Người ta có câu: "Anh em ruột thịt cũng phải tính toán rõ ràng". Ý câu nhấn mạnh trong mối quan hệ ruột thịt cũng cần có sự rõ ràng, chi tiết về vấn đề lợi ích, tiền bạc, để tránh phát sinh mâu thuẫn không thể vãn hồi.
Ngày 4/2, hòa cùng không khí Xuân vận về nhà ăn Tết ở Trung Quốc, cô gái chia sẻ câu chuyện khiến cô có cách nhìn khác về cậu mợ của mình.
Cô gái chia sẻ, những ngày giáp Tết 2024, công xưởng đã cho phép công nhân nghỉ làm. Vốn dĩ cô dự định mua vé xe khách về quê, nhưng biết người cậu cũng lái ô tô về nên cô đã thương lượng để đi nhờ xe. Cậu đã đồng ý, nhưng cô gái phát hiện vợ của cậu, tức bà mợ, lại không mấy vui vẻ.
Nghĩ đến cảnh mua vé xe khó khăn ngày cận Tết, bây giờ mua cũng chưa chắc còn vé, nên cô gái đã mặc kệ thái độ của mợ mà lên xe cậu về nhà.
“Chỉ cần cậu đồng ý là được, mợ nghĩ sao cũng mặc kệ”, cô gái chia sẻ.
Ảnh minh họa
Trên đường trở về, lo lắng cậu lái xe đường dài sẽ mệt mỏi, cô đề nghị cậu cháu thay phiên cầm lái. Đến khu dừng chân trên đường cao tốc, cô lại mua đồ ăn vặt mời cậu mợ.
Cô gái cũng nghĩ đến việc sẽ chủ động trả tiền khi qua các trạm thu phí, nhưng vì lý do phương thức thanh toán không tiện nên cô đã không thể làm được điều này.
Vốn nghĩ rằng chuyến đi về nhà năm nay suôn sẻ, tiết kiệm được khoản tiền đi lại, cô gái đã bị thực tế "vả mặt".
Vừa đến cửa nhà sau quãng đường dài 800km, mợ đột nhiên đòi cháu gái 500 NDT (hơn 1,7 triệu đồng), coi như tiền xăng xe và tiền công.
“Nghe câu nói của mợ, tôi hơi giật mình, trong lòng cực kỳ bất mãn. Nhưng bản thân đã đi nhờ xe người ta, lại thêm không muốn gia đình bất hòa, nên tôi đã trả cho cậu mợ số tiền này”, cô gái nói.
Loại chuyện khá “nhạy cảm” này cũng không thể nói ra nói vào trong gia đình, nên cô gái chỉ có thể chia sẻ lên mạng xã hội để giải tỏa cơn bức xúc.
Ảnh minh họa
Cô gái cho biết, cô ở thế bị động trong câu chuyện này, đi nhờ xe, cậu vất vả lái xe, nên việc trả lại tiền cũng là điều nên làm. Nhưng nếu xét trong mối quan hệ gia đình, tình cảm giữa cậu cháu với nhau lại trở thành một cuộc giao dịch. Điều này khiến cô hơi thất vọng và tủi thân.
“Nếu không có tôi thì cậu mợ vẫn lái xe về nhà, có tôi chỉ là chiếm một chỗ ngồi thôi mà. Nếu người trong gia đình mà tính toán rõ ràng như vậy thì có đáng không? Vậy làm sao sau này có thể giúp đỡ lẫn nhau đây?”, cô nói.
Cô gái chia sẻ bình thường làm việc ở thành phố cũng rất quan tâm đến cậu mợ, chứ không phải kiểu ít qua lại rồi đột nhiên đi nhờ vả.
“Thật ra tôi và cậu mợ cũng khá thân thiết, cùng đi làm xa nhà nên thường xuyên hỏi thăm nhau. Ai mà ngờ chuyến đi về nhà ăn Tết lần này lại khiến tôi nhìn thấu được nhiều thứ”.
Kết thúc đoạn video, cô gái đã nói về cách cô xử lý mối quan hệ cậu cháu sau này: “Mọi thứ vẫn bình thường, chỉ là sau này tôi sẽ hạn chế nhờ vả cậu mợ, ít có sự dính líu đến họ hơn mà thôi. Tình cảm đôi bên vẫn vậy, dù gì cũng là người một nhà”.
Cư dân mạng đã bày tỏ ý kiến:
“Tôi rất hiểu tâm trạng của cô gái này. Tình cảm gia đình đã mất đi cái chất vốn có của nó, không còn vô tư và ấm áp nữa”.
“Cũng có thể năm này phía người cậu có nhiều áp lực trong kinh tế, trao đổi công bằng cũng là chuyện thường tình. Quan trọng là ở cách nói chuyện và thái độ đối xử với nhau mà thôi”.
“Người thân cũng nên tính toán rõ ràng. Cậu không giàu có, cháu đi nhờ xe cũng nên gửi lại ít tiền. Mặc dù chuyện này khiến cô thất vọng, nhưng đừng vì thế mà đánh giá hay ghi hận”.
Nguồn: 163