngoài ra còn lồng ghép dạy thêm tiếng Việt. Ví dụ như 'dog'- 'con chó' hay 'brother'- 'anh trai',...
Vốn dĩ tiếng Việt học rất khó nhưng các em học rất nhanh và thích học, có bạn còn ghi lại theo phiên âm tiếng địa phương của mình để học lại theo kiểu học vẹt.
Còn những bài hát thiếu nhi Việt Nam tôi sẽ ghi lại một bản theo phiên bản tiếng Anh ra một tờ giấy và đưa lại cho một bé tên là Kacha (13 tuổi), em này được đến trường 2 ngày/tuần nên thuần thục tiếng Anh hơn. Sau đó Kacha sẽ dịch lại cho các bạn khác cùng nghe và học lại.
Dần dần theo thời gian những buổi sau gặp lại, các em đều đồng thanh gọi tôi là 'teacher' - 'giáo viên', đến mức cả tôi và đồng nghiệp ai ai cũng ngạc nhiên nên tôi cũng khá tự hào về điều này", anh Sỹ Công bật cười.
Những thước phim rất mộc mạc, giản dị của anh về cuộc sống tại Nam Sudan, Liên Hợp Quốc.
"Lớp học" ban đầu chỉ khoảng 10 em nhưng sau vì niềm say mê, yêu thích khi được học một ngôn ngữ mới nên người dân nơi đây đã truyền tải và dạy lại cho nhiều người xung quanh biết đến tiếng Việt nhiều hơn. Từ đó mà rất nhiều các em đến xin học và sẵn sàng chia sẻ cho nhau để biết đến Việt Nam nhiều hơn.
"Khi được lắng nghe các em hát bài Quốc ca Việt Nam, các em biết Bác Hồ là ai, đất nước Việt Nam như thế nào,... điều đó cũng tạo cho mình một niềm vui. Các em vui khi được gặp mình và mình cũng rất vui khi được gặp lại các em. Tôi cũng được học những từ ngữ địa phương cơ bản của các em như xin chào, cảm ơn,...
Từ đó mà khoảng cách giữa tôi và các em học sinh không còn xa lạ, bỡ ngỡ và cách biệt như những ngày đầu. Mối quan hệ giữa chúng tôi được gắn kết, trao nhau nhiều kiến thức, học thêm nhiều cái mới".
Được mệnh danh là "Quang Linh Vlog" thứ 2 và thử thách bản thân "làm được gì" của chàng trai lính cụ Hồ
Đến nay, kênh Tik Tok "Chú Bộ Đội" của anh Sỹ Công đã nhận được gần 100 nghìn lượt theo dõi cũng như các video được gần 1 triệu lượt yêu thích trong khoảng thời gian hơn một năm. Đây là những con số vô cùng ấn tượng với một kênh TikTok với nội dung hoàn toàn là những content "sạch" và là một nguồn động viên tinh thần không hề nhỏ đối với những người chiến sĩ mũ nồi xanh.
Bên cạnh những lời khen ngợi, nhiều người còn gọi anh với một biệt danh khác chính là "Quang Linh Vlog thứ 2" khi cũng liên tục chia sẻ và lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội.
Tuy nhiên, khi phải đối mặt với sự so sánh như vậy, anh Sỹ Công cho hay bản thân những việc mà cả hai cùng làm đều vô cùng khác nhau nhưng cùng có chung một mục đích là giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, dù ít hay nhiều.
Theo anh, đó không phải là công việc mà xuất phát từ cái tâm, bởi cứ cho đi thì sẽ được nhận lại những điều xứng đáng.
"Trước hết tôi rất vui vì được so sánh như vậy, bởi Quang Linh Vlog vốn là một người nổi tiếng được nhiều người biết đến, em ấy cũng cùng quê mình, là người Nghệ An nhưng hiện đang công tác và làm việc ở Angola.
Tôi cũng rất nể phục và khâm phục Linh vì tấm lòng, những ý tưởng giúp đỡ người dân ở đất nước đó. Tuy nhiên, bên cạnh những lời ngợi khen thì tôi cũng nhận được những lời so sánh, ý kiến trái chiều không hay từ phía cộng đồng mạng.
Tôi cũng từng rất sợ vì nhiều người cho rằng tôi đang lợi dụng trẻ em để câu view hay tăng tương tác, nhưng tôi nghĩ rằng đây không phải là một buổi học đơn thuần giữa thầy và trò mà chỉ đơn giản là cuộc trò chuyện, chia sẻ về tiếng Việt giữa những người bạn nước ngoài với nhau.
Ngoài ra, bản thân tôi vốn là một người quân nhân thực hiện nhiệm vụ, rất giới hạn nhiều thứ nên chỉ chia sẻ được lại theo hình thức cá nhân, những hành trình trải qua và kỷ niệm của mình.
Tuy khác nhau về phương thức thực hiện nhưng tôi nghĩ cả tôi và Quang Linh Vlogs đều có chung mục đích là giúp đỡ người dân, dù là ít hay nhiều nhưng ai cũng mong rằng họ có một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Do vậy, mọi so sánh đều là khập khiễng khi trong cả 2 hoàn cảnh và 2 người đều đang thực hiện các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau", anh Sỹ Công bộc bạch.
Hiện tại, sau 14 tháng "cắm chốt" tại căn cứ quân sự Bentiu, Nam Sudan, Liên Hợp Quốc, Trung úy Nguyễn Sỹ Công cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ, rời Nam Sudan trong sự luyến nhớ của nhân dân xứ người.
Được quay trở về quê hương cùng phái bộ Việt Nam tiếp tục công tác và làm việc, những gì chàng chiến sĩ trẻ làm được càng khiến người ta trân trọng hơn.
Không ồn ào, không phô trương nhưng vẫn đủ sức nặng để chấm phá thêm một nét đẹp cho cuộc đời này, những hình ảnh đẹp mà anh Sỹ Công tạo nên còn góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đi xa hơn, đến với bạn bè quốc tế.