Người đăng bài là chị Minh Dung (sinh năm 1989, hiện là giáo viên can thiệp cho các bé có rối loạn phổ tự kỷ tại quận 7, TP.HCM). Vào đầu tháng 9, chị Dung vào nhóm hỏi xin mọi người đồ cưới để tổ chức lễ tại Tiền Giang.
"Không phải vì sợ tốn kém mà tôi không đi thuê hay mua, nhưng là để tiết kiệm, cũng như xin vía gia đình hạnh phúc của chị em đi trước", chị viết.
Chị Dung mong muốn xin được áo dài cưới màu đỏ hoặc trắng và ghi rõ số đo ba vòng, cân nặng, chiều cao, có thể nhận được ở khu vực nào, kèm lời hứa: sau khi mặc xong, giặt ủi sẽ đăng lên tặng bạn khác ngay.
Không ngờ bài đăng này nhận được sự hưởng ứng của chị em trong nhóm Freecylce Saigon trên Facebook, hàng loạt "cựu" cô dâu chụp ảnh, bình luận vào bài xin được tặng.
Ngày 2-11, chị Dung đăng tiếp bài cảm ơn về đám cưới không tốn tiền sắm đồ, mà chỉ tốn tiền thuê cho chồng bộ vest giá 300.000 đồng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online , chị cho biết: " Một chiếc áo dài cưới, chiếc đầm cưới khi mua giá không hề rẻ, và thường chỉ mặc một lần vào dịp cưới hoặc lâu thiệt lâu mới mặc lại vào dịp kỷ niệm đặc biệt, nhưng có thể đã không vừa.
Lý do tôi quyết định xin đồ từ các chị em đã cưới là tiết kiệm chi phí không nhỏ cho bản thân và gia đình nhỏ của mình. Tôi cũng muốn giúp cho người tặng được kéo dài vòng đời của những món đồ họ yêu thích ", chị nói.
Chị đã xin được một chiếc đầm, áo dài và một đôi giày cưới màu hồng còn rất mới và đẹp mắt từ nhóm.
Các bạn tặng đồ đều rất nhiệt tình và tâm huyết với món quà tặng. Đồ được gói rất kỹ khi gửi tới. Có bạn hỗ trợ gởi đến tận nhà và thanh toán cả phí gởi. Có bạn khi chị đến nhận trực tiếp liền nở nụ cười vô cùng thân thiện, không quên gửi kèm những câu chúc phúc ngọt ngào.
Họ còn hỏi han cô dâu mặc vừa đồ không, dặn dò nên bới tóc cho đẹp và không quên hẹn "khi nào cưới nhớ cho xem hình".
"Các món quà dường như dành sẵn cho tôi. Tôi không cần sửa gì cả, chỉ cần giảm 1-2kg nếu chật. Chồng chỉ biết rằng tôi được tặng áo dài cưới và đầm cưới từ những người bạn và sẵn sàng chở đi nhận", chị kể thêm.
Ở nhóm, chị cũng hay tặng đồ như sách, quần áo, giày, đồ bảo hộ và có lần tặng một chiếc xe đạp và nhiều thứ khác.
Cảm giác tặng đồ cho người khác khiến chị hạnh phúc, nôn nao chờ người nhận và vui như nhặt được vàng khi các bạn ấy gởi phản hồi thích món quà mình tặng.
Có người cho rằng đám cưới cả đời mới có một lần, không nên quá tiết kiệm. Với chị Dung, khi nhận được chiếc đầm cưới, chị đã có dịp tìm hiểu về lịch sử chiếc váy, về cặp đôi vừa cưới. Hơn nữa, đây cũng là món đồ phù hợp được chị lựa chọn. Sử dụng đồ cũ cũng là một cách kéo dài tuổi thọ của đồ đạc, tiết kiệm tiền của và hạn chế sự hoang phí.
Cô dâu kể thêm, đám cưới ở quê nên mọi thứ đều tự làm, từ tự cắm hoa, chưng bàn đến làm sổ ký tên. Đồ cưới được tặng cũng đem lại cho chị cảm giác rất mới.
"Ba mẹ, mẹ chồng và mọi người đều biết rằng tôi được tặng đồ. Điều đó chứng tỏ cô dâu được yêu thương nên ai cũng vui, cũng mừng vì giá trị quà tặng quy ra vật chất không hề rẻ.
Nếu như chiếc đầm cưới ngày hôm đó đi thuê, chắc tôi phải đền cho tiệm vì mưa và sình làm đầm lấm bẩn. Nhưng chiếc đầm này, tôi sẽ trân trọng và cố gắng tẩy nó cho thật mới để mang đến cho người nhận sau một cảm nhận hạnh phúc như tôi vào ngày được tặng", chị cho biết.
Cô dâu cũng không quên gửi lời cảm ơn đến chủ nhân của chiếc đầm, áo dài và mong tẩy trắng sạch các món đồ để tiếp tục trao tặng đến người cần.