Xuất hiện trong một bài viết về những người trẻ nuôi tóc hiến tặng bệnh nhân ung thư cách đây không lâu, Lan Hương gây ấn tượng với nụ cười nhẹ nhàng và câu chuyện xúc động.
Năm 2019, Lan Hương từ bỏ học bổng ở Nhật Bản để về nước khi hay tin mẹ mắc bệnh ung thư. Ở Việt Nam, cô bạn và gia đình đã đồng hành cùng mẹ chữa bệnh. Song song với đó, Hương ôn thi lại đại học khi đã 20 tuổi. Hiện tại cô vừa đi học, vừa đi làm ở công ty và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Suốt 3 năm qua, không khó để đoán được phía sau nụ cười của cô gái nhỏ là cả quá trình dài với những biến cố, khó khăn và sự cố gắng mỗi ngày để thực hiện ước mơ. Lan Hương kể rằng cô muốn tạo ra nhiều tác động tích cực đến mọi người, đây cũng là giá trị mà mẹ cô đã và đang xây dựng.
HOÀNG BÙI LAN HƯƠNG
Sinh năm 2000
Sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương cơ sở II chuyên ngành Quản lý Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
Thủ khoa toàn quốc khối D06 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Nhật) năm 2020
Thủ khoa trường Đại học Ngoại thương cơ sở II năm 2020
Thông thạo 3 ngoại ngữ: Anh (IELTS 8.0), Nhật (JLPT N2), Trung (HSK2)
Khi
biết mẹ ốm mới hiểu thế nào là cả thế giới sụp đổHồi đó làm sao Hương biết mẹ ốm vậy? Khoảnh khắc nhận được thông tin đó diễn ra thế nào?
Có một sợi dây vô hình liên kết nên tình mẫu tử. Dù khoảng cách địa lý xa như vậy nhưng giác quan thứ 6 vẫn thôi thúc mình rằng có gì đó không ổn với mẹ. Gia đình muốn giấu tới cùng, không ai thông báo nên bằng mọi cách mình phải tìm ra điều đó. Mình mò mẫm đăng nhập vào tài khoản MXH của mẹ rồi thông qua những cuộc trò chuyện của mẹ với mọi người để có được thông tin cuối cùng.
Lúc đó mình mới hiểu thế nào 5 chữ: cả thế giới sụp đổ. Không bao giờ mình quên khoảnh khắc đó. Mình ngã khụy xuống. Nhưng không ai đỡ cả nên mình phải học cách tự đỡ mình lên. Vì nếu mình sụp đổ thật thì gia đình sẽ mất đi 1 điểm tựa quan trọng nữa. Điều đó là không thể.
Bạn mất nhiều thời gian quyết định sẽ về Việt Nam không?
Sau khi biết mẹ ốm, mình suy nghĩ khoảng 2 - 3 ngày để đưa ra quyết định trở về. Kể từ đó, mọi hoạt động của mình đều bám theo quyết định này. Mình sắp xếp mọi việc đang tồn đọng ở Nhật Bản, làm mọi thứ để không hối hận vì bất cứ điều gì. Tổng cộng thời gian là khoảng 3 tháng.
Đây cũng là quãng thời gian mà mình học được cách hoạch định cuộc đời. Câu hỏi lớn nhất của mình khi đó là "Làm sao khi về Việt Nam rồi mình vẫn còn cơ hội quay lại Nhật?". Nhật Bản là ước mơ dang dở với mình và ngay cả ở thời điểm hiện tại, mình vẫn đang cố gắng từng ngày để có thêm cơ hội thực hiện ước mơ đó.
Gia đình và những người xung quanh phản ứng thế nào với quyết định của Hương?
Từ gia đình đến thầy cô, bạn bè đều can ngăn rất nhiều. Cô hiệu trưởng trường ĐH mà mình học ở Nhật Bản dành 3 tiếng để nói chuyện. Cô khuyên mình đừng nên quyết định một việc có tính rủi ro quá cao như vậy. Nhưng thời điểm đó, mình chỉ nghĩ một điều thôi, gia đình là thứ quan trọng nhất. Thế thì mình đặt thứ quan trọng nhất lên đầu, những việc còn lại sẽ lần lượt theo sau.
