Quyết "cãi ý trời" thử nghiệm trồng lúa mùa khô
Theo truyền thống canh tác nông nghiệp tại Angola, mùa khô là mùa... nghỉ ngơi. Phần lớn người dân sẽ không trồng trọt vào mùa này, do thời tiết khắc nghiệt. Không khí khô và đặc biệt lạnh vào ban đêm, nước ngọt khan hiếm, hệ thống tưới tiêu vận hành tốn kém nên người ta chọn cách không làm gì.
Ở những nông trại do người Việt Nam và Trung Quốc vận hành tại Angola, điều ngược lại đang diễn ra. Người ta vẫn tích cực trồng hoa màu, rau củ trái mùa, dù sản lượng có thể không dồi dào như trong mùa mưa.
Đông Paulo đi qua những khóm mạ đã lên xanh, thị sát ruộng lúa nước
Với team Châu Phi, việc quyết định trồng lúa nước Việt Nam trong mùa khô Angola không đơn thuần là mạo hiểm, mà còn là liều lĩnh, thách thức thời tiết. Dù họ có kinh nghiệm trồng hoa màu trái vụ, nhưng lúa nước lại là chuyện khác.
Trang trại của Linh Phillip đã có vụ mùa thành công đầu tiên với lúa nước, nhưng vào mùa mưa. Việc họ thử nghiệm trồng trong mùa khô tiếp theo, ít ra còn có cơ sở, vì hệ thống thủy lợi đã hoàn thiện.
Một công nhân trong trang trại Đông Paulo đang làm đất, chuẩn bị xén mạ để gieo trồng
Còn với trang trại của Đông Paulo và Quang Dũng, bắt đầu trồng lúa nước vụ đầu vào mùa khô, họ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn. "Ban đầu tôi cũng suy nghĩ lắm, nhưng thấy bên anh Linh Phillip thành công, chủ động được gạo ăn, chúng tôi cũng được tiếp thêm động lực.
Tất cả các anh em trong team châu Phi đều quyết tâm, vụ này làm đồng bộ cấy lúa, có gì còn chia sẻ giống, phân bón, kỹ thuật với nhau. Chúng tôi đều hy vọng thành công. Nếu ổn thì tiến đến trồng 2 - 3 vụ lúa/năm, còn không ổn thì cũng có thêm kinh nghiệm", Đông Paulo chia sẻ.
Vụ này, trang trại Đông Paulo trồng khoảng 15 thửa ruộng
Đông Paulo cho biết, bà con sống ở khu vực trang trại của anh chưa từng tiếp xúc với cây lúa. Mấy anh em Việt Nam phải hết sức kiên nhẫn hướng dẫn, giám sát trong suốt quá trình từ làm đất, dẫn nước cho đến ủ mạ.
Đến khi xuống lúa, họ cũng phải chỉ dẫn, làm mẫu hết sức tỉ mỉ để bà con có thể trồng lúa đúng cách.
Đông Paulo hóa thầy giáo, thị phạm công nhân ở trang trại cấy lúa
"Hướng dẫn kỹ lưỡng rồi mà người ta làm sai vẫn nhiều lắm. Có khoảng 40 người đến tham gia cấy lúa và làm các việc khác của trang trại. Người xuống ruộng quá đông nhưng cấy lóng ngóng nên không mấy thẳng hàng.
Dù vậy, chúng tôi cũng vẫn động viên họ, chỉnh sửa lại nắn nót từng hàng. Người ta làm lần đầu, khó mà thạo việc như nông dân mình đã quen tay", cười lớn, anh cho biết.
Đông người làm nhưng chưa ai thành thạo, việc cấy lúa tại nông trại Đông Paulo chậm hơn dự kiến
"Công nghệ" cấy lúa kiểu mới từ Thái Bình "xuất khẩu" sang Angola
Để đảm bảo lúa được trồng đẹp, đều, thuận tiện cho việc chăm sóc, Đông Paulo tiết lộ, trang trại của anh phải đặt mua dụng cụ chuyên dụng để căn hàng lối. Dụng cụ này tương tự như dây căn hàng gạch trong xây dựng vậy.
Anh cho biết, ở Việt Nam, nông dân nào cũng có thể căn bằng mắt, ướm bằng tay để cấy lúa ngay hàng thẳng lối. Nhưng ở đây, có người phải mang cả que ra đo để làm cữ.
Công nhân trang trại được làm quen với "công nghệ" cấy lúa thẳng hàng của Việt Nam
Dụng cụ căn hàng đã hỗ trợ người dân trồng lúa đúng quy chuẩn. Với 15 thửa ruộng, Đông Paulo cho biết, 10 thửa được trồng theo kiểu truyền thống, mỗi hàng, mỗi cây cách nhau đều 20cm.
Còn lại, họ thử nghiệm cấy theo cách của một kỹ sư nông nghiệp ở Thái Bình hướng dẫn. Theo đó, khoảng cách giữa hai hàng lúa sẽ là 15cm, mỗi cây cách nhau 15cm. Mỗi hai hàng sẽ có khoảng cách 35cm.
"Theo kỹ sư tư vấn, đây là cách cấy mới nhất tại Việt Nam, vừa chống được sâu bệnh, vừa dễ xuống ruộng chăm sóc lúa tốt hơn. Chúng tôi làm thử nghiệm vài ruộng xem sao, cũng để so sánh với cách cấy truyền thống mà mình vẫn quen thuộc.
Sau khi xuống hết mạ, nhìn thấy lúa "tỉnh", thẳng thớm, không cây nào gục đầu, anh em cũng phấn khởi. Giờ lại hồi hộp chăm sóc những ngày sau. Chỉ sợ nhất là rét quá nó chết thôi, còn lại anh em chúng tôi cố gắng làm kỹ từng bước rồi", ông chủ trang trại tâm sự.
Thành quả của buổi cấy là những hàng mạ thẳng tắp