"Tôi đã không sử dụng băng vệ sinh hoặc giấy trong nhà vệ sinh suốt 5 năm liền!".
Cô gái bị xem là “khác người” này sống trong căn nhà thuê rộng hơn 50m2 ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Năm 18 tuổi, cô ngừng sử dụng băng vệ sinh và chọn cốc nguyệt san có thể tái sử dụng. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là cô còn nuôi hơn 300 con giun đất.
Cô ấy dùng dầu ô liu để tẩy trang, dùng khăn tay thay cho khăn giấy và còn những chuyện khiến không ít người ngỡ ngàng...
Lớn lên trong gia đình sống tiết kiệm hết mức
Năm 1998, Tô Nhất Cách sinh ra ở Sơn Đông (Trung Quốc), điều kiện gia đình khá tốt nhưng bố mẹ cô lại rất tằn tiện. Nước sốt dùng để nấu ăn được bảo quản trong tủ lạnh, khi dùng xong liền cho vào tủ lạnh ngay. Vì nếu lấy sốt ra quá lâu sẽ bị tăng nhiệt độ, khi cho vào lại sẽ làm hao lượng điện năng tiêu thụ của tủ lạnh.
Những hộp đựng gia vị trong nhà đều là chai lọ mẹ đã dùng hết, rửa sạch, phơi khô và tái sử dụng. Đồ đạc trong nhà càng “cổ” hơn như máy sấy tóc, quạt điện… Bề ngoài đã biến dạng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng, đến khi hư hỏng quá mức mới không thể sửa được nữa thì mới nghĩ chuyện mua.
Ngay cả quần áo Tô Nhất Cách mặc cũng là quần áo cũ do người khác tặng, dù sờn rách mẹ cô cũng sẽ vá lại, chỉ cần không quá lộ liễu ở những nơi dễ thấy thì có thể dùng được vài năm. Sau khi đi học, các bạn cùng lớp mua các loại bìa giấy đủ màu sắc để bọc sách, nhưng cô chỉ có thể dùng bìa trong suốt vì có thể tái sử dụng.
Gia đình Tô Nhất Cách quan niệm quần áo không cần phải lộng lẫy, đẹp đẽ, chỉ cần gọn gàng, sạch sẽ và lịch sự. Trong ấn tượng của cô gái, bố mẹ cô rất ít khi mua quần áo mới. Quần áo không còn vừa người, bố mẹ cũng sẽ giặt và cho người cần. Ngay cả khi tắm ở nhà vệ sinh công cộng, mẹ cũng dạy cô không được lãng phí nước.
"Lãng phí là điều rất xấu hổ", Tô Nhất Cách nói.
Vì cha mẹ xuất thân từ thời nghèo khó nên dù bây giờ điều kiện khá giả hơn nhưng họ vẫn giữ thói quen tiết kiệm. Họ luôn nói với cô rằng lãng phí là một điều rất đáng xấu hổ, bất kể giàu nghèo. Tô Nhất Cách cũng nhờ vậy mà hình thành thói quen tiết kiệm và không lãng phí tiền bạc.
Sau khi vào cấp hai, Tô Nhất Cách bắt đầu sống nội trú tại trường. Mỗi lần đến nhà ăn, bạn học khác sử dụng bộ đồ ăn dùng một lần, nhưng Tô Nhất Cách cảm thấy quá lãng phí và gây ô nhiễm môi trường nên đã dùng hộp cơm inox để lấy thức ăn hàng ngày. Ăn xong rửa sạch và cất đi.
Từ tiết kiệm đến bảo vệ môi trường
Về sau, Tô Nhất Cách sang Canada du học, nơi cô nhận thấy người nước ngoài rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và họ cũng phân loại đủ loại rác.
Trước đây, Tô Nhất Cách chỉ tập trung nhiều nhất vào tính tiết kiệm. Đến khi hòa nhập vào cuộc sống ở Canada, cô mới tiếp xúc với nhiều kiến thức và khái niệm về bảo vệ môi trường hơn.
