"Việc nhẹ, lương cao, gần nhà" có lẽ là tiêu chuẩn công việc mơ ước của mọi người đi làm.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vẫn có nhiều người phải đi khắp nơi, và cuối cùng định cư ở một vùng đất xa lạ, để rồi có những khi, phải tự hỏi bản thân:
"Tại sao không thỏa hiệp rồi tìm một công việc gần nhà mà làm?".
"Những khó khăn và cả sự thay đổi về suy nghĩ bạn gặp phải sau một thời gian dài bôn ba là gì?".
"Đích đến của sự nghiệp là trở về quê nhà hay tiếp tục bám trụ lại nơi quê người?".
Dưới đây là câu chuyện của ba người trẻ bôn ba nơi đất khách quê người, cùng lắng nghe câu chuyện của họ để hiểu hơn câu chuyện đằng sau của những người con xa quê trên những vùng đất xa lạ.
Học một mạch lên thạc sĩ, quyết bám trụ lại thành phố
Thảo là cô gái 24 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ, đang làm việc tại công ty Internet tại một thành phố lớn. "Sự hiện đại và những cơ hội việc làm là điều thu hút tôi tới với thành phố này", Thảo nói.
"Lý do đầu tiên để tôi chọn nơi này là bởi có nhiều cơ hội việc làm, có nhiều công ty Internet hàng đầu. Có rất nhiều cơ hội để thử sức tại đây và bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thay vì phụ thuộc vào các mối quan hệ.
Đây cũng là một trong những thành phố hiện đại và phát triển nhất, môi trường kinh doanh tương đối công bằng. Về cuộc sống, có vô số quán cà phê khi bạn buồn ngủ hoặc mệt mỏi, bất kể bạn tan sở muộn thế nào, thì cũng vẫn có rất nhiều cửa hàng tiện lợi vẫn sáng đèn. Chỉ cần bạn muốn ăn, món nào cũng có thể được tìm thấy tại đây.
Tôi luôn tin rằng chỉ cần bản thân nỗ lực cố gắng, tôi nhất định sẽ có được thành quả xứng đáng, tôi vẫn còn trẻ và tôi sẽ tiếp tục chiến đấu tại đây".
Thành phố có nhiều cơ hội việc làm hơn cho mọi người
Làm việc ở địa phương, triển vọng và thu nhập đều không lý tưởng
Năm nay 28 tuổi, Thanh đang làm việc tại một công ty truyền thông. Sinh ra, lớn lên đến lúc đi học và đi làm, Thanh đều làm việc tại quê hương mình. Nhưng sau đó cô đã quyết tâm chuyển đến một thành phố lớn hơn gấp nhiều lần.
"Ban đầu, tôi đi học và thực tập tại quê hương mình. Sau khi tốt nghiệp, tôi chọn một đài truyền hình địa phương làm thực tập sinh một thời gian, khoảng thời gian đó tôi nhận ra rằng triển vọng cũng như thu nhập đều không lý tưởng. Sau đó, tôi được một người anh học cùng đại học giới thiệu cho một công việc tại thành phố lớn. Không nghĩ nhiều, tôi lập tức đồng ý. Dẫu sao thì đó cũng là nơi có nhiều tài nguyên và nhiều khả năng nhất.
Hiện tại, theo như tôi biết, rất nhiều bạn học, đồng nghiệp ngày xưa vì muốn một cuộc sống an nhàn ở quê mà lựa chọn ở lại nhưng nay đều đã phải chuyển nghề.
Có người nói, 'Thành phố là nơi mà bạn sẽ không bị chế nhạo khi nói về ước mơ của mình'. Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục chiến đấu ở thành phố rộng lớn này".
Ở lại thành phố, trở thành tấm gương của trẻ con trong làng
Từ khi đi học, Bằng (35 tuổi, quản lý CNTT) đã là niềm tự hào của cả làng. Câu chuyện này được tiếp nối khi anh chọn ở lại thành phố làm việc.
"Năm 2005, tôi đi học đại học với thành tích học tập khá nổi bật. Tôi là niềm tự hào của cả làng, bởi phải sau 20 năm, làng mới xuất hiện một “nhân tài” như tôi, hầu như mọi người trong làng ai ai cũng biết tới tôi.
Lúc mới từ quê lên thành phố, tựa mình bên bờ sông, nhìn thuyền bè qua lại và cảnh vật lấp lánh hai bên sông, tôi thầm nghĩ: 'Sẽ thật tuyệt nếu tôi có thể ở lại đây!'.
Tôi chưa bao giờ chạm vào máy tính mãi tới khi vào đại học, vì vậy tôi vốn không biết định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Tôi rất biết ơn giáo viên cấp ba của mình vào thời điểm đó, vì thầy luôn nói rằng thầy tin chắc rằng "thế kỷ 21 sẽ là thế kỉ của máy tính", chính câu nói đó đã giúp tôi xác định hướng đi cho sự nghiệp của mình.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi đến làm việc tại một công ty CNTT, được thăng chức, đề bạt, sở hữu cổ phần, mua nhà khi giá nhà đất không quá cao, tôi luôn nghĩ rằng mình là một người vô cùng may mắn. Tôi tự hào và biết ơn vì đã có được chỗ đứng ở đây.
Dù làm việc ở đâu, ai cũng mong muốn có một tương lai tươi sáng, rạng rỡ hơn
Kể từ khi bắt đầu làm việc, tôi đã trở thành 'người đại diện' tại thành phố này của làng, và nhà tôi cũng trở thành 'văn phòng đại diện'. Ai đi công tác, du lịch, khám bệnh, chỉ cần chưa tìm được chỗ ở, có thể đến nhà tôi ở vài ngày, ghế sô pha trong phòng khách là 'nơi trú ngụ' của họ.
Những người bạn ở thành phố của tôi hay nói với tôi rằng như vậy không hay. Nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi sinh ra và lớn lên ở đó, và vì vậy, tôi hiểu sự khó khăn của họ.
Mỗi năm tôi về quê, bà con lối xóm đều gọi con cái đến, nói chúng noi gương tôi mà học hành cho tử tế, sau này lớn lên cũng hãy đến thành phố học tập và làm việc.
Tôi cảm thấy như thể ở lại đây đã là một loại trách nhiệm đối với mình. Tôi chỉ là một lao động nhập cư bình thường, nhưng kinh nghiệm của tôi có lẽ cũng sẽ truyền cảm hứng cho những đứa trẻ ở quê hương và để chúng thấy rằng phấn đấu chính là hạnh phúc, giá trị và hy vọng".
Tạm kết
Đối với một số người, việc đi làm nơi đất khách quê người chẳng khác nào việc ngày đêm phải chạy ngược chiều gió. Nhưng đối với một số người, làm việc ở một vùng đất xa lạ lại là một sự lựa chọn chủ động.
Dù bạn thuộc nhóm nào, thì cũng chúc những người vì nhiều lý do khác nhau phải làm việc ở nơi đất khách quê người luôn tích cực và lạc quan, bỏ qua những khó khăn hiện tại, phấn đấu hết mình vì một tương lai sung túc hơn!