Chi tiêu là câu chuyện muôn thuở luôn có những cái nhìn mới mẻ phù hợp với thời cuộc, dù mức thu nhập của bạn đang cao, thấp hay trung bình.
Trên diễn đàn Vén Khéo, câu chuyện mua xe của cô vợ có thu nhập 120 triệu/tháng thu hút rất nhiều sự quan tâm của hội chị em.
Cụ thể, cô vợ hỏi: "Em là nữ 31 tuổi, 1 chồng 2 con.
Hiện tại thu nhập 2 vợ chồng em rơi vào khoảng 120tr/tháng (ổn định).
Vợ chồng em có 2 nhà ở nội thành Hà Nội, 1 chung cư đang ở và 1 nhà đất đang cho thuê, tài khoản tiết kiệm được 1,5 tỷ.
1 tháng 2 vợ chồng 2 con trên đất Hà Nội chi tiêu khoảng 50 triệu còn lại tiết kiệm.
Em đang phân vân đợt này có nên đổi xe ô tô hay không. Hiện tại 2 vợ chồng có xe 4 chỗ, thêm 2 con hay về quê và đi chơi xa nên khá chật chội, chồng em muốn đổi xe tầm hơn 1 tỷ, nhưng em thì nửa muốn đổi xe, nửa muốn dành tiền mua thêm nhà đất để đầu tư, vì giờ nếu đổi xe xong thì hết sạch tiền tiết kiệm.
Thời buổi kinh tế khó khăn, nhờ mọi người cho lời khuyên ạ".
Bài đăng trên diễn đàn
Dưới bài đăng rất nhiều luồng ý kiến nhưng bất ngờ là đa phần mọi người đều khuyên cô vợ đổi xe.
Chọn "ăn chắc mặc bền dư tiền tích đất" hay "ăn ngon mặc đẹp tận hưởng hợp lý"?
Nhiều người có suy nghĩ, thay vì mua sắm sẽ dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư. Ví dụ trong câu chuyện trên có thể dùng tiền hiện có đi đầu tư nhà đất, khi cần có việc thì thuê xe ô tô đi. Tính về mặt kinh tế, thì mua xe khả năng sẽ bị giảm lợi ích về mặt kinh tế tiền bạc, không như mua nhà đất.
Thế nhưng, mục đích cuối cùng vẫn là khiến cuộc sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn. Vậy có nên quá tính toán đến lợi ích lâu dài mà quên đi việc hưởng thụ là điều cần thiết?
Ví dụ như câu chuyện trên, chị vợ hoàn toàn nên đổi xe mà không cần suy nghĩ quá nhiều vì những lý do sau:
Ảnh minh họa
- Thu nhập 2 vợ chồng ở mức ổn định, mỗi tháng trừ chi phí còn để ra được 70 triệu, 1 năm để ra 840 triệu (đủ mua chiếc xe 7 chỗ).
- Tài sản hiện có là nhà, đất, tiền tiết kiệm, ô tô vững chắc. Có thể cân nhắc chọn phân khúc xe từ 800 triệu đến 1 tỷ, bán xe cũ đi thêm tiền mua xe mới thì số tiền tiết kiệm vẫn còn dư 1 ít. Hoặc có thể tính phương án trả góp nếu lãi suất thấp và có lợi lâu dài.
- Nhu cầu cuộc sống: hay đi chơi, chồng muốn đổi xe và đi xe rộng rãi cũng sẽ thoải mái cho cả người lái và người ngồi, đảm bảo cả tinh thần, tâm lý và sức khỏe.
- Đầu tư chưa chắc đã sinh lời vì đầu tư không đúng rất có thể mang đến rủi ro.
Nhiều người nói với mức thu nhập đáng ao ước của chị vợ trên thì không cần suy nghĩ quá nhiều. Nhưng chúng ta thường có lối tư duy hướng về sự chắc chắn và ổn định. Nếu để dành được nhiều tiền, đầu tư được nhiều bất động sản nhưng cuộc sống vẫn bất tiện, không được thoải mái thì nhiều tiền để làm gì?
Đã đến lúc phải thay đổi tư duy: Hãy sống tận hưởng khi điều kiện cho phép
Bài toán đặt ra không phải nên mua xe hay mua đất, nên phục vụ sinh hoạt hay để "tiền đẻ ra tiền" mà là sự hợp lý trong nhu cầu cuộc sống của mỗi gia đình.
Ví dụ, 1 chiếc máy rửa bát thực sự cần thiết với người bận rộn nhưng nó lại là thứ gây chật chội, lãng phí với người thu nhập thấp và coi việc rửa bát chỉ tốn 10-20 phút mỗi ngày chứ không có gì nặng nhọc.
Ảnh minh họa
Chính vì vậy, vấn đề sẽ nằm ở nhu cầu của bạn. Giống như câu nói: Cuộc sống cần bánh mì nhưng cũng không nên thiếu hoa hồng. Quan trọng là bạn muốn 1 cuộc sống như nào, chồng con bạn cần điều gì, việc mua sắm có thực sự phục vụ tốt cho gia đình bạn không.
Thu nhập của cô vợ trên có thể cao trong mắt nhiều người thấp hơn cô ấy, nhưng cũng có thể chỉ ở mức bình thường với người thu nhập cao hơn cô ấy. Nên định lượng này vẫn là người trong cuộc hiểu nhất.
Nếu bạn cân đối các vấn đề: Thu nhập, chi phí sinh hoạt, chi phí phục vụ đời sống tinh thần, tiết kiệm, đầu tư… đều ở mức hợp lý thì tại sao lại tiếc tiền mua sắm cho bản thân, cho chồng con, cho người đang làm ra tiền mỗi ngày?
Kể cả mục đích sống của bạn là có thật nhiều nhà, đất, xe… hay các tài sản giá trị khác thì hãy ưu tiên việc chăm sóc bản thân, bởi tinh thần bạn có tốt, thoải mái thì mới tạo ra nhiều vật chất giá trị.