Trong thời gian du học, Tô Nhất Cách đã xem một bộ phim tài liệu có tên "Plastic China" (một bộ phim tài liệu Trung Quốc năm 2016 mô tả cuộc sống của hai gia đình làm nghề tái chế rác thải nhựa được nhập khẩu từ các nước phát triển), cô đã bị sốc trước lượng nhựa và rác thải quá lớn. Khi đó, cô hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường ở mức độ sâu sắc hơn nên khi đi du học, Tô Nhất Cách bắt đầu cố gắng thay đổi lối sống và giảm thiểu tác động của rác thải đến môi trường.
Kể từ đó, cô sẽ cẩn thận phân loại rác mỗi ngày và mang theo túi vải có thể tái sử dụng khi đi siêu thị.
Sau này, khi đến hiệu sách mua sách, cô phát hiện nhiều người không chọn mua sách mới mà thích mua sách cũ hơn. Ngoài sách cũ, nhiều đồ dùng sử dụng trong cuộc sống có thể được mua trên nền tảng mua bán đồ cũ. Theo Tô Nhất Cách, điều này quả thực có thể giảm thiểu lãng phí tài nguyên một cách hiệu quả.
Nhà của Tô Nhất Cách gần như đều là đồ cũ, điều này giúp tiết kiệm tiền và tránh lãng phí. Tô Nhất Cách cũng tham gia một tổ chức bảo vệ môi trường ở địa phương, sau khi học xong cô theo những người khác đi làm từ thiện và học thêm kiến thức bảo vệ môi trường.
Khi du học, Tô Nhất Cách đã có bạn trai người Trung Quốc, nhưng vì anh không thể chấp nhận quan điểm bảo vệ môi trường của cô nên cuối cùng hai người đã chia tay. Điều khó tin nhất là nhà cô thậm chí còn không có một cuộn giấy vệ sinh, cô cho rằng giấy vệ sinh là một thứ gây lãng phí. Mỗi lần ra ngoài đi đâu, cô đều mang theo một chiếc khăn tay, bẩn thì giặt sạch.
Cô đã ngừng sử dụng băng vệ sinh từ năm 18 tuổi, thay vào đó chọn cốc kinh nguyệt có thể tái sử dụng.
Sau khi trở về Trung Quốc, Tô Nhất Cách vẫn duy trì quan niệm bảo vệ môi trường, mỗi khi đi ăn cùng bạn bè, nếu còn thừa, cô sẽ gói mang về nhà. Nhưng so với đi ăn ngoài, Tô Nhất Cách lại thích nấu ăn ở nhà hơn. Để loại bỏ rác thải trong bếp, cô đã nuôi hơn 300 con giun đất, để chúng giúp tiêu hủy một vài loại rác thải hữu cơ.
Khi ra ngoài mua trà sữa và cà phê, cô sẽ mang cốc của mình đến nhân viên cửa hàng và yêu cầu họ cho trực tiếp vào cốc sau khi pha. Nhà cô không có túi ni lông hay bộ đồ ăn dùng một lần.
Tô Nhất Cách nhận thấy nhiều người ở Trung Quốc chưa có ý thức bảo vệ môi trường nên cô đã mở tài khoản trên các nền tảng xã hội để chia sẻ kiến thức về cuộc sống hàng ngày và bảo vệ môi trường của mình.
Ban đầu, mọi người đều nghi ngờ cách làm của cô, nhiều người cho rằng cô đang diễn kịch để thu hút tương tác. Một số khác cho rằng dù cô không dùng giấy vệ sinh nhưng dùng nước thay thế vẫn là lãng phí nước.
Tô Nhất Cách không có lời giải thích nào cho những bình luận này, cô luôn tuân thủ triết lý bảo vệ môi trường của mình. Và cách làm của cô quả thực đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Cô hy vọng rằng thông qua nỗ lực của mình, sẽ có nhiều người chú ý đến việc bảo vệ môi trường trên Trái đất, nơi con người đang sinh sống và nương tựa vào.
Nguồn: Toutiao