Đi ăn cưới, tham gia các sự kiện đang cản trở tôi tiết kiệm tiền

39% Gen Y và Gen Z nói rằng không có khoản tiết kiệm khẩn cấp và một nửa nói rằng họ thường xuyên hết tiền, phải dựa vào thẻ tín dụng hoặc gia đình để hỗ trợ tài chính.

Nếu bạn được mời tới một hoặc một vài đám cưới trong năm nay, bạn sẽ là người hiểu rõ hơn ai hết rằng tiền mừng cưới có thể tốn một khoản lớn ra sao. Việc tham dự một buổi lễ kết hôn - chưa kể đến các buổi tiệc trước lễ, chẳng hạn như tiệc độc thân - quả thực sẽ ảnh hưởng tới việc tiết kiệm của một cá nhân.

Trên thực tế, 46% gen Y và 48% thế hệ Z cho biết việc chi tiêu cho đám cưới của bạn bè và các thành viên trong gia đình, lễ đón em bé chào đời hoặc các lễ kỷ niệm khác đang cản trở các mục tiêu tiết kiệm tiền cho những mục đích khác của họ, theo một cuộc khảo sát gần đây của Prudential.

Thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng than phiền nhiều hơn về việc các đám cưới hoặc các sự kiện khác đang ảnh hưởng đến mục tiêu cá nhân của họ, chẳng hạn như mua nhà hoặc có con, so với thế hệ X hay nhóm nhân khẩu trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby boomers).

Những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như đám cưới, sinh nhật… có thể khiến người trẻ khó kiểm soát tài chính của mình hơn, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn có thể thực hiện một vài biện pháp để tránh sự căng thẳng về tiền bạc này.

Đi ăn cưới, tham gia các sự kiện đang cản trở tôi tiết kiệm tiền - Ảnh 1.

Những buổi tiệc, đám cưới,... có thể khiến người trẻ khó kiểm soát tài chính (Ảnh minh họa: Pinterest)

Phần lớn Gen Y và Gen Z ở độ tuổi 20 - 40, đúng vào thời điểm nhiều người kết hôn

Tuổi tác, có thể là một trong những lý do khiến chi tiêu cho đám cưới trở thành gánh nặng như vậy. Phần lớn Gen Y và Gen Z ở độ tuổi 20 - 40, đúng vào thời điểm nhiều người kết hôn.

Ngoài ra, suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra cũng khiến thế hệ Y và Z chịu tổn thương về mặt kinh tế nhiều hơn các thế hệ khác.

Ngay cả những người đã có một số tiền tích lũy nhất định cũng nói rằng họ phải lấy một phần ra để sử dụng thường xuyên hơn các thế hệ trước.

Khảo sát của Prudential cho thấy một phần tư Gen Y và Gen Z đang sử dụng quỹ khẩn cấp của họ ít nhất một lần mỗi tháng và 23% cho biết họ làm như vậy để trả tiền cho một món quà hoặc tham dự một sự kiện kỷ niệm cột mốc quan trọng của bạn bè hoặc thành viên gia đình.

“Tôi nghĩ rằng đám cưới đến dồn dập như vậy một phần là vì dịch Covid”, Brandon Goldstein, một nhà lập kế hoạch tài chính tại Prudential, một người thuộc thế hệ Y và cho biết từ đầu năm đến nay, anh đã dự 10 đám cưới, chia sẻ. Trong vài năm qua, nhiều người dường như đã có ý thức tiết kiệm nhiều hơn trước, nhưng là để có tiền để tham vào vào các sự kiện xã hội, chứ chưa nói tới những mục tiêu lớn lao hơn.

Đi ăn cưới, tham gia các sự kiện đang cản trở tôi tiết kiệm tiền - Ảnh 2.

Ngay cả những người đã có một số tiền tích lũy nhất định cũng phải lấy một phần ra để sử dụng thường xuyên hơn các thế hệ trước (Ảnh minh họa: Pinterest)

Xã hội phát triển hơn, nhu cầu về các lễ kỉ niệm hay các hình thức giải trí cũng ngày một nhiều hơn, và những sự kiện như vậy thì thường đi kèm với việc tiêu tiền.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 39% Gen Y và Gen Z nói rằng không có khoản tiết kiệm khẩn cấp và một nửa nói rằng họ thường xuyên hết tiền và phải dựa vào thẻ tín dụng hoặc gia đình để hỗ trợ tài chính.

Mất ăn mất ngủ vì rắc rối tiền bạc, nhưng rất ít người nghĩ đến chuyện quản lý tiền bạc bài bản

Vấn đề tiền bạc không chỉ là vấn đề trong mùa cưới. Một nửa số người thuộc Gen Y và Gen Z cho biết họ bị mất ngủ vì căng thẳng tài chính, nhưng 70% nói rằng họ không nghĩ tới chuyện lập một kế hoạch chi tiết cho việc tiết kiệm và chi tiêu.

Goldstein đã yêu cầu tất cả các khách hàng của mình điền vào một bảng ngân sách (một danh sách tất cả các chi phí và thu nhập theo kế hoạch) trước khi anh đưa ra bất kỳ lời khuyên nào về cách đạt được các mục tiêu tài chính. Anh nói, biết tiền của bạn sẽ đi đâu là bước đầu tiên, nhưng rất nhiều người lại tránh điều đó.

“Tôi nghĩ mọi người có tâm lý sợ hãi khi nhìn thấy những con số thực tế. Nhưng một khi bạn viết nó ra giấy, nó sẽ giúp bạn nhận ra được nhiều điều”, anh nói.

Có thể rất khó khăn để ngồi xuống và xem xét một cách chi tiết xem bạn đã chi bao nhiêu cho Uber, đặt đồ ăn online hay các khoản chi tiêu nhỏ khác trong một tháng, nhưng điều quan trọng là phải biết tiền của bạn sẽ đi đâu và khi làm được điều đó, bạn sẽ biết mình có thể chi tiêu bao nhiêu cho những mong muốn, hay cả những sự kiện bất khả kháng như đám cưới và tiệc tùng, sau khi đã trừ đi chi phí cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, Goldstein nói.

Đi ăn cưới, tham gia các sự kiện đang cản trở tôi tiết kiệm tiền - Ảnh 3.

Cần lên kế hoạch để không phải đi vay hay nợ vào tiết kiệm vì đi đám cưới (Ảnh minh họa: Pinterest)

Hãy học cách lên kế hoạch trước và quyết định xem đám cưới và sự kiện nào bạn thực sự phải tham dự để bạn không phải đi vay hay nợ vào tiết kiệm khi đi ăn mừng, Goldstein khuyên.

“Nếu số tiền cho những sự kiện mà bạn cần tham gia sắp tới đang vượt quá khả năng của bạn, hãy xem xét tới chi phí có thể thay đổi, chẳng hạn, bình thường bạn đi du lịch mỗi năm một lần, nhưng năm nay, có lẽ bạn sẽ phải cắt bỏ khoản đó và dành số tiền đó cho những đám cưới này”, Goldstein nói.

Với nhiều người, việc lập bảng và điều chỉnh ngân sách có lẽ không phải là một công việc thú vị, nhưng đó là một bước quan trọng để đạt được các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn, cũng như không để các sự kiện xã hội cần thiết cản trở việc bạn tiết kiệm tiền của mình.

Theo CNBC