Khi quê nhà gái ở Đồng Tháp, đàng trai quê ngoại cũng ở miền Tây thế nên lễ vu quy lần này được tổ chức rất chỉn chu, không thiếu nét đặc trưng nào của phong tục cưới nơi đây: Cổng long phụng kết từ lá dừa và các nguyên liệu tự nhiên khác, vừa hoành tráng vừa độc lạ; Tiệc nhóm họ rộn ràng có sự góp mặt của bạn bè và hàng xóm nghĩa tình, khuấy động không khí trước lễ cưới sáng hôm sau; Rước dâu bằng ghe thuyền rôm rả, sính lễ trầu cau trà bánh và cả những nghi lễ xin dâu đậm chất miền Tây!
Cổng cưới lá dừa kết long phụng
Một trong những đặc trưng khiến ai ai cũng thích mê ở miền Tây đó là cổng cưới được làm rất quy mô. Đương nhiên Puka cũng không thể bỏ qua chi tiết này, khi mạnh tay chi tiền làm cổng kết long phụng, dù hoành tráng nhưng vẫn giữ nét thuần miền Tây như: Lá dừa là nguyên liệu chính, cặp đôi rồng phượng kết bằng hoa cau, rau củ,... điểm xuyết chính là hoa sen trắng - loài hoa đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp - quê cô dâu.
Cổng cưới lá dừa - đặc sản miền Tây trong đám cưới của GinPu: Hình long phụng sống động như thật, bên trên được gắn thêm những chiếc chong chóng lá dừa điểm xuyết thêm những bông hoa sen trắng khiến chiếc cổng càng thêm tinh tế, đẹp mắt.
Phía bên trong cổng chính còn có một khu vực được decor bằng song cửa gỗ nâu kết hợp với những chiếc lá dừa bản to, làm địa điểm để khách mời được checkin thỏa thích
Vì phía trước cổng chính nhà Puka là một con sông nước có bến để đón ghe, thuyền. Tại đây, cặp đôi cũng trang trí cổng rất chỉn chu: Lá dừa còn được thắt thành hoa, trang trí cổng bến thuyền chờ cho nghi thức đón dâu trên sông nước. Thế là có thêm một background để chụp ảnh, đơn giản hơn cổng chính nhưng vẫn có các chi tiết rất miền Tây như: Giỏ, đơm bắt cá làm bằng tre, nứa,...
Cổng phụ đón ghe rước dâu
Tiệc nhóm họ rộn ràng - đậm chất miền Tây
Một trong những điểm khác biệt của các đám cưới ở quê so với thành phố là tiệc nhóm họ: Ăn uống, hát hò, nhạc cưới rình rang và những mâm cơm thân mật cùng gia đình, bạn bè. Đặc biệt hơn ở miền Tây thì còn có phần cô dâu với chú rể phụ (là bạn bè hoặc người thân nào đó đóng vai chú rể) mặc đồng phục cùng nhau tiến vào đám nhạc. Nhà trai, nhà gái tất cả đều đến để chúc phúc và chúc mừng cho đôi uyên ương.
Theo đó, bà con làng xóm ở Đồng Tháp cũng rủ nhau kéo tới nhà Puka để check-in, tạo nên bầu không khí cực kỳ rộn ràng và náo nhiệt. Còn hội bạn bè trong showbiz Việt khi ăn tiệc này cũng diện đồ phong cách dân dã chứ không lên đồ lồng lộn, hoà tan luôn vào nét văn hoá đặc trưng này!
Tiệc nhóm họ rộn ràng - đậm chất miền Tây
Rước dâu bằng ghe thuyền
Rước dâu ở miền Tây là một phong tục đẹp và có phần khác biệt với phần còn lại. Thường thì phương tiện đưa dâu là đi bộ hoặc ghe, xuồng hoặc vỏ lãi. Đám cưới của Puka và Gin Tuấn Kiệt đem sính lễ sang nhà gái bằng đi ghe khá lớn, có thể chở cùng lúc hơn 30 người. Trên ghe được cài cắm thêm các hoạ tiết quen thuộc như chong chóng lá dừa, đơm, lồng bằng tre nứa,... Hoà cùng bầu không khí sôi động của nhà trai tạo nên khung cảnh vừa lãng mạn lại đẹp mắt.
Gin Tuấn Kiệt cùng dàn bê tráp nhà trai lên ghe để sang nhà gái. (Ảnh: bigheadchou)
Không khí đám cưới miền Tây quả thực khiến hội "ăn cưới online" háo hức lây!
Việc đưa dâu trên sông cũng tạo ra một bầu không khí phấn khởi đến lạ. Loạt khoảnh khắc vui nhộn của buổi lễ sáng nay được các sao Vbiz cập nhật liên tục. Hội "ăn cưới online" cũng vì vậy mà hưởng được không khí rộn ràng của đám cưới miền Tây.