Cuộc sống không con cái, “có tiền nhưng không có chỗ để tiêu”
Hai năm trước, tôi từ thành phố chuyển về vùng nông thôn thanh bình. Nhiều người ở quê tò mò việc tại sao tôi hồi hương một mình, không có chồng con đi cùng nhưng tôi chỉ cười nhạt. Trở lại câu chuyện cách đây hơn 40 năm, khi tôi mới “chân ướt chân ráo” lên thành phố làm việc. Phụ nữ khi đó thường kết hôn khoảng 20 tuổi, thậm chí nếu không lập gia đình trước 25 tuổi, bố mẹ có thể không cho bạn về nhà.
Nhưng khi ấy tôi đã có một cái nhìn khác mọi người. Với tôi kết hôn hay sinh con không phải việc bắt buộc, miễn là tự bản thân mỗi người hạnh phúc. Cuộc sống đắt đỏ tại thành phố với guồng quay công việc hối hả càng làm tôi mong muốn không vướng bận thêm bất cứ trách nhiệm nào nặng nề nữa.
Tôi gặp một người đàn ông họ Du năm 26 tuổi và quyết định đến với nhau vì chúng tôi đều chung ý định sẽ không có con. Cha mẹ 2 bên khi biết chuyện rất tức giận nhưng chúng tôi vẫn kiên định với quan điểm của mình.
Ảnh minh họa
Với những gia đình không con cái, trước năm 60 tuổi bạn hoàn toàn có thể tận hưởng cuộc sống không rắc rối chỉ cần tập trung vào niềm vui của bản thân. Trong khi nhiều người bạn của tôi mất ngủ hàng đêm vì con quấy khóc, mệt mỏi vì thành tích học tập không như ý của con thì vợ chồng tôi vẫn tập trung phát triển sự nghiệp. Tài chính của các gia đình như chúng tôi chắc chắn sẽ thoải mái hơn người khác vì khoản chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ ở thành phố là vô cùng lớn.
Thế nhưng sau khi về hưu, cuộc sống của tôi bắt đầu trở nên nhàm chán. Tuổi càng cao, việc đi lại bắt đầu bất tiện, có 3 triệu NDT tiền tiết kiệm (gần 10 tỷ đồng) thì cũng không có chỗ tiêu. Sau 60 tuổi, mối quan hệ giữa tôi và chồng nhạt dần, không còn nhiều chủ đề để trò chuyện và cũng không có sự ràng buộc về trách nhiệm.
Khi ấy tôi lại nhớ về không khí đầm ấm của gia đình mình ngày xưa, có bố mẹ, có em trai và mong muốn về quê “trỗi dậy” trong tôi. Tôi nói lời tạm biệt với chồng, cũng không hẹn ngày gặp lại để mỗi người có thể tự do chọn cách sống khi về già.
Về quê vào viện dưỡng lão vẫn chạnh lòng vì không có người thân
Trở về quê sau nhiều năm, cha mẹ tôi đều đã mất, những người thân họ hàng đều có phần xa cách, ngồi lại cũng như người xa lạ. Vậy nên chỉ ở ngôi nhà cũ 2 tháng, tôi quyết định vào viện dưỡng lão. Dù sao ngồi trò chuyện với những người đồng trang lứa lại có nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng tốt.
Thế nhưng khi bắt đầu cuộc sống mới tại đây, tôi lại phát hiện ra người có tiền cũng không phải người hạnh phúc nhất ở viện dưỡng lão. Tôi chi trả loại phòng đơn đắt nhất, có điều dưỡng riêng. Ngày tôi chuyển vào chỉ có một mình xách hành lý trong khi những người khác đều có con cái phụ giúp, quan tâm dặn dò.
Những người sống ở đây cũng không hẳn cô đơn, con cháu họ đều vào thăm vài tháng một lần, đem theo quà và đưa họ đi dạo để trò chuyện. Thậm chí khi xích mích với người khác, họ có thể ngay lập tức gọi người thân trong gia đình đến bênh vực, giải quyết. Tôi từng ở trong tình huống như vậy, khi ấy mới thấy mình thiệt thòi và có chút tủi thân.
Viện dưỡng lão cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội để người thân gia đình đến tham gia, vui chơi. Chỉ có tôi và một vài người nữa chưa từng có con cháu đến thăm. Sống trong viện dưỡng lão được 6 tháng, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc có con, dù chỉ dồn công dồn sức nuôi dạy một đứa thì cuộc sống bây giờ của tôi cũng dã khác.
Nhiều người trẻ hiện nay cũng lựa chọn cuộc sống không con cái vì lo lắng tai chính cũng như việc phải gánh vác trách nhiệm lớn. Thế nhưng với trải nghiệm của tôi, về già, tiền bạc có thể không quá “rủng rỉnh” nhưng quan trọng là nhận được sự quan tâm, chăm sóc khi cần thiết. Nếu không có con cái thì càng cần có mối quan hệ bền chặt với “một nửa” của mình, hoặc anh chị em họ hàng, bạn bè.
Về hưu không con cháu cũng đồng nghĩa với việc phải có kế hoạch nên làm gì trong khoảng thời gian tiếp theo để mỗi ngày trôi qua bạn vẫn cảm thấy bản thân có giá trị và cảm nhận ý nghĩa cuộc sống. Với tôi có ân hận thì mọi thứ cũng đã muộn, chỉ có thể an phận, thả lỏng bản thân để chấp nhận thực tại.
Bài viết dựa trên lời kể của cụ bà Bạch Gia Lăng, 67 tuổi trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)