Từ “nàng thơ Tây Bắc” đến cô nông dân ở Tây Nguyên
Khoảng 4 năm trước, Tâm An, chủ kênh YouTube “Bếp trên đỉnh đồi” nhận được nhiều sự chú ý. Thời điểm đó, cô bỏ nghề designer, đến sống giữa thung lũng Mường Hoa, trong bản Ý Linh Hồ, Sa Pa để làm quản gia, đầu bếp cho một homestay.
Công việc chính của cô mỗi ngày là chăm chút cho homestay, nấu nướng các món chay cho khách đến nghỉ dưỡng. Thời gian rảnh, cô chơi với lũ trẻ hàng xóm, quay clip để lưu lại kỷ niệm đẹp của mình với núi rừng Tây Bắc. Loạt video mỹ thực “khoe” các món chay thực dưỡng công phu và cuộc sống thú vị nơi núi rừng Tây Bắc, bên những đứa trẻ dễ thương hàng xóm đã khiến nhiều người say mê.
Kênh YouTube "Bếp trên đỉnh đồi" của Tâm An từng được nhiều chú ý với các clip mỹ thực.
Xuất hiện trong những video mỹ thực của mình, Tâm An thường mặc đồ vải thô, nhuộm chàm, nhuộm củ nâu, tết tóc hoặc buộc lọn phía sau. Những món ăn cô nấu chủ yếu dùng nguyên liệu thực vật gần gũi, rau củ hái ở vườn nhà, hoặc trong rừng.
Một số dụng cụ nấu nướng Tâm An quen dùng như chảo lớn, xửng hấp tre, đặc biệt là căn bếp ngập ánh sáng trên đỉnh đồi thời điểm ấy khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của Lý Tử Thất - “tiên nữ đồng quê” Trung Quốc đã khơi nguồn cảm hứng bỏ phố về quê cho nhiều người trẻ.
Với Tâm An, những năm tháng sống nương tựa núi rừng và con người bản địa thung lũng Ý Linh Hồ đã để lại những ký ức đẹp đẽ. Đó là những ngày cô mang chiếc gùi cùng tụi trẻ men theo những thửa ruộng bậc thang hái diếp cá, rau má, rau cần… rồi xuống rừng bẻ măng, hái thảo quả và trái cây rừng…
Những năm tháng ở Ý Linh Hồ, Tâm An đã có một gia đình lớn thứ hai.
Đó là những bữa ăn cơm chan nước lọc nhưng ngập trong tiếng cười. Là những ngày hè ra dòng suối mát lành tắm cùng tụi nhỏ. Là những đêm sương muối buông, mấy cô cháu ngồi bên bếp củi, nướng ngô nướng khoai nghêu ngao hát… Cô ghi lại những khoảnh khắc ấy ở kênh “Bếp trên đỉnh đồi”.
Có những người theo dõi kênh YouTube thì mê tít Tâm An, gọi cuộc sống của cô là giấc mơ giữa đời thực. Cũng có những người ngồi phân tích từng góc quay, từng khung cảnh, để ý cả cách đi đứng, ăn mặc của Tâm An và cho rằng, cô đang “đạo nhái” Lý Tử Thất chứ không có cá tính sáng tạo riêng biệt. Vụ việc này ồn ào ở cả MXH Việt Nam lẫn Trung Quốc, tranh luận căng thẳng đến mức Tâm An phải “ở ẩn” một thời gian.
Kênh YouTube đem lại cho cô sự chú ý và cả rắc rối.
Từ đầu năm 2020, Tâm An không ở Tây Bắc, ở góc bếp quen thuộc bên những đứa trẻ vùng sơn cước, những hàng xóm thân thiện và bà cụ yêu mến cô như gia đình nữa, mà về Krông Bông, Đắk Lắk sống. Lần này không phải đi chơi nữa, mà về quê lập nghiệp.
Tâm An trở về quê hương lập nghiệp trên mảnh đất cà phê già của bố mẹ. Vườn cà phê già rộng 3 hecta bỏ không gần 5 năm, cô quyết định phá toàn bộ để trồng rừng, trồng các loại đậu xen canh và làm xưởng chế biến nông sản.
Về Đắk Lắk sống, cô toàn tâm toàn ý làm nông dân.
“Thời gian đầu điện không có, nước không có, xa xóm làng, đường lầy lội, mùa mưa ai đi vào con đường này cũng lắc đầu ngao ngán. Bạn bè đến chơi, mình không ít lần phải chạy ra giúp bạn đẩy xe vì lầy.
