“Tôi thấy trống rỗng mỗi khi nghĩ đến việc có con”
Vào năm ngoái, số ca sinh ở Hàn Quốc lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 250.000 ca. Song song với hiện trạng tỷ lệ sinh thấp đáng báo động, một số người trẻ đang ở độ tuổi sinh con cho rằng việc không sinh con là một lựa chọn hợp lý.
Bang (30 tuổi) người đã kết hôn vào năm ngoái, tâm sự: “Việc nuôi một đứa trẻ tốn quá nhiều chi phí. Nếu đứa bé lớn lên, tôi muốn chuyển đến căn nhà rộng hơn, và muốn cho con hưởng một nền giáo dục chất lượng hơn, nhưng thực tế thì thực hiện điều đó dường như rất khó”.
Bang quyết định: “Tôi sẽ không sinh con, vì tôi phải chuẩn bị cho bản thân khi về già”.
Cũng giống như Bang, Yoon (30 tuổi, nhân viên đoàn làm phim) rùng mình khi nghĩ đến những khoản tiền phải chi nếu một đứa trẻ xuất hiện trong đời mình.
"Xem xét các chi phí dành cho một đứa trẻ như chi phí nhà ở và chi phí giáo dục, tôi chắc rằng mình không thể duy trì cuộc sống như hiện tại. Tôi không đủ tự tin để sống hạnh phúc khi nhìn con mình lớn lên trong eo hẹp.
Tôi nghĩ hiện tại việc sinh con là một lựa chọn bất hợp lý. Tất nhiên là tôi muốn có một gia đình hạnh phúc. Nhưng khi tôi nhớ đến những vấn đề hiện tại như việc làm và thu nhập, thì tôi cảm thấy trống rỗng mỗi khi nghĩ đến việc có con”, đó không phải là 1 quyết định dễ nhưng Yoon buộc phải làm thế".
Không muốn từ bỏ sự nghiệp để sinh con
Mặc dù mọi chuyện đã thay đổi nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính khiến phụ nữ ngại sinh con là những lo lắng về sự nghiệp.
Yoon cho biết: "Công ty tôi có một đồng nghiệp trở lại làm việc sau thời gian 1 năm nghỉ thai sản. Tuy nhiên, dường như cô ấy rất khó khăn để vượt qua sau thời gian gián đoạn. Tôi cảm thấy miễn cưỡng khi chứng kiến những trường hợp mất đi lợi thế cạnh tranh và mất vị thế của mình trong công ty sau khi nghỉ phép chăm con".
Trong khi đó, Jo (27 tuổi, nhân viên văn phòng) người đã đi làm được 2 năm than thở: “Cường độ công việc cao và không có nơi nghỉ ngơi trong giờ làm việc nên tôi sẽ không thể kết hợp việc chăm sóc con và làm việc. Tôi đã học hành chăm chỉ và có được công việc hiện tại, tôi không muốn từ bỏ để sinh con”.
Ảnh minh họa
Ngay cả trong số những người đàn ông tương đối ít quan tâm đến việc bị gián đoạn sự nghiệp, không ít người cho rằng việc sinh con chẳng phải là lựa chọn hàng đầu của họ ở thời điểm ngoài 30.
Kim (31 tuổi) cảm thấy áp lực: “Có rất nhiều người đàn ông ở độ tuổi của tôi muốn kết hôn hoặc nuôi con với đầy đủ các điều kiện cần thiết. Những rào cản đối với hôn nhân và sinh con đã trở nên cao hơn nhiều do thu nhập kiếm được không đủ, giá nhà cao và gánh nặng chi phí giáo dục tư nhân”.
“Tôi không muốn có con vì nghĩ rằng chất lượng cuộc sống sẽ cao hơn nếu dành những khoản đó cho du lịch, phát triển bản thân và đầu tư”, anh ấy nói thêm.
Trong khi đó, Lim (30 tuổi), người đã kết hôn được 2 năm cho biết: “Trước đây tôi từng hy vọng rằng con cái sẽ phụng dưỡng mình khi về già. Nhưng hiện giờ dù có sinh con, tôi không mong đứa trẻ lớn lên và phụng dưỡng tôi. Tôi trở nên miễn cưỡng trong việc có con vì nuôi con chỉ là gánh nặng".
Không dám nghĩ đến chuyện sinh con thứ hai vì quá cực
Ngay cả những người đã từng sinh con cũng có phản ứng là không dám nghĩ đến việc sinh con thứ hai.
Cô Lim (39 tuổi) ở quận Songpa, Seoul đang nuôi con 3 tuổi cho biết: “Tôi muốn sống một cuộc sống cho riêng mình, chẳng hạn như làm việc hoặc đi du lịch trở lại trong khi chăm sóc đứa con đầu lòng. Sẽ không có lần sinh thứ hai”. Và “Tôi đã có nhiều khoản nợ cho chi phí nhà ở và giáo dục cho con cái”, cô bổ sung.
Cô Lee 36 tuổi đồng ý: “Đúng là cả tâm hồn và thể xác đều mệt mỏi khi vừa phải làm việc vừa phải nuôi dạy con cái”.
"Ngay cả khi bạn muốn sinh đứa con thứ hai, bạn cuối cùng sẽ đi đến kết luận rằng điều đó gần như là không thể nếu xét đến các chi phí cần thiết và gánh nặng chăm sóc con cái," cô nói.
Theo Newsis