Không cần vất vả lao động vẫn có cuộc sống như mơ?
Trên TikTok, có rất nhiều tài khoản sở hữu hàng trăm nghìn người theo dõi với loạt nội dung chủ yếu là ngồi chia sẻ về cách làm giàu nhanh, không cần kiếm tiền theo công thức chung vẫn có cuộc sống như mơ.
Mục đích xuất hiện trên TikTok của loạt chuyên gia này là truyền cảm hứng, mong mọi người đều có thể biết cách kiếm được thu nhập "khủng" giống như mình.
Thế nhưng, đây cũng chỉ là một trong những chiêu thức lợi dụng ham muốn làm giàu, kiếm tiền của phần đông người xem để bán khóa học, gắn link những trang đầu tư không ai kiểm định. Tuy nhiên, nguy hiểm nằm ở chỗ nếu bạn muốn trở nên giống như những "người thành công" ấy, bạn phải nộp tiền để tham gia khóa học của họ. Nhưng học làm giàu, ai là người giàu lên thì họ không nói.
Thử tìm kiếm các hashtag như #lamgiau, #tuduylamgiau, #biquyetthanhcong,... một loạt các video gợi ý hiện ra. Nhưng ấn vào xem từ đầu đến cuối, bạn sẽ khó lòng hình dung ra bí quyết để giàu lên là gì, mọi thứ đều sáo rỗng, vừa nghe xong đã quên mất.
Một CEO, chuyên gia, huấn luyện viên tự xưng trên TikTok có thể khoe kiếm được tiền tỷ mỗi tháng, đa zi năng hơn, họ còn thông thạo nhiều lĩnh vực từ xây dựng thương hiệu cá nhân, quản trị kinh doanh, khởi nghiệp rồi marketing, đầu tư, bất động sản,... Lĩnh vực nào họ cũng nói được và tỏ ra mình là người sành sỏi, có kinh nghiệm lâu năm.
Phía dưới phần bình luận, rất nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ. Đa phần, họ đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, ham làm giàu. Hoặc những người có suy nghĩ hết sức đơn giản, dễ dàng bị lừa vì nghĩ đi học về có thể khởi nghiệp "thoát nghèo".
Thế nhưng, độ uy tín, chân thật của những chuyên gia tự xưng và các khóa học làm giàu này thật khó có thể kiểm chứng. Duy chỉ có 1 điều khẳng định được rằng, sau khi đi học, bạn chưa chắc đã giàu lên nhưng người bán khóa học thì có!
Ngoài các clip gắn link khóa học dạy làm giàu, một dạng nội dung nữa cũng khiến nhiều người thắc mắc không kém là kiếm tiền tại nhà, không cần đi làm vẫn có tiền tiêu đều đặn. Khác với kiểu trên, dạng video này hướng đến đối tượng là các bạn trẻ, sinh viên,... có đam mê tăng thu nhập nghe đúng kiểu vừa dễ chơi, vừa dễ trúng thưởng nên ai cũng tò mò. Tuy nhiên, khi tìm theo tên các website mà những TikToker này hướng dẫn, bạn sẽ thấy mọi thứ không đơn giản đến vậy.
Rất nhiều người tự xưng là tỷ phú, doanh nhân chia sẻ về cách làm giàu nhưng gắn link mua sách hoặc khóa học
Nói là không yêu cầu kinh nghiệm nhưng ít nhất bạn phải có khả năng ngoại ngữ đầu tiên. Chưa kể, cách thức tạo tài khoản hay đăng nhập đều khá khó khăn và nhiều bước. Nhưng nếu bạn muốn tăng thu nhập dễ dàng hơn thì vẫn còn cách. TikToker sẽ gợi ý cho bạn cách kiếm tiền ngay trên nền tảng TikTok bằng cách affiliate marketing (tiếp thị liên kết). Tuy nhiên khoan hãy nghĩ mình là KOL hay KOC, vì để biết được cách thức kiếm tiền này bạn vẫn phải đăng ký vào nhóm hoặc một đường link mới được hướng dẫn.
Khi đăng nhập, một số ứng dụng sẽ yêu cầu nhập mã giới thiệu, và đây là cách để những người làm video ăn hoa hồng. Bên cạnh đó, có những video hướng dẫn làm cộng tác viên không cần bỏ vốn nhưng cái kết vẫn mất mấy trăm nghìn lại không kiếm được đồng nào.
Kiếm tiền dễ thế chẳng dại mà khoe, biết đâu các chuyên gia cũng đang nợ đầm đìa
Chính những dạng video như trên khiến nhiều người trẻ cảm thấy áp lực thậm chí nghĩ bản thân thua kém vì đi làm quần quật mà không giàu. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người tỉnh táo, cảm thấy những thứ như khóa học làm giàu hay "không làm vẫn có ăn" thật khó tin cậy.
