"Cậu trông lộng lẫy quá! Chiếc váy cậu đang mặc trông đẹp hơn trong ảnh mà cậu từng gửi cho tôi xem nhiều. Những người khác cũng đang trên đường đến đấy", tôi nói chuyện với cô dâu khi bước vào phòng chờ đám cưới. Căn phòng được phủ đầy hoa trắng.
Cô ấy mỉm cười rạng rỡ, cảm ơn tôi vì đã đến và ôm tôi một cách tự nhiên đến đáng kinh ngạc. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Với 15.000 won (12,60 USD) trong một tiếng rưỡi đồng hồ, cô ấy đã thuê tôi đóng giả làm bạn trong ngày cưới của cô ấy.
Công việc đầu tiên của tôi với tư cách là một người được thuê để làm bạn bắt đầu với một thông báo tuyển dụng ngắn gọn trên phòng trò chuyện nhóm KakaoTalk.
"Hong Minh-jung. 30 tuổi. Làm… tại công ty… ở tỉnh… Đám cưới vào ngày…, lúc… tại… Tìm kiếm tối đa 10 người bạn. Nếu bạn quan tâm, vui lòng gọi cho chúng tôi".
Tôi ứng tuyển với một bản CV ngắn gọn có ảnh, tuổi và các thông tin cá nhân khác rồi gửi cho cô ấy 3 ngày trước đám cưới.
Có một số quy tắc cơ bản mà tôi phải tuân theo khi làm công việc này. Thứ nhất, tôi cần chụp ảnh với cô ấy trong phòng chờ của cô dâu trước khi hôn lễ diễn ra. Thứ hai, tôi phải tham gia một buổi chụp ảnh nhóm sau hôn lễ. Thứ ba, tôi không được phép nói chuyện với các thành viên gia đình của cô dâu. Và cuối cùng, tôi không được quên hoặc nhầm tên cô dâu.
Sau khi đọc những điều cần lưu ý, tôi tiến về phòng tiệc cưới và nhập hội với nhóm bạn "tạm thời". Họ cũng là những diễn viên đóng vai bạn của cô dâu hoặc chú rể tại đám cưới.
Phân chia vai diễn
Khoảng 30 phút trước buổi lễ, tại một quán café gần địa điểm tổ chức đám cưới, tôi đã gặp các diễn viên khác cùng tham dự vào ngày hôm ấy. Người quản lý thuộc công ty dịch vụ đã thuê tôi và 9 vị khách mời "giả" khác cho Min-jung cũng có mặt ở đó.
"Hãy chia thành 3 nhóm với các vai khác nhau bao gồm đồng nghiệp, bạn cũ thời đại học và bạn thời trung học nhé", người phụ nữ ấy nói.
Vì tôi bằng tuổi cô dâu nên được xếp vào nhóm bạn thời trung học cùng với 2 người khác đang ở độ tuổi 20.
Thế rồi "buổi diễn" bắt đầu. Tôi bước vào phòng chờ và lần đầu tiên nhìn thấy cô dâu. Cô ấy đang ở bên những người bạn thực sự và những người thân trong gia đình mình, hoặc ít nhất đó là điều tôi nhìn thấy.
Khoảnh khắc tiếp theo, tôi và Minjung nói chuyện với nhau như thể chúng tôi đã biết nhau nhiều năm rồi. Chúng tôi khoác tay nhau, trao cho nhau nụ cười ấm áp và nói chuyện thủ thỉ tâm tình.
Một công việc thật sự
Việc thuê khách mời đến đám cưới ngồi cho đủ chỗ đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc kể từ đầu những năm 2000. Từ đó trở đi, nó đã được mở rộng sang nhiều dịp tụ họp gia đình khác nhau, từ tiệc thôi nôi cho đến đám tang.
Chỉ cần gõ "cho thuê khách dự đám cưới" trên Naver - trang web cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc - bạn sẽ có được một danh sách dài các nhà cung cấp dịch vụ trên toàn quốc.
Chi phí thuê người thông qua công ty dịch vụ là 20.000-30.000 won/người.
"Bạn chỉ cần bỏ ra 29.000 won cho mỗi người. Chúng tôi có một đội ngũ nhân viên bán thời gian giàu kinh nghiệm và đảm bảo sẽ giữ bí mật cho khách hàng", một nhân viên tại công ty cho hay.
