Khi Chris Capossela gia nhập Microsoft vào năm 1991, một trong những điều đầu tiên anh nhận thấy là đồng nghiệp thăng tiến nhanh hơn mình rất nhiều.
Ban đầu, Chris cố gắng "bơ đi mà sống", anh cố gắng không bận tâm tới việc người khác được thăng chức, bởi dù sao thì anh cũng là quản lý marketing, trong khi bạn bè là các kỹ sư và nhà thiết kế sản phẩm, họ vốn làm những công việc khác nhau và ở các cấp độ khác nhau, so sánh như vậy thật khập khiễng. Thêm vào đó, Chris tự nhủ, "Ai mà không cảm thấy bất an ở độ tuổi 20 khi mới bắt đầu sự nghiệp?".
Chris chuyển công việc trong vòng một năm, trở thành quản lý sản phẩm trong nhóm sản phẩm cơ sở dữ liệu máy tính để bàn của Microsoft, nhưng việc này vẫn không làm nguôi ngoai cảm giác khó chịu và hội chứng kẻ mạo danh (imposter syndrome - chỉ cảm giác sâu sắc rằng bản thân không xứng đáng với thành công mình đã đạt được, cùng nỗi sợ người khác "phát hiện" ra mình không tài giỏi đến mức đấy) bắt đầu len lỏi.
"Tôi đã quan sát những người bạn cùng phòng của mình, những người cũng làm việc trong Microsoft, họ được mời làm việc với mức lương cao hơn và thăng chức nhanh hơn tôi, và điều đó khiến tôi tự hỏi, 'Liệu mình có đang làm gì sai không?'", Chris nói với CNBC Make It.
Tuy nhiên, sau cùng, Chris vẫn quyết định "bơ đi mà sống" thực sự, anh theo đuổi những công việc mà mình đam mê trong Microsoft, ngay cả khi chúng không đi kèm với một mức lương cao hơn hoặc một chức danh cao cấp hơn.
Trải qua 31 năm, nhiều lần chuyển đổi vị trí công việc sau đó, cùng với một hành trình cân bằng để không bị cuốn vào vòng xoáy của việc so sánh bản thân với người khác, hiện tại, ở tuổi 53 và là giám đốc marketing của Microsoft, Chris nói rằng anh ấy sẽ chẳng thể nào trở thành giám đốc cấp cao nếu không học cách chống lại hội chứng kẻ mạo danh và để cho niềm đam mê, chứ không phải khả năng cạnh tranh hay kỳ vọng của người khác, dẫn lối cho sự nghiệp của mình.
Tại sao so sánh ở nơi làm việc là một thói quen "độc hại"?
Một trong những bài học quan trọng nhất mà Chris đã học được trong sự nghiệp của mình tại Microsoft là không hề có một con đường rõ ràng nào dẫn đến thành công.
"Bạn sẽ di chuyển với một tốc độ khác với người ở bên trái và bên phải của bạn, nhưng nếu bạn dành tất cả thời gian của mình chỉ để nhìn trái nhìn phải rồi so sánh bản thân với nhóm đồng nghiệp của mình, bạn sẽ bỏ lỡ một sự nghiệp lành mạnh, tuyệt vời, phong phú và chứa đựng rất nhiều điều để học hỏi. Sẽ rất là độc hại và nguy hiểm khi làm vậy", Chris chia sẻ.
"Tôi chưa bao giờ là người lập kế hoạch 5 năm hay 10 năm… Khi mới bắt đầu làm việc tại Microsoft, tôi chỉ làm theo ý mình và nhận những công việc thú vị mà tôi đủ điều kiện. Nhưng về lâu dài, việc đảm nhận các vị trí trong các nhóm khác nhau thực sự có thể mang lại hiệu quả vì nó mang lại cho bạn một góc nhìn rộng hơn về ngành hoặc công ty, điều này sẽ khiến bạn trở thành một nhân viên có giá trị hơn", Chris nói.
Bạn không cần phải nhảy việc quá nhiều, thay vào đó, ngay tại công ty mình đang làm, hãy quan tâm đến những gì các nhóm khác trong công ty làm, tìm hiểu các công việc khác nhau và sẵn sàng đón nhận những cơ hội vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của những gì bạn đang làm (với lượng mà bạn có thể quản lý) là tất cả những cách tuyệt vời để thử thách bản thân và định vị bản thân cho bước tiếp theo trong sự nghiệp của bạn, thay vì chỉ ngồi đó và ghen tị với người khác.
Bạn sẽ tạo ra được thành quả tốt nhất khi làm với sự đam mê
Chris nói rằng những người thành công nhất không quan tâm tới việc họ sẽ mất bao lâu để đạt được một danh hiệu nhất định hay được một mức lương đáng mơ ước.
"Đừng rơi vào bẫy của suy nghĩ 'Nếu tôi không làm quản lý trong 10 năm nữa, tôi sẽ là một người thất bại' hay tương tự như vậy. Tôi không cho rằng những người có sự nghiệp thành công lại nghĩ như vậy… Thay vào đó, họ tập trung vào cách để có thể tăng giá trị cho nhóm của mình và cách họ có thể học hỏi và phát triển trong vai trò hiện tại của mình", Chris cảnh báo.
Không có bí quyết cố định nào trong việc tiến lên nấc thang sự nghiệp cao hơn, nhưng Chris nhấn mạnh rằng bạn sẽ tự tin và thành công hơn trong công việc nếu bạn theo đuổi đam mê của mình.
"Bạn sẽ làm tốt nhất khi bạn đam mê nhất và không dành toàn bộ năng lượng để đặt câu hỏi liệu công việc đó có mang lại lợi ích cho quỹ đạo sự nghiệp của bạn trong dài hạn và những gì người khác đang làm hay không", Chris nói.
Lời khuyên số một của Chris là hãy luôn làm công việc mà bạn đam mê nhất, bởi vì đó là nơi bạn sẽ là phiên bản tốt nhất của mình và khi người khác thấy bạn ở trạng thái tốt nhất, những cơ hội tuyệt vời khác cũng sẽ có khả năng xuất hiện.
Nguồn: CNBC