Gia đình mình lúc đó cũng rất rối. Mình là con cả trong gia đình có 3 chị em, em trai út hồi đó mới 5 - 6 tuổi. Vì ba cùng mẹ vào viện chữa bệnh nên phải gửi em đến nhà người thân để nhờ chăm sóc. Nếu mình tiếp tục ở nước ngoài với trăn trở lớn như vậy thì kết quả học tập và làm việc chắc chắn không tốt chút nào.
Cuối cùng, mình đi du học với học bổng bán phần (50%) và được gia đình hỗ trợ một phần. Với tình hình tài chính của gia đình khi đó, để mình có thể đi học mà không phải lo quá nhiều về chi phí là điều rất khó khăn. Thế nên mình trở về và xây dựng lại tương lai ở Việt Nam là phương án tối ưu nhất.
Còn các em Hương phản ứng với chuyện mẹ ốm như thế nào?
Sự việc đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của 2 em. Các em còn nhỏ và cũng không được mạnh mẽ như mình. Vì vậy mình về cũng là đồng hành cùng 2 em, gần như thành người mẹ thứ 2 chăm sóc các em để ba mẹ yên tâm ở bệnh viện chữa bệnh.
Nếu trụ cột gia đình phải quán xuyến tất cả - đó là gánh nặng, không ph
ải niềm tự hàoCái cực nhất khi chăm 1 người ốm, theo Hương là gì?
Là tinh thần. Khi cả bệnh nhân ung thư và người nhà xác định chiến đấu với con đường này thì phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Cách mình đón nhận thông tin, đối diện với nó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chữa bệnh.
Với 1 cô gái trẻ, bạn học thêm được những kỹ năng gì trong quá trình đồng hành cùng mẹ?
Thứ nhất là cách điều chỉnh sức mạnh tinh thần. Những lúc mình cho phép bản thân yếu đuối thì cứ yếu đuối. Nhưng đến lúc yếu đuối đủ rồi thì phải biết cách vươn lên vì còn rất nhiều điều ở đằng sau đang đợi. Sự việc của mẹ giúp sức mạnh tinh thần của mình linh hoạt hơn, vừa mềm dẻo và vừa mạnh mẽ, rắn rỏi hơn rất nhiều.
Thứ 2 là cách cảm thông. Vì gia đình đã rơi vào hoàn cảnh như vậy nên mình thông cảm với câu chuyện của mọi người xung quanh hơn rất nhiều. Nhiều người cũng gặp biến cố nhưng họ không đủ may mắn để có thể chống chọi, vượt qua như mình và gia đình.
Thứ 3 là mình nhận ra rằng phải tạo ra giá trị cho người khác nữa. Lúc trước mình chỉ hướng đến những giá trị hào nhoáng như làm sao để có thể kiếm được nhiều tiền, làm sao để giàu,...
Trong thời gian mẹ ốm, chuyện kinh tế cũng là một vấn đề không nhỏ với Hương và gia đình đúng không? Bạn đối mặt và giải quyết nó thế nào?
Khi về Việt Nam, mình luôn trăn trở với câu hỏi là làm sao để tiếp tục việc học mà không tạo ra gánh nặng cho ba mẹ. Thế là mình đi dạy thêm, tận dụng vốn ngoại ngữ sau hơn 1 năm sống ở Nhật. Đồng thời mình mượn anh họ 1 khoản tiền để ôn thi đại học, với lời hứa khi nào đậu đại học sẽ kiếm tiền trả lại anh. Trong nửa năm sau khi học đại học, mình đã trả hết tiền cho anh.
Có 1 câu thế này: "Con gái là áo bông nhỏ của cha mẹ, nhưng rồi sẽ có ngày con trở thành áo giáp bảo vệ cha mẹ". Hương thấy mình đã trở thành "áo giáp" cho ba mẹ, trụ cột cho gia đình chưa?
Trụ cột về kinh tế thì chưa nhưng trụ cột về tinh thần thì mình nghĩ là rồi. Sau lần mẹ ốm, gia đình mình trở nên kiên cường, gắn kết với nhau nhiều hơn. Mình cũng rất tự hào khi trở thành trụ cột tinh thần cho cả nhà.
Theo bạn, trụ cột có nhất thiết phải là người đứng ra quán xuyến tất thảy - hay đó còn là ở khía cạnh nào khác?
Nếu nói trụ cột phải quán xuyến mọi thứ thì nó vô tình trở thành gánh nặng cho người đó hơn là điều mà họ có thể tự hào. Vì vậy mình nghĩ trụ cột thì nên là ngọn hải đăng để chiếu ánh sáng, cổ vũ sức mạnh tinh thần đến mọi người. Như vậy sẽ tốt hơn.