Người này nói thêm, nếu khách hàng muốn, họ có thể đưa tiền mặt cho diễn viên muộn nhất là 2 ngày trước đám cưới. Diễn viên sẽ dùng số tiền này để làm tiền mừng cưới cho cô dâu chú rể và khiến họ hàng, người thân của họ không thể nghi ngờ.
Những doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cũng như toàn bộ các dịch vụ đám cưới đều đã phải gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19 kéo dài. Những cuộc tụ họp đều bị hạn chế. Tuy nhiên, mọi thứ dần ổn định trở lại khi chính phủ nới lỏng các quy tắc phòng dịch.
Đối với các diễn viên, đây là một công việc khá hấp dẫn. Mặc dù mức lương không cao bằng công việc toàn thời gian nhưng có thể coi đây là công việc cuối tuần, người được thuê còn được tận hưởng những bữa ăn ngon. Mức lương tối thiểu tính theo giờ hiện nay là 8.720 won.
Tôi đã dành khoảng 1 tiếng rưỡi cho đám cưới này, thưởng thức một bữa ăn tại nhà hàng buffet và được trả 15.000 won.
Song, 29 tuổi, là người cùng tham gia nhóm "bạn thân trung học" với tôi. Cô ấy nói mình là sinh viên mới tốt nghiệp và đã kiếm được 60.000 won chỉ trong 1 tháng sau khi tham dự 4 đám cưới.
"Một số cặp đôi sẽ trực tiếp thuê người trên các cộng đồng trực tuyến có liên quan đến tổ chức đám cưới. Họ sẽ đăng thông báo tuyển dụng trên đó", cô nói thêm. Việc thuê người trực tiếp mà không thông qua công ty điều phối thường sẽ trả lương cao hơn.
Song còn chỉ cho tôi một mẹo khác: Nếu bạn được chọn để bắt hoa cưới của cô dâu, bạn sẽ kiếm thêm được 3.000 won.
Nói dối để giữ thể diện
Sau phần lễ, khách mời di chuyển đến một sảnh tiệc rất lớn ở tầng dưới. Chẳng bao lâu sau, cặp vợ chồng mới cưới đã bắt đầu đi đến từng bàn để tiếp khách.
"Cảm ơn đã đến nhé những cô bạn của tôi. Hãy tụ tập với nhau sau khi tôi đi hưởng tuần trăng mật xong nhé", Min-jung nói. Cô ấy giới thiệu với người thân và những người bạn khác của mình đang ngồi cùng bàn rằng chúng tôi là bạn bè thời trung học.
Có lẽ khoảnh khắc này còn quan trọng hơn sự xuất hiện ngắn ngủi của chúng tôi trong phòng chờ của cô dâu, nơi chỉ có một vài người chứng kiến việc cô ấy có nhiều "bạn". Khách khứa ngồi gần hết các ghế, tiếng trò chuyện tràn ngập cả sảnh tiệc. Đám cưới ấy coi như thành công tốt đẹp.
Tôi đã nói chuyện với một giáo sư xã hội học. Tôi hỏi rằng điều gì khiến cho hoạt động kinh doanh dịch vụ này có thể tiếp tục tồn tại?
"Trong các nền văn hoá Nho giáo như Hàn Quốc và Nhật Bản, chemyeon (thể diện) là điều quan trọng. Người ta coi trọng vào danh tiếng, danh dự hoặc nhân phẩm trong các mối quan hệ giữa các cá nhân", Yoon In-jin, giáo sư xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, cho biết.
Ngoài ra, ý thức cộng đồng đã ăn sâu vào văn hoá truyền thống của Hàn Quốc. Vì vậy, thế hệ của những người lớn tuổi thường tập trung để tâm đến một đám cưới lớn với nhiều khách mời. Điều đó tạo ra gánh nặng cho cô dâu và chú rể, vị giáo sư nói.
Ngay sau khi rời sảnh đám cưới, tôi nhận được một tin nhắn từ công ty dịch vụ: "Khoản thanh toán đã được gửi. Lễ cưới tiếp theo được lên kế hoạch cho XX. Nhắn tin lại cho chúng tôi nếu bạn quan tâm".
Tham khảo The Korea Herald