Ông bà nội - ngoại đều ở quê và không thể lên thành phố trông cháu, bản thân hai vợ chồng đều là dân văn phòng - "đi từ sáng sớm, tối muộn mới về", với những gia đình trẻ đang ở trong hoàn cảnh này, chi phí thuê người chăm con/trông con quả thực là một gánh nặng.
Bấm bụng dành hơn nửa tháng lương trả tiền thuê giúp việc
Cách đây 18 tháng, vợ chồng Hải Ngọc (29 tuổi) và Tiến Thành (32 tuổi) chính thức bước vào "đường đua" dành cho những ông bố, bà mẹ bỉm sữa. Dù đã chuẩn bị cả kiến thức lẫn tài chính trước khi em bé chào đời, nhưng vợ chồng trẻ này vẫn không tránh được những "cú shock" ngoài sức tưởng tượng.
Sinh hoạt đảo lộn, giấc ngủ của bố mẹ chập chờn theo tiếng khóc oe óe của con? Chuyện này đúng là cũng có phần chưa quen, nhưng không quá khó để thích nghi, vì cả hai đã chuẩn bị tâm lý từ trước.
Vấn đề gây shock đến mức ngoài sức tưởng tượng của Hải Ngọc và Tiến Thành chính là chi phí thuê người chăm con, khi đã hết 6 tháng nghỉ thai sản. Dù đã dự trù khoản chi phí này từ trước, mọi chuyện cũng chẳng êm xuôi.
Ảnh minh họa
"Chồng mình làm ngân hàng, còn mình làm trong lĩnh vực kiểm toán. 8h sáng đi làm, 8h tối mới về đến nhà là chuyện như cơm bữa rồi. Hai vợ chồng gắng chăm chỉ thì thu nhập cũng đủ sống và có dư một ít, nên mình không muốn nghỉ việc, mà đi làm lại thì tiền thuê giúp việc là vấn đề rất nan giải" - Hải Ngọc chia sẻ.
Sau đó, bà mẹ trẻ cho biết khi con 14 tháng, cô mới gửi con đi nhà trẻ. Suốt từ tháng thứ 6 tới tháng thứ 14, vợ chồng Hải Ngọc phải thuê giúp việc full-time, bao ăn ở. Tiền lương cho giúp việc 10 triệu/tháng (chưa tính chi phí ăn uống).
Những tưởng cho con đi học rồi, vợ chồng Hải Ngọc sẽ cắt được khoản thuê người trông con, nhưng thực tế thì không.
"Con đi học được 2 tuần thấy ổn ổn, trộm vía không ốm đau nhiều nên mình cũng đã không thuê giúp việc nữa. Hai đứa tự nhủ với nhau là cố một tí mà tháng tiết kiệm được 10 triệu thì thôi cũng cố, nhưng cho bác nghỉ được 1 tuần, cả hai vợ chồng mình khóc thét. Công việc thì vừa bận vừa áp lực, ngành của chúng mình nó thế, không tránh được. Thi thoảng xin về sớm đón con thì còn tạm chấp nhận được, chứ ngày nào cũng thế thì công ty đuổi việc sớm. Mà ngày nào cũng để con ở lại lớp tới tận 7 rưỡi, 8h tối thì tội con.
Hơn nữa là đi làm về muộn, về tới nhà còn phải tắm cho con, cho con ăn, nấu nướng cho 2 vợ chồng. Ăn xong thì lại đến tiết mục chơi với con, rồi cho con đi ngủ. Xong xuôi đâu đấy, nhìn đồng hồ cũng gần 11h đêm. Thực sự là chúng mình chịu không nổi" - Hải Ngọc thở dài.
Cuối cùng, Hải Ngọc đành tiếp tục bấm bụng thuê giúp việc. Vì con đã đi học nên cô quyết định chỉ thuê giúp việc theo giờ, từ 16h30 đến 21h30 - tương đương 5 tiếng/ngày. Nhiệm vụ của bác giúp việc cho gia đình Hải Ngọc là đi đón bé, vệ sinh cho bé, cho bé ăn và nấu bữa tối cho 2 vợ chồng cô, đồng thời dọn dẹp nhà cửa. Mức lương mà vợ chồng Hải Ngọc trả cho bác giúp việc là 50k/giờ.