Không bao giờ có cuộc sống bình thường, phải học cách vượt qua biến cố
Người ta sẽ chợt thấy cuộc sống bình thường là 1 hạnh phúc to tát khi gia đình gặp biến cố như người thân lâm vào bạo bệnh, Hương có cảm nhận giống như vậy?
Mình thấy cách đón nhận biến cố thế nào mới là điều quan trọng nhất. Bởi khi đó người ta thường có 2 xu hướng, một là thức tỉnh, mạnh mẽ hơn và hai là gục ngã và không thể nào đứng lên được. Vậy nên mình không mong một cuộc sống bình thường, bình ổn vì đó là điều không thể xảy ra. Mình mong bản thân học được cách rèn luyện sức mạnh tinh thần đủ vững, để có thể chống chọi, chiến đấu và vượt qua được bất kỳ biến cố nào trong đời.
Ở bệnh viện giàu cũng như nghèo, thứ người ta cần nhất là hơi ấm người thân. Hương đã bao giờ trải qua cảm giác đó chưa?
Sau sự việc, mỗi người trong gia đình mình nhận ra giá trị của việc cần có nhau trong cuộc đời. Trước đây vẫn là gia đình và chung sống dưới một mái nhà, cùng ăn chung một bữa cơm nhưng đôi khi mạnh ai người nấy sinh hoạt. Còn bây giờ mình hiểu sự quan trọng của việc có mẹ, có sự gắn kết gia đình.
Ở bệnh viện, ngoài gia đình ruột thịt, mẹ mình còn có một gia đình thứ 2 là các chiến binh ung thư cùng chữa bệnh - những người mà mẹ vẫn hay gọi là "đồng bệnh". Đến hiện tại, dù đã chữa bệnh xong rồi, mỗi người ở một nơi nhưng mọi người vẫn giữ liên lạc và nhớ về thời cùng nhau chiến đấu, che chở cho nhau trước bệnh tật. Đó là điều mình vô cùng biết ơn. Vì tình thương giữa người với người, đặc biệt là trong môi trường giữa các "đồng bệnh" chính là sức mạnh tinh thần chính giúp mẹ vượt qua giai đoạn đó.
Từng làm tình nguyện ở Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, có lẽ Hương đã chứng kiến không ít câu chuyện về những người phụ nữ xung quanh mình? Có câu chuyện nào khiến bạn xúc động và nghĩ là sẽ không bao giờ quên không?
Đó là câu chuyện của chị Thương và chị Tiên. Chị Thương là người sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, chị Tiên là em gái chị Thương. Sau khi chị Thương qua đời, chị Tiên đã gánh vác sứ mệnh mà chị gái để lại. Câu chuyện đó để lại ấn tượng sâu sắc đến mức mình cũng muốn làm được như vậy với mẹ mình. Những cái giá trị mà mẹ đã và đang xây dựng, mình muốn nối tiếp, phát triển nó.
Giá trị đó cụ thể là gì?
Đó là khi đã ốm đau rồi, mẹ vẫn chọn thương người khác, ôm họ vào lòng. Hồi đó mình cũng vào bệnh viện chữa bệnh với mẹ. Mẹ luôn dặn mình để ý xem các cô bác xung quanh cần gì và giúp đỡ họ. Khi mình nấu đồ ăn mang đến, mẹ cũng bảo nấu nhiều lên để đem cho tất cả mọi người. Sự tinh tế, quan tâm đến người khác, tinh thần cho đi không cần nhận lại đã được mẹ theo đuổi suốt đời. Thế nên mình muốn tiếp nối nó, muốn đem lại giá trị cho mọi người, cho đi và để lại nhiều dấu ấn tích cực nhất có thể trên đời này.
Cuối cùng, bạn có lời nào muốn gửi đến những bạn trẻ đồng trang lứa, đang gặp biến cố cần thêm động lực vượt qua?
Một bông hoa khi gặp mưa gió, bão to thì có 2 trường hợp xảy ra. Một là nó chịu số phận những cánh hoa dập nát rồi lụi tàn. Hai là nó chọn giữ lại những gì đẹp nhất để chờ một ngày mặt trời ló dạng sẽ trở lại và bừng sức sống hơn xưa. Mình mong các bạn trẻ hãy chọn cách sống như bông hoa thứ 2.
Cảm ơn Hương vì những chia sẻ!