Thanh Tâm (23 tuổi) đang làm trong lĩnh vực truyền thông, cô bạn cho biết bản thân đủ hiểu những chiêu trò của loạt video trên đều phục vụ mục đích thương mại, kiếm tiền cho cá nhân.
"Mình tin là nếu học xong một khóa học mà có thể giàu được ngay… thì những người dạy không cần đi bán khóa học. Nhiều người học Đại học rồi thạc sĩ, tiến sĩ nhiều năm trời có khi họ cũng chưa thể sở hữu khối tài sản khủng được. Vậy mà qua một khóa học lại có thể 'làm giàu', nghe quá vô lý.
Thanh Tâm cảm thấy vô lý với những khóa học dạy làm giàu
Tuy nhiên nó vẫn hấp dẫn với bởi đó là tâm lý, nhu cầu của nhiều người. Nhìn người này thành công, người kia giàu có, xe hơi, nhà đẹp nên ai cũng muốn giàu nhanh là chuyện bình thường. Thực ra, nhu cầu làm giàu không xấu nhưng nó dễ khiến nhiều người trẻ không tỉnh táo mà chọn những cách thức sai lầm để cải thiện kinh tế, khóa học làm giàu có lẽ là 1 trong số đó", Thanh Tâm nói.
Với Khánh Linh (29 tuổi), cô thừa nhận đôi khi bản thân cũng cảm thấy áp lực khi xem những video khoe kiếm tiền "khủng" của những bạn trẻ tuổi hơn. Song, khi biết họ gắn link khóa học hay quảng cáo cho những thứ gì đó không uy tín, Khánh Linh thấy ngán ngẩm và lựa chọn lướt qua.
Theo Khánh Linh, mỗi người sẽ có một mục đích, cách sống hay những hướng đi khác nhau. Do vậy, không tránh được việc nhiều người thích "ăn xổi", chỉ muốn chớp mắt là có tiền. Nên đây sẽ là "mồi lửa" để các chuyên gia tự xưng châm lên những ảo tưởng và rồi "lùa gà".
"Nhìn những người trẻ kiếm 100 triệu/tháng trên TikTok mà chẳng phải làm quá nhiều, hiển nhiên sẽ có chút áp lực. Mình sẽ nghi ngờ về năng lực của bản thân, liệu mình có đang thụt lùi so với họ hay không. Đôi lúc, mình sẽ quan ngại rằng liệu bản thân có thể nuôi sống mình không. Nhưng suy cho cùng, số người làm được những điều đó cũng chẳng nhiều, cũng không ai biết rằng người dạy làm giàu có thể có 3-4 khoản nợ hàng tỷ đồng đằng sau, cũng không có gì chứng minh rằng việc họ kiếm được 100 triệu là tin xác thực", Khánh Linh bày tỏ.
Khánh Linh từng áp lực khi lên TikTok thấy ai cũng kiếm tiền trăm triệu
Hoàng Anh (25 tuổi) thì cho hay: "Khoá học dạy làm giàu, chỉ riêng cái tên cũng khiến mình cảm thấy khôi hài. Thật lòng mà nói nếu 1 người có thể kiếm được rất nhiều tiền 1 ngách nào đó, tại sao họ chọn công khai cho mọi người biết. Thay vào đó, họ có thể giữ lại cho riêng mình để tránh việc quá nhiều sự cạnh tranh trong lĩnh vực. Nếu cầu nhiều hơn cung thì lúc đó mới có thể kiếm được nhiều tiền hơn".
Ngoài ra, Hoàng Anh cũng cho biết những dạng nội dung thế này khiến sinh viên, người trẻ mới ra trường có suy nghĩ lệch lạc về chuyện kiếm tiền. Họ sẽ nghĩ, việc kiếm tiền rất dễ dàng, bỏ ít sức lực cũng có được thu nhập lớn là chuyện bình thường. Và cũng chính vì vậy, họ là những đối tượng dễ mắc sai lầm khi tìm việc, kiếm tiền và cũng dễ bị lừa hơn.
"Những nội dung như thế trên TikTok khiến cho 1 thế hệ trẻ quên đi những điều thầy cô dạy trên ghế nhà trường và sa đà vào việc kiếm tiền nhanh. Con đường không bền, việc trả giá cho những sai lầm liên quan đến tiền bạc là rất lớn.
Mình nghĩ những người làm nội dung cần cân nhắc kỹ càng về những gì mình đưa ra trên MXH. Còn những người xem TikTok cần có nhận thực tốt hơn trong việc lựa chọn cái tốt để tiếp nhận. Vì cuối cùng, mỗi quyết định đưa ra là do chính bản thân bạn lựa chọn kể cả nó bị ảnh hưởng bởi người khác, người chịu trách nhiệm vẫn là bạn mà thôi", Hoàng Anh chia sẻ.