Năm nào mưa nhiều, đường vào làng còn bị ngập nơi đây thành một ốc đảo cô lập. Đến chính bố mẹ mình ban đầu còn bảo: Để bố đi tìm khu đất khác tiện nghi và điều kiện tốt hơn giúp cho chứ ở đấy làm sao ở được”, cô hồi tưởng lại.
Xưởng sản xuất thơ mộng của gia đình Tâm An.
“Bỏ bê” kênh YouTube nhưng chăm chỉ làm “cô chủ nhỏ”
Về quê lập nghiệp là thế, không phải con đường của kẻ mộng mơ mà phải đánh đổi bằng tình yêu, sự lao động vất vả. Sau 2 năm dốc sức cải tạo, khu vườn hoang của bố mẹ đã trở thành thiên đường nhỏ của Tâm An: Có điện sinh hoạt, có cả điện 3 pha dùng cho sản xuất, nước sạch trên thác được kéo về dùng, đường xá thỉnh thoảng lại thuê xe đổ đá nên cũng đỡ hơn.
Nhà gỗ được Tâm An chăm chút từng góc nhỏ.
Tâm An cũng xây dựng được một khu sản xuất nông sản. Cô trở thành bà chủ nhỏ của nông trại, với người làm là gia đình, bố mẹ và các cô, các chị, các bác trong làng… “Mình làm mọi thứ cứ từng bước một, nhưng mỗi công việc, mỗi hành trình, mỗi kế hoạch đều tràn đầy niềm tin và hạnh phúc. Nơi mình ở, mình nghĩ đây chính là thiên đường của mình”.
Cô chọn sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên.
Về quê lập nghiệp, Tâm An đã “kịp” kết hôn và sinh con. Em bé Đậu dễ thương thường được mẹ khoe ảnh cùng những góc nhà, ruộng đồng xanh mướt khiến nhiều người theo dõi Tâm An cũng “rung rinh”.
Em bé Đậu được mẹ cho sống gần nắng gió, ruộng đồng.
Trong thời gian tập trung xây dựng công việc kinh doanh, kênh “Bếp trên đỉnh đồi” của cô gần như không có hoạt động gì. Hơn 2 năm nay, Tâm An không ra clip mới.
Dù vậy, cô vẫn khoe những ảnh chụp xinh như mộng về nơi cô sống, căn nhà gỗ ngập đầy ánh nắng, đẹp như homestay, cảnh làm mạch nha, ruộng đồng xung quanh xưởng… Cô dường như đang muốn tập trung tối đa năng lượng cho gia đình nhỏ và công việc kinh doanh.
Gia đình nhỏ của Tâm An.
Chia sẻ về việc quyết định sống ở quê, Tâm An trải lòng, khi về quê, cô đã từng nhận được nhiều bình luận đại loại như: Sống một mình thì sống đâu chả được, nhưng khi có gia đình rồi, có con rồi mới biết khó khăn khi xa cuộc sống phát triển bên ngoài thế nào, con cái sẽ không có nhiều bạn bè, không được môi trường học hành tốt hơn…
Những điều này cô rất hiểu, và cho rằng: “Đôi khi đứng giữa những quyết định, thì chẳng có quyết định nào là đúng hay sai, tốt hay không tốt mà điều quan trọng là nó phù hợp với lối sống của mỗi người. Ở đâu cũng trở nên tốt đẹp hết nếu mình thực sự yêu thích, hài lòng và sống hết mình với những gì xung quanh mình đang có.
Ở nơi đây, mình cùng con làm bạn với cỏ cây hoa lá, khi con lớn hơn chút sẽ cùng con làm vườn, trồng cây, rồi cùng nhau thu hái rau củ rồi vào bếp nấu những món từ chính nguyên liệu tự tay trồng được.
Mình sẽ nắm tay con dạo chơi trên cánh đồng thơm mùa lúa chín, cùng con ngửi mùi rơm rạ thơm nồng mới gặt xong. Vườn đậu chín, mình sẽ cho con thu hái cùng cả gia đình, rồi trưa nắng cùng nhau ngồi dưới tán cây mát rượi.
Mùa sen nở, con sẽ ôm từng đóa sen trắng muốt thơm ngát hít hà. Mùa mây giăng bên núi, mình sẽ ôm con bên khung cửa kể truyện cho con nghe và ngắm mây múa lượn.
Khi nào con lớn đến tuổi đi học, cho con học trường trong làng, để có thêm bạn bè cho vui. Còn nếu muốn con học hành thêm một lĩnh vực nào đó, mình nghĩ cũng không quá khó khăn đâu, thời buổi của online phát triển mà!”.
Với Tâm An, lựa chọn sống ở quê, lập nghiệp từ những nông sản vườn nhà là hoàn hảo với cô thời điểm này.