Ở những thời điểm cận lễ Tết, việc tuân thủ những kế hoạch chi tiêu trong tháng trở nên khó khăn hơn. Lê Hiền (28 tuổi, Hà Nội, nhân viên Marketing) cho biết: "Càng gần ngày Tết, mình càng dễ bị cuốn vào vòng lặp mua sắm. Mình chốt đơn thường xuyên hơn, mua sắm những món đồ theo cảm xúc. Ngân sách mua sắm tăng lên đáng kể so với những tháng trước".
Cuối năm cũng là dịp mà các sản phẩm, dịch vụ được chào bán đến tay khách hàng với mức giá ưu đãi kèm nhiều khuyến mại. Đây chính là lúc người tiêu dùng rút hầu bao dễ nhất. Tiêu tốn hàng triệu đồng cho việc sắm sửa quần áo ngày Tết, Ngọc Diệp (24 tuổi, Phú Thọ, nhân viên xuất nhập khẩu) cho biết, việc cân đối chi tiêu dịp cuối năm như là 1 thử thách với cô nàng. Nếu muốn mua thêm 1 món đồ nào đó, thì lại phải xem xét việc từ bỏ món đồ khác. Việc này khiến Ngọc Diệp đau đầu mỗi khi dịp lễ Tết kéo đến.
Lễ Tết như 1 "kỳ nghỉ mua sắm"
Dường như dịp cuối năm là lúc thích hợp để bản thân buông thả hơn trong chuyện mua sắm. Ví dụ, có những món đồ bình thường đắn đo mãi chẳng dám mua. Nhưng càng gần Tết, chúng ta lại có "lý do chính đáng" để xuống tiền một cách nhanh chóng.
Ngọc Diệp (24 tuổi, Phú Thọ) chia sẻ về kế hoạch tiêu Tết của mình: "Lương cứng 1 tháng của mình khoảng 12 triệu, chưa tính hoa hồng. Cộng thêm thưởng tháng thứ 13 và thưởng KPI, tổng tiền lương thưởng cuối năm vào khoảng 30 triệu. Mình dự tính, dịp Tết này sẽ biếu bố mẹ khoảng 10 triệu để mua sắm. 10 triệu để chi tiêu cho bản thân, tiền vé xe về nhà, ăn uống và sum họp cùng gia đình, bạn bè. Số còn lại, mình dự định bỏ vào tiết kiệm. Mình có suy nghĩ sẽ tiêu Tết thoải mái 1 chút. Vì dù sao, cố gắng cả năm cũng cần tự thưởng bản thân, tạo động lực cho năm mới làm việc hiệu quả hơn.
Mình tiêu Tết thoải mái thế này, là vì bản thân không có khoản nợ nào cần chi trả. Vậy nên lương thưởng cuối năm chỉ để chi tiêu. Hạn mức mua sắm cũng tăng cao hơn so với tháng bình thường. Vì Tết mà, bao nhiêu thứ cần phải đổi mới. Như sắm sửa vài bộ quần áo mặc Tết, mỹ phẩm, đồ trang điểm,... Mình có 1 thói quen, vào ngày mùng 1 Tết, mọi thứ trên người đều phải xài đồ mới để may mắn cả năm. Đến cái ốp điện thoại mình cũng sắm. Nhưng để có thể xuống tay thoải mái thế này, mình đã lên 1 kế hoạch bù trừ cụ thể. Nếu không, ngân sách mua sắm sẽ thâm hụt vào khoản tiền tiết kiệm".
Lê Hiền (28 tuổi, Hà Nội) lại có nhiều thứ phải lo toan hơn cho ngày Tết. Vì thế, ngân sách chi tiêu của Hiền không chỉ giới hạn lại ở việc mua sắm cho bản thân. "Mình là con cả trong gia đình, nên luôn ý thức về việc lo Tết cùng ba mẹ. Có quá nhiều thứ cần chuẩn bị cho dịp Tết, khiến cho những ngày cuối năm của mình, cuốn theo vòng xoáy mua sắm đủ thứ. Nào là bánh kẹo Tết, mua bộ đồ mới cho bố mẹ, mua quà cho các em, mua đồ lễ, biếu,... Than thở với bạn bè, ai cũng nói mình Tết đúng là dịp nghỉ ngơi để mua sắm. Vừa tốn tiền mua sắm, lại phải đau đầu để cân đối chi tiêu.
Nhưng khi càng mua sắm, mình càng khó khăn hơn trong việc ngăn bản thân chi tiêu quá đà. Dù đã đặt ra mục tiêu mua gì, bỏ bao nhiêu tiền tối thiểu, thì vẫn có những lúc, mình mua vượt mức đã đề ra. Đặc biệt là những khoản chi cho bản thân. Phụ nữ mà, việc mua sắm đồ mới luôn là thú vui, dù có kiềm chế cỡ nào, thì chỉ cần có dịp để mình tự thưởng là sẽ xuống tiền. Ví dụ như việc mua 1 chiếc áo, thì phải mua thêm quần và giày để phối sao cho hợp. Tuy biết mua sắm theo tư duy như vậy khiến túi tiền nhanh cạn, nhưng thật khó để ngăn cản bản thân sắm sửa cho dịp cuối năm".
Nhận lương thưởng cuối năm, tiêu sao cho đáng?
Về cơ bản, lương thưởng tháng 13 làm cho nguồn thu bỗng dưng tăng vọt trong năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý tiêu tiền của hầu hết mọi người. Khi kiếm được nhiều tiền hơn, nhu cầu chi tiêu cho những món đồ bình thường ít dám mua càng nhiều hơn. Vì thế, rất dễ dẫn đến tình trạng chi tiêu vượt kiểm soát.
Để giảm thiểu sự hao hụt của túi tiền, Ngọc Diệp dù chi tiền nhiều hơn cho mua sắm dịp lễ, nhưng bên cạnh đó, cô nàng cũng có kế hoạch để kiểm soát thu chi cuối năm. Chẳng hạn như việc mua 1 món - bỏ 1 món. Diệp áp dụng nguyên tắc này đã từ lâu.
"Mình lập ra 1 danh sách những món đồ cần sắm cho năm mới, từ A-Z, và lên dự trù ngân sách sẵn. Danh sách được liệt kê từ thứ quan trọng nhất theo thứ tự từ trên xuống dưới. Mỗi lần xuống tiền để mua món đồ được xếp đầu danh sách, mình sẽ gạch bỏ đi món đồ đứng cuối danh sách. Cứ liên tục lặp lại quy tắc này, mình dừng lại khi khoản chi cho việc mua sắm báo động. Điều này giúp mình mua được những món đồ không thể thiếu, và lược bớt đi những món đồ không cần thiết 1 cách dễ dàng hơn. Không còn tình trạng xuống tiền theo cảm xúc".
Ở trong tình trạng khó kiểm soát bản thân mua sắm nhiều cho dịp cuối năm, Lê Hiền cho biết bản thân cô nàng đã phải bắt bản thân chia tiền theo 1 tỷ lệ rạch ròi.
"Bỗng dưng tiền lương nhân đôi so với bình thường, mình tự ý thức được việc bản thân chi tiêu nhiều hơn vào dịp Tết. Vì thế, để tránh tình trạng tài chính ảm đạm vào đầu năm sau, mình buộc bản thân phải tính toán con số cụ thể cho việc biếu Tết - mua sắm - tiết kiệm.
Như hàng tháng, mình đều đặn bỏ vào tài khoản tiết kiệm 30% tổng thu nhập, 50% cho nhu cầu cơ bản, 20% cho những nhu cầu mua sắm và xã giao. Riêng tiền lương thưởng cuối năm, mình không thực hiện theo tỷ lệ này, vì biết bản thân chắc chắn cần nhiều tiền hơn để chi tiêu. Thế nên, tổng lương thưởng, mình dự định sẽ tiêu 30-60-10:
- 30%: dành cho những nhu cầu cơ bản, khoản chi tất yếu như tiền nhà, điện, nước, sinh hoạt phí hàng ngày.
- 60%: dành cho việc mua sắm Tết. Trong đó, mình dành 20% để biếu bố mẹ, số còn lại sẽ mua sắm theo danh sách đã liệt kê ra.
-10%: bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Hoặc sẽ dành tiền cho các kế hoạch sau tết như gặp gỡ bạn bè, tặng quà Sếp và đồng nghiệp.
Vì con số lương thưởng cuối năm mình đã ước lượng trước rồi, nên chia theo tỷ lệ này vừa thỏa mãn nhu cầu sắm Tết, vừa không tiêu hụt vào tiền tiết kiệm khiến bản thân phải hối hận".
Tiền lương thưởng Tết và tích lũy cả năm, là thành quả đạt được sau quá trình cống hiến dài hạn. Để khoản tiền này được tiêu 1 cách thỏa đáng, hãy lên 1 kế hoạch chi tiêu vào dịp Tết thật hợp lý, tránh tình trạng vung tay quá trán.