Ảnh minh họa
"Sau khi cho con đi nhà trẻ, chúng mình tốn trung bình khoảng 7,5 triệu đồng/tháng tiền thuê giúp việc theo giờ. Xót tiền thì thú thực là cũng có, tiền thuê bác gần bằng nửa tháng lương của mình luôn rồi, nhưng đổi lại là hai vợ chồng về tới nhà đã có cơm ăn, không còn bữa đực bữa cái vì lu bu tắm cho con với dọn nhà. Có bác đỡ được khoản ấy nên chúng mình cũng có nhiều thời gian hơn để chơi với con, nghĩ đi nghĩ lại thì mình thấy vậy cũng hợp lý " - Hải Ngọc chia sẻ.
Bố mẹ phải "nhịn ăn, nhịn chơi" để vừa có tiền thuê giúp việc, vừa có tiền tiết kiệm
Hải Ngọc cho biết vợ chồng cô đang áp dụng biện pháp "quy hết về một mối" để quản lý tài chính trong gia đình. Điều này nghĩa là sau khi lương về, mỗi người chỉ được giữ lại khoản tiền 3 triệu đồng để chi tiêu cá nhân, phần còn lại sẽ dùng để trang trải các chi phí cố định, tiết kiệm và xây dựng quỹ dự phòng.
Dù thừa nhận mức thu nhập hiện tại của gia đình cũng ở mức ổn so với mặt bằng chung, nhưng Hải Ngọc vẫn buông một hơi thở dài vì đã cố lắm rồi mà tháng nào cũng tiêu gần 80% thu nhập, chỉ tiết kiệm được khoảng hơn 20% một chút.
"Chúng mình đang có khoản nợ mua nhà, mỗi tháng phải trả 6 triệu. Cũng muốn cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm được nhiều hơn nhưng thú thật là mình không biết phải cắt giảm khoản nào, vì đụng đâu cũng thấy toàn thứ cần chi và đáng để chi.
Hàng tháng nhận lương xong, trả nợ, trả lương bác giúp việc, gửi tiết kiệm và để dành tiền dự phòng, muốn không bội chi là cũng phải hạn chế ăn ngoài, có tháng chẳng đi ăn ngoài bữa nào mà vẫn hết sạch chứ chẳng dám tính tới chuyện đi du lịch nữa" - Hải Ngọc kể.
Tình hình thu - chi, tiết kiệm, dự phòng của gia đình Hải Ngọc mỗi tháng
Sống ở thành phố lớn và đắt đỏ như Hà Nội hoặc TP.HCM, muốn có mức thu nhập tốt để đủ sống và có dư, chắc chắn phải làm việc "hết công suất" chứ chẳng chẳng có chuyện vừa làm vừa chơi mà lương cao được. Nhưng với những gia đình trẻ như vợ chồng Hải Ngọc, làm việc hết công suất để kiếm tiền cũng đồng nghĩa với việc phải chi tiền ở ngưỡng gần như tối đa, không thể cắt giảm nổi, vì làm gì còn đủ thời gian lẫn sức lực nữa...
Không thể sống thiếu bác giúp việc, tiền thuê người hỗ trợ chăm con và nấu nướng hàng tháng thậm chí còn cao hơn cả tiền ăn, tiền tiết kiệm hay tiền dự phòng, vậy mà vẫn chịu chi? Thoạt nghe thì tưởng vợ chồng nhà này lười biếng, sống ỷ lại quá; nhưng trên thực tế, đó lại là tình cảnh chung của những gia đình trẻ có con nhỏ mà cả vợ lẫn chồng đều muốn đi làm kiếm tiền. Không thể nhờ ông bà, cũng không muốn nghỉ làm để trông con, thì đành bấm bụng "nhịn ăn, nhịn chơi" thuê giúp việc thôi chứ biết làm